Thi giáo viên giỏi: Khen nhiều, chê cũng lắm!

Nếu ai đã từng tham dự các cuộc thi giáo viên giỏi từ quận, huyện tới thành phố hẳn sẽ hiểu những niềm vui, nỗi vất vả của những cuộc thi này. Bên cạnh những tích cực của cuộc thi là để tìm ra nhân tố mới, học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp.., cuộc thi còn gây mệt mỏi cho cả học sinh, phụ huynh.

Thi giáo viên giỏi vì thành tích thi đua

Thi giáo viên giỏi (GVG) vốn là một trong những cuộc thi mà rất nhiều giáo viên trong đời làm nghề hướng tới. Việc đăng ký hay được lựa chọn đi “thi đấu” vừa là áp lực, vừa là vinh dự của giáo viên. Thông thường, khi được chọn đi thi, các cô phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu tìm đề tài hợp sở trường với mình cho đến trau dồi kỹ năng sư phạm khi đứng trước học trò, hội đồng sư phạm. Để làm được nhuần nhuyễn và chuẩn chỉ cả vể nội dung lẫn hình thức cho bài thi, ngoài “nhân vật chính” là cô giáo đi thi còn có một ekip hùng hậu cố vấn, đạo diễn nghiệp vụ.

Một tiết dạy ở trường tiểu học quận B. Ảnh mang tính minh họa

Cô Võ Q.C, 42 tuổi (quận H, Hải Phòng) chia sẻ: "Cuộc thi GVG thành phố Hải Phòng diễn ra 4 năm/lần từ nhiều năm nay. Bản thân tôi dự nhiều cuộc thi này vừa là vai dự giờ, vừa là người trực tiếp thi, tôi nhận thấy mình học hỏi được nhiều kỹ năng sư phạm, cách truyền tải tinh thần nội dung bài học tới học trò từ đồng nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện tốt bài giảng trên lớp rất cần sự tham góp ý kiến của tập thể, đồng đội trong khối, trong tổ".

Là người tham dự cuộc thi GVG thành phố 4 lần liên tiếp, cô Nguyễn H.H, 40 tuổi, trường tiểu học B. (quận A, Hải Phòng) bày tỏ: "Vừa qua, dư luận nói nhiều về việc học sinh yếu ở nhà và chỉ chọn học sinh giỏi đi phục vụ cuộc thi GVG thành phố, tôi thấy chưa hẳn đúng. Lớp tôi giảng dạy thi tại trường Tiểu học LHP (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) có 20 học sinh (lớp có hơn 40 học sinh chia làm 2 lớp), có nhiều cháu giỏi và chưa giỏi.

Trước hôm thi khoảng 2 ngày, giáo viên thi được tiếp cận học sinh 40 phút làm quen với lớp. Thời điểm đó, tôi chỉ có thể trò chuyện, trao đổi với các con một số việc như ôn luyện bài nào cho kỹ. Tuyệt nhiên, không có việc dàn dựng hay dạy trước.

Với tôi, việc tạo không khí học tập cho học sinh rất quan trọng. Nếu dạy trước thì buổi học hẳn sẽ mất đi nhiều hứng thú và không tự nhiên. Không biết các trường khác thế nào nhưng đối với lớp tôi dạy, học sinh không phải giỏi hết. Thậm chí, có cháu khi được hỏi còn ú ớ không trả lời được. Lúc đó, tôi nhanh trí dành câu hỏi khác cho cháu và động viên tinh thần để cháu tự tin hơn".

Cô H. cũng cho hay: "Thi GVG là một trong những mục tiêu hướng tới của nhiều giáo viên. Ngoài việc được ghi nhận, đánh giá về năng lực chuyên môn, giáo viên còn học hỏi được nhiều cách làm mới, phương pháp giảng dạy mới, hay từ đồng nghiệp. Tuy nhiên, làm gì cũng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên việc một người đi thi mà nhiều người xúm vào hỗ trợ là điều đương nhiên. Việc số học sinh không giữ nguyên đủ sĩ số cả lớp trong buổi dự thi, thực ra do cần để không gian cho các giáo viên dự giờ và hội đồng giám khảo. Nếu các cháu đến hết thì không có chỗ cho các giáo viên dự ngồi".

Bày tỏ quan điểm cá nhân về cuộc thi GVG thành phố trong những năm gần đây, cô giáo Xuân Tr, 45 tuổi (Trường Tiểu học L, Hải Phòng) ngại ngần nói: "Thực ra, cuộc thi này nếu bỏ được thì cũng tốt cho giáo viên và học sinh. Mỗi khi tổ chức cuộc thi như thế này, không chỉ mình cô giáo vất vả mà còn kéo theo cả 1 ekip hùng hậu hỗ trợ đằng sau.

Vì thế, bài giảng tại cuộc thi bao giờ cũng hay hơn vì là công sức của cả tập thể xây dựng bài. Cô giáo chỉ còn mỗi nhiệm vụ tập trung "diễn xuất" sao cho tốt kịch bản đó. Chỉ có điều, để có được tiết dạy tốt rất cần sự tham gia của học sinh tốt. Bởi lẽ đó, cũng có một số trường hợp, học sinh mà tiếp thu kém sẽ được "ưu tiên" ở nhà".

Cô Tr. tâm tư: "Thi GVG TP phải giống ngày cách đây 20 năm chúng tôi thi mới hiệu quả. Thời điểm đó, 1 trường chỉ 1, 2 giáo viên dự thi chứ không ồ ạt như bây giờ. Giáo viên phải trẻ, ưa nhìn, lối giảng tốt, có tầm ảnh hưởng với đồng nghiệp. Giờ vì thành tích nên nhiều trường ép giáo viên đi thi "càng nhiều càng tốt". Nhiều giáo viên dạy không hấp dẫn, giảng bài học sinh khó hiểu cũng đưa đi thi. Nhưng cũng vì thành tích của cả tập thể nên tất cả đều phải gồng mình lên, từ giáo viên cho đến BGH, thậm chí gây mệt mỏi cho cả học sinh".

Cô thi GVG, học trò kêu mệt

Xung quanh những mặt được và chưa được của các cuộc thi GVG thành phố, một hiệu trưởng cho biết, việc lựa chọn cán bộ đi thi GVG thành phố căn cứ vào chỉ tiêu mà Sở và Phòng Giáo dục đưa về. Người đi thi chủ yếu được lãnh đạo nhà trường lựa chọn, thi thoảng cũng có giáo viên xung phong dự thi.

Để chuẩn bị cho việc thi cử này, không chỉ mỗi giáo viên đi thi bận rộn mà cả tổ, cả khối cũng bận theo vì phải lo nội dung, kỹ năng sư phạm và cả học trò tốt... Sau khi thống nhất cách làm, người giáo viên phải trình bày nháp cho tổ tư vấn xem chỗ nào được, chỗ nào chưa được còn góp ý. Thông thường để thực hiện tập dượt này, giáo viên phải mất 2 tuần. Vì để tập trung cho cuộc thi, giáo viên phải gác lớp, nhờ đồng nghiệp khác dạy thay mình. Điều đó dẫn đến, việc học tập trên lớp của học sinh bị ảnh hưởng.

Xung quanh cuộc thi GVG thành phố vừa qua, nhiều ý kiến trái chiều khen chê

Được hỏi về suy nghĩ của mình khi được chọn tham gia các lớp thi GVG của trường, học sinh Vũ Hà An, 9 tuổi (Trường tiểu học B, Hải Phòng) thẳng thắn nói: "Cháu không thích những cuộc thi này vì thành tích thuộc về giáo viên nhưng học trò quá khổ. Mỗi khi các cô thi, học sinh cứ luyện đi luyện lại mãi một bài học. Còn khi các cô đi thi thành phố, học sinh chúng cháu được cô khác dạy thay, bài vở không giao về làm. Tới khi cô đi thi về, bài giao về làm nhiều lắm. Cháu sợ!”.

Trước những ồn ào xung quanh cuộc thi GVG của thành phố vừa diễn ra tại Hải Phòng, chị Minh Hòa - phụ huynh có con đang theo học tại quận Lê Chân bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, đã là giáo viên giỏi thì phải đào tạo, dạy dỗ cho các cháu yếu thành khá, thậm chí là giỏi. Còn thi GVG mà chỉ để cháu học tốt đến lớp, còn học yếu ở nhà thì còn gì là GVG".

Sở GD&ĐT Hải Phòng rà soát học lực học sinh nghỉ ở nhà

Ngày 14/1, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, qua thông tin báo chí phản ánh về cuộc thi GVG thành phố chỉ cho học sinh giỏi đến lớp, học sinh yếu ở nhà, Sở đã cho kiểm tra, rà soát lại toàn bộ danh sách học sinh đã ở nhà. Theo đó, qua sơ bộ cho thấy, trong số các học sinh ở nhà vừa qua, không phải toàn học sinh kém. Có nhiều cháu có thành tích học rất xuất sắc nhưng vẫn ở nhà do điều kiện gia đình không có người đưa đón.

Tại cuộc thi GVG cấp tiểu học 2018 - 2019, cả thành phố có 399 giáo viên được xét duyệt đủ điều kiện tham gia thi, tương ứng tỉ lệ 43,5% giáo viên đủ điều kiện tham gia dự thi. Các thí sinh phải trả qua 3 nội dung thi: Báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được đánh giá trong thời gian 4 năm gần nhất; Bài kiểm tra năng lực hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, bài thi năng lực; Giáo viên thực hành giảng dạy 2 tiết ( 1 tiết do GV chọn và 1 tiết BTC cho bốc thăm).

Theo quan điểm của Sở GD&ĐT Hải Phòng, do có một số vướng mắc trong quá trình triển khai bốc thăm bài dạy thực hành tại các điểm thi, cụ thể là mất cân đối về giáo viên dự thi giữa các khối lớp. Do đó, để đảm bảo mỗi học sinh chỉ được học 1 lần ở 1 tiết dạy nên phải xếp mỗi lớp chỉ có 1 giáo viên tham gia thi dạy, giáo viên không dạy học sinh của mình để thể hiện tốt nhất nội dung tiết học.

Minh Lý

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/thi-giao-vien-gioi-khen-nhieu-che-cung-lam-2019011416021824.htm