Thi đúc chuông, trống đồng làm kỷ vật nhân kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa

Ngày 29/4, tại Di tích Quốc gia núi và đền Đồng Cổ (xã Yên Thọ, huyện Yên Định), Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hóa đã tổ chức Hội thi đúc đồng và đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống làm kỷ vật trong Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019).

Tham gia hội thi có hàng chục nghệ nhân và thợ lành nghề đến từ 7 trung tâm đúc đồng lớn trong tỉnh.

Nghi lễ trang trọng nhất của nghề đúc đồng truyền thống. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Nghi lễ trang trọng nhất của nghề đúc đồng truyền thống. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Trong không khí linh thiêng ở nơi thờ thần Đồng Cổ, Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa đã tổ chức lễ chập lò, nhập linh đúc trống đồng, chiêng đồng. Những khối đồng được nung trong lò bằng ngọn lửa thiêng xin từ đền Đồng Cổ. Khi lò lửa đến độ thăng hoa cũng là lúc đồng được nung chảy hoàn toàn. Lúc này, khối đồng hợp nhất nóng hàng nghìn độ C trong nồi được rót từ từ vào khuôn trống đồng - đây được xem là nghi lễ trang trọng nhất của nghề đúc đồng truyền thống. Sau 30 phút, khuôn trống được dỡ bỏ dần dần.

Các nghệ nhân và thợ lành nghề của các trung tâm đúc đồng xứ Thanh đã đem hết tài năng cùng bàn tay khéo léo tạo ra những sản phẩm hoàn mỹ nhất. Năm chiếc trống đồng được làm theo phiên bản của trống đồng Ngọc Lũ - một trong những hiện vật đặc sắc của di sản văn hóa Việt cổ - đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Trống có đường kính mặt là 60cm, chiều cao 49 cm với hình dáng, đường nét và hoa văn rõ nét và đạt yêu cầu. Trong vài ngày tới, các nghệ nhân sẽ hoàn thành những công đoạn cuối cùng như làm nguội, đánh bóng, đánh ba-via và phủ lớp chống oxi hóa... Sau khi hoàn thiện, trống sẽ nặng khoảng 60 kg. Đặc biệt trên hông trống sẽ có dòng chữ “990 năm Thanh Hóa”.

Sau 30 phút, khuôn trống được dỡ bỏ dần. Khiếu Tư/TTXVN

Nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn, người trực tiếp đúc 1 trong 5 chiếc trống đồng cho biết: “Tôi và các cộng sự đã dành một tháng để luyện đất, dựng khuôn, tạo hoa văn cho chiếc trống đồng này. Đặc biệt, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng mẫu trống đồng Ngọc Lũ, sau đó mới bắt tay vào chế tác.”

Nghệ nhân Thiều Quang Tùng (Trung tâm đúc đồng Đông Tiến, Đông Sơn) cho biết: “Bấy lâu nay, chúng tôi đúc rất nhiều trống đồng tại nhiều địa phương khác nhau như Hà Nội nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, đúc trống đồng tặng Đền Hùng, đúc trống đồng tặng các Khu tưởng niệm Bác Hồ tại Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp… nhưng có thể nói lần đúc trống đồng ngay tại nơi thờ Thần trống đồng (Đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ) này là vinh dự, tự hào nhất. Chúng tôi sẽ cố gắng để mang đến những sản phẩm hoàn mỹ nhất trưng bày trong Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.”

Ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa cho biết: “Việc đúc trống, chuông đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống làm kỷ vật trong Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa sẽ góp phần tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh nghề đúc đồng truyền thống xứ Thanh, đồng thời giới thiệu những tinh hoa của nghề đúc đồng xứ Thanh đến công chúng trong và ngoài nước.”

Sau khi hoàn thiện, 5 chiếc trống và 2 chiếc chuông đồng sẽ được trưng bày tại Đại lễ 990 năm Thanh Hóa vào ngày 8/5 tới đây.

Hoa Mai (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/thi-duc-chuong-trong-dong-lam-ky-vat-nhan-ky-niem-990-nam-thanh-hoa-20190429145909748.htm