Thi giáo viên dạy giỏi: 'Sàn diễn' vụng về mang tính hình thức cần loại bỏ

Cuộc thi giáo viên dạy giỏi diễn ra thường xuyên nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo viên để tuyên dương, khen thưởng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, cuộc thi đã biến tướng thành những 'sàn diễn' vụng về mang tính hình thức mà người diễn-giáo viên và học sinh-đều cảm thấy bị áp lực .

Những cuộc thi siêu “diễn”

Những câu chuyện về cuộc thi giáo viên dạy giỏi ở các cấp đang ngày càng có nhiều “gam tối”. Một giáo viên đứng trước cuộc thi giáo viên dạy giỏi, tìm mọi cách chuẩn bị, tham khảo nội dung, nhiều khi vì áp lực mà sao chép ý tưởng cho bài giảng, vô tình hạn chế khả năng sáng tạo của bản thân.

Cô Trần Lâm, giáo viên một trường THCS (Hà Nội) tâm sự: “Tôi nghĩ nên bỏ cuộc thi giáo viên dạy giỏi đi vì có quá nhiều áp lực. Trước mỗi kỳ thi, chúng tôi phải lên bài giảng thật kỹ với nhiều nội dung phong phú nhất, liên hệ những ví dụ sinh động nhất, nhiều khi tốn kém, mỗi tiết học chuẩn bị mất vài triệu đồng là ít.

Thức đêm soạn giáo án không còn là chuyện quá lạ, nhưng áp lực nhất là bỏ bê gia đình, dành thời gian tập trung chuẩn bị giáo cụ, nhiều khi lo bài thi không hay thì mất danh dự.

Bên cạnh đó, còn phải luyện đi luyện lại cho học sinh, luyện nhiều, học sinh cũng chán, nói chung là sự căng thẳng từ thầy đến trò, mà năm nào cũng thi, cũng luyện”.

Bạn Lê Nguyễn Yến Anh, học sinh một trường THPT (Hà Nội) bày tỏ sự không thoải mái khi tham gia lớp học giáo viên dạy giỏi: “Điển hình như một giáo viên quốc phòng trường em, chọn một nhóm học sinh tập đi tập lại cả chục lần chỉ để dự giờ. Những bạn được chọn tham gia giờ học tập “mẫu” ấy, nếu không được điểm 10 cho thi kết thúc học kỳ, thì cũng sẽ được cộng thêm điểm.

Thầy dạy toán thì dạy trước nội dung, rồi dạy đi dạy lại, để khi tham gia dự giờ, các thầy cô thấy được là thầy truyền đạt dễ hiểu, chỉ cần nghe giảng là làm được bài tập. Những cuộc thi ấy thực ra chẳng có tác dụng gì, bỏ đi thì tốt hơn, vì vừa tốn thời gian của cả giáo viên lẫn học sinh, mà chưa chắc đánh giá đúng năng lực dạy hoc của giáo viên, có khi người đánh giá đúng nhất lại chính là học sinh.

Chính vì hành động đó của giáo viên khiến nhiều học sinh còn có tâm lý ngược, không muốn được chọn để tham dự lớp dạy thi giáo viên dạy giỏi. Nếu một giáo viên giảng thực sự hay, thoải mái tâm lý thì học sinh đều chăm chú nghe giảng và lĩnh hội kiến thức, chứ cứ cố nhồi nhét thì chỉ thuộc được ngay lúc đó, sau khi ra khỏi lớp có khi lại quên ngay”.

Cuộc thi giáo viên dạy giỏi dần biến thành "sàn diễn".

Anh Bùi Ngọc Phúc (Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang có con học lớp 5 bày tỏ quan điểm: “Thực ra, bản thân giáo viên cũng chỉ là nạn nhân trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi thôi. Không ai chủ quan muốn tiêu cực, nhưng nếu họ không đạt được kết quả, họ sẽ bị xếp hạng và đánh giá. Là một phụ huynh, tôi cũng thông cảm phần nào với các giáo viên.

Đặc biệt, trường hợp tiêu cực chọn học sinh giỏi, loại học sinh kém tham gia lớp tại Hải Phòng có lẽ sẽ gây chút mặc cảm giữa các học sinh.

Đây là một cuộc thi mà cả người chấm lẫn người thi đều biết rằng chỉ mang tính hình thức, có lẽ nên mạnh dạn bỏ đi”.

Tài năng không nằm trong vài tiết dạy

Bạn Vũ Thúy Hồng, học sinh một trường THCS (Hà Nội) cũng cho rằng cuộc thi giáo viên dạy giỏi không mang lại năng lực của giáo viên: “Em không cho rằng cuộc thi giáo viên dạy giỏi có thể giúp tất cả các giáo viên bộc lộ đúng hết năng lực giảng dạy của bản thân.

Nếu giáo viên dạy giỏi chỉ chọn học sinh giỏi để “diễn” trong một vài tiết học, thì sao có thể chứng minh được tài năng. Một người giáo viên giỏi, phải mang tâm huyết của người thầy, đưa một học sinh kém trở thành một học sinh giỏi toàn diện, chứ không phải là tìm cách loại học sinh kém ra khỏi “sàn diễn” để “diễn” một cách trôi chảy”.

Thầy giáo Trương Vân Ngọc, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Minh Phú (Hà Nội) nhận định: “Cuộc thi giáo viên dạy giỏi chỉ là phục vụ yếu tố cá nhân, ít phát huy tính chất thường xuyên, cuộc đời, sự nghiệp giáo viên dạy cả triệu tiết học mà chỉ lấy một vài tiết học để đánh giá thì liệu có thể công bằng hay không? Hơn nữa, cuộc thi lại nặng về thành tích, không giải quyết được gì. Giáo viên nào sau khi được giải mà tự nhiên “tự kiêu”, không có sự trau dồi thêm kinh nghiệm giảng dạy, dậm chân tại chỗ thì thật đáng tiếc.

Nhà văn Trương Vân Ngọc cho rằng nê loại bỏ cuộc thi mang tính hình thức này.

Giáo viên đứng trước cuộc thi giáo viên dạy giỏi gặp nhiều áp lực, từ chuẩn bị giáo án, đầu tư thiết kế, đến chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng xử lý tình huống trên bục giảng... Vì vậy, tôi nghĩ, nên bỏ cuộ thi hình thức này đi, đánh giá của học sinh và phụ huynh học sinh đánh giá mới là quan trọng và thực tế”.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thi-giao-vien-day-gioi-san-dien-vung-ve-mang-tinh-hinh-thuc-can-loai-bo-a418859.html