Thi đua yêu nước đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội

Suốt 7 thập kỷ qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, các hoạt động thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhân dịp này, phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà - Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương.

Thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua các phong trào thi đua được triển khai ra sao, thưa bà?

70 năm qua, vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều đổi mới, phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, các vùng miền của Tổ quốc, được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực. Các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Với chủ đề thi đua "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" giai đoạn 2016 - 2020, các cấp ngành, đã hưởng ứng tích cực bằng nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có tác động lan tỏa rộng khắp, liên tục trên tất cả các lĩnh vực, tiêu biểu như phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Dạy tốt, học tốt"; "Thi đua quyết thắng"…

Để triển khai các Nghị quyết của Đảng về "Nông nghiệp, nông dân và nông thôn" (Nghị quyết Trung ương 7, khóa X); "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân" (Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII), "Chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020" (Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI), Thủ tướng Chính phủ đã phát động 3 phong trào thi đua lớn, đó là: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"... Các phong trào đã được các cấp, các ngành, các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện, đặc biệt, được sự hưởng ứng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp (DN), doanh nhân trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế.

Thưa bà, phong trào thi đua được DN hưởng ứng như thế nào?

Hòa chung với khí thế thi đua sôi nổi ở các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua "DN Việt Nam hội nhập và phát triển", các DN trong cả nước đã tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tiêu biểu phải kể đến các phong trào như: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", "Thi đua trên các công trình trọng điểm quốc gia", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", "An toàn - Đổi mới - Tăng trưởng - Hiệu quả", "Đoàn kết, sáng tạo vượt khó, thi đua thực hiện nhiệm vụ với năng suất và chất lượng cao"...

Các DN còn tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào như: "Đền ơn đáp nghĩa", "Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng", "Gắn phát triển DN với việc bảo vệ môi trường", "DN với trách nhiệm xã hội"... để hỗ trợ người nghèo, chăm lo các gia đình chính sách và phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Thông qua nhiều phong trào thi đua, các DN đã góp phần tích cực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động; tăng doanh thu, lợi nhuận, nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của DN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Theo bà, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, DN cần thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm gì để phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu rộng?

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phong trào thi đua cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức của đảng viên, cán bộ, người lao động và nhân dân về vai trò, vị trí, tác dụng và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả. Các bộ, ngành hướng phong trào thi đua vào việc tham mưu hoạch định chính sách, xây dựng thể chế; các DN tập trung thi đua nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu DN, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cần gắn phong trào thi đua với lợi ích của người lao động, của nhân dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc".

Ngoài ra, công tác khen thưởng phải công khai, minh bạch, kịp thời, đúng người, đúng thành tích, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo để khen thưởng mang tính giáo dục, động viên và nêu gương. Cần chú trọng việc khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo. Đặc biệt, coi trọng, quan tâm khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp…

Xin cảm ơn bà!

Thanh Tâm - Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/thi-dua-yeu-nuoc-dong-gop-thiet-thuc-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html