Thi đua với chính mình

Điện Biên là tỉnh có đường biên giới dài, tình hình an ninh biên giới phức tạp, kinh tế-xã hội vùng giáp biên còn nhiều khó khăn, đặt ra cho Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh nhiều thách thức không nhỏ.

Với tinh thần thi đua với chính mình, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên đã triển khai hiệu quả Phong trào Thi đua Quyết thắng, hướng phong trào thi đua vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới

BĐBP tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ quản lý hơn 455km đường biên, với 161 vị trí/177 mốc quốc giới; trong đó có một mốc ngã ba biên giới Việt-Trung-Lào. Bởi có đường biên giới dài, địa bàn rộng nên Thượng tá Trần Nam Trung, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Điện Biên luôn trăn trở về công tác giữ vững an ninh biên giới. Đồng chí cho rằng, mặc dù chủ quyền, an ninh biên giới được giữ vững nhưng an ninh trật tự vẫn luôn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy hoạt động với tính chất ngày càng nguy hiểm. Bởi vậy cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Cán bộ đội Đồn Biên phòng Nậm Kè (BĐBP tỉnh Điện Biên) hướng dẫn người dân bản Huổi Thanh trồng lúa nước hai vụ (tháng 3-2019).

Cán bộ đội Đồn Biên phòng Nậm Kè (BĐBP tỉnh Điện Biên) hướng dẫn người dân bản Huổi Thanh trồng lúa nước hai vụ (tháng 3-2019).

Điện Biên là một trong những địa bàn nóng bỏng của tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Ma túy từ khu vực “tam giác vàng” về tập kết biên giới Việt-Lào. Chúng lợi dụng đồng bào các dân tộc thiểu số hai bên biên giới để dụ dỗ, móc nối hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Ðại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy BĐBP tỉnh Điện Biên cho biết: “Trước thực trạng trên, BĐBP tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản, chỉ thị của cấp trên về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG). Thường xuyên làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ vững chắc hệ thống đường biên, cột mốc, chủ quyền lãnh thổ. Phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn tiến hành tuần tra song phương, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm, giải quyết các tình huống xảy ra trên biên giới”.

Nhờ đó, 5 năm qua, BĐBP tỉnh Điện Biên luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm. Lực lượng chức năng BĐBP tỉnh đã xác lập và đấu tranh 83 chuyên án, 733 vụ án, bắt giữ 878 đối tượng buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, tang vật thu giữ 159,9kg heroin; 66kg ma túy dạng đá và nhiều tang vật khác… BĐBP tỉnh còn làm tốt công tác đấu tranh với các loại tội phạm ở khu vực biên giới. Từ năm 2014 đến năm 2019 đã triển khai 38 kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm an ninh quốc gia; đấu tranh ngăn chặn tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” ở khu vực biên giới. Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện thành công chuyên án đấu tranh hoạt động thành lập “nhà nước Mông”…

Để đạt được những kết quả trên, theo Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, xây dựng quyết tâm, bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ. BĐBP tỉnh tập trung nguồn lực, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới"; tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn kiện pháp lý đối với tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc-Lào.

Như những người con của bản

Chúng tôi về thăm xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé. Câu chuyện Đồn Biên phòng Sen Thượng giúp dân bản làm nhà, phát triển chăn nuôi, khai hoang mở rộng diện tích sản xuất trên đất dốc vẫn được bà con nhắc tới.

Những năm trước, Sen Thượng có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân còn khó khăn. Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Vũ Văn Tiếp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sen Thượng cho biết: “Đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị. Năm 2018, chính quyền địa phương đã thành lập mới 2 chi bộ, tạo nguồn 28 quần chúng ưu tú”. Sau khi cơ sở chính trị được củng cố, Đồn Biên phòng Sen Thượng tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào không chặt phá rừng làm nương rẫy, khai hoang mở rộng được 25ha ruộng trồng lúa nước hai vụ, nhờ đó đáp ứng một phần lương thực cho nhân dân.

Hội đàm nghiệp vụ giữa BĐBP tỉnh Điện Biên với Chi đội Quản lý biên giới Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (tháng 11-2019). Ảnh: ANH DŨNG

Từ khi được bộ đội hướng dẫn cách dự trữ thức ăn, hạn chế thả rông gia súc và định kỳ tiêm vắc-xin phòng bệnh thì đàn trâu, đàn bò của dân bản tăng đều. Từ 75 con giống (trâu, bò) được cấp theo chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn xã Sen Thượng đã có gần 600 con trâu, bò; nhiều gia đình thoát nghèo, kinh tế khá. Người Hà Nhì ở Sen Thượng còn phối hợp cùng doanh nghiệp thí điểm trồng cây mắc ca và cây sa nhân tím. Tất cả những thành quả đó đều có công sức đóng góp của BĐBP. Ðại tá Nguyễn Thanh Dịu cho biết: "Đứng chân trên địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên đơn vị luôn xác định phải phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đơn vị kết hợp chặt chẽ Phong trào Thi đua Quyết thắng với các phong trào thi đua, cuộc vận động của các cấp, các ngành, địa phương. Nhờ đó, đơn vị vừa củng cố được nền biên phòng toàn dân, gắn với thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, còn địa phương có thêm xung lực để phát triển. Nhiều năm qua, các đơn vị BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội và các chương trình, mô hình phát triển kinh tế-xã hội, qua đó giúp đồng bào trên tuyến biên giới xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống".

Chúng tôi được biết, các chương trình do BĐBP tỉnh triển khai thực hiện đến nay đều đạt hiệu quả cao, như: “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến nay đã có 6/29 xã biên giới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã hỗ trợ, đỡ đầu 77 học sinh, trong đó có 7 cháu địa bàn ngoại biên (Lào). Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai nhiều phong trào, mô hình giúp dân, như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống tặng đồng bào nghèo biên giới”… góp phần giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới tỉnh Điện Biên từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thi-dua-voi-chinh-minh-613818