Thi đua sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất

Sau một năm phát động phong trào thi đua 'Sáng kiến Thủ đô', hàng loạt đổi mới, cải tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, lao động trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức trên địa bàn Hà Nội đã được lan tỏa mạnh mẽ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống.

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất máy in như Tập đoàn Canon thì việc sử dụng dầu bôi trơn cho linh kiện máy in là bắt buộc. Nhưng làm thế nào để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao nhất với chi phí thấp nhất, đồng thời, tối ưu hóa việc sử dụng hóa chất để góp phần bảo vệ môi trường? Trăn trở với điều này, anh Trịnh Hải Nam (Công ty TNHH Canon Việt Nam) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu cách giải quyết và hoàn thành sáng kiến cải tiến "Giảm thiểu chi phí sử dụng dầu bôi trơn cho linh kiện máy in", vừa quản lý được lượng dầu bôi vào máy in đúng, đủ vừa không gây ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Từ việc áp dụng thử nghiệm cho một dây chuyền sản xuất, đến nay, sáng kiến này đã được áp dụng rộng rãi cho toàn bộ ba nhà máy của Canon tại Việt Nam, góp phần tiết kiệm chi phí và làm lợi cho công ty hơn 200 nghìn USD/năm. Nhận danh hiệu "Sáng kiến trong công nhân, viên chức lao động Thủ đô" năm 2019, anh Trịnh Hải Nam cho biết: "Ðây là phần thưởng đầy ý nghĩa, là động lực để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu có thêm nhiều sáng kiến, sáng tạo đóng góp công sức cho thành công chung của công ty".

Tại Công ty CP FECON (quận Nam Từ Liêm), kỹ sư Phạm Thanh Tâm nhận thấy việc thực hiện hầu hết các dự án thi công cọc khoan nhồi, tường vây hiện nay đều gây mất thời gian và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Vì vậy, anh đã tìm tòi và đưa ra sáng kiến "Ứng dụng PULY cẩu hạ lồng thép cho cọc khoan nhồi, tường vây". Cách làm này đã giúp các thiết kế cẩu hạ lồng dài hơn so với các dự án thường làm, bảo đảm an toàn lao động, kỹ thuật theo yêu cầu nghiêm ngặt của dự án. Sáng kiến này đã làm lợi cho công ty mỗi năm hơn 49 tỷ đồng.

Ở khối hành chính sự nghiệp, phong trào "Sáng kiến trong công nhân, viên chức lao động" tập trung vào việc triển khai mạnh mẽ các nội dung cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục. Trong lĩnh vực y tế đã có ba đề tài, sáng kiến kinh nghiệm được công nhận, được áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện của thành phố, như đề tài "Nghiên cứu quy trình chế tạo bộ KIT Multiplex Realtime PCR phát hiện một số tác nhân thường gặp gây nhiễm khuẩn bệnh viện tại các bệnh viện Hà Nội" của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hiền, Trưởng khoa Hóa sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn. Ðề tài này đã xây dựng quy trình và chế tạo được bộ KIT Multiplex Realtime PCR xác định một số tác nhân gây nhiễm khuẩn, góp phần chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm trùng của người bệnh, từ đó có liệu pháp điều trị phù hợp cho người bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Ðình Hùng cho biết, năm 2019, phong trào thi đua "Sáng kiến Thủ đô" đã được các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh, triển khai đến từng đơn vị, doanh nghiệp, tổ đội sản xuất. Tuy các tiêu chí đánh giá sáng kiến Thủ đô năm nay theo Quy chế mới được nâng cao hơn, song số lượng và chất lượng các sáng kiến giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học tăng cao. Kết quả, thành phố đã có 30.208 cá nhân được tặng danh hiệu "Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động" cấp cơ sở; 1.150 cá nhân được tặng danh hiệu "Sáng kiến trong công nhân, viên chức lao động" cấp trên cơ sở. Từ đó, Hội đồng sáng kiến Liên đoàn Lao động thành phố công nhận và khen thưởng 47 cá nhân. Những sáng kiến, sáng tạo này đã góp phần giúp doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Ðồng thời, cũng là động lực kịp thời động viên, cổ vũ người lao động tích cực nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong công việc, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và một bộ phận công nhân viên chức lao động chưa thấy hết tác dụng của thi đua đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tổ chức các phong trào thi đua ở một số đơn vị chưa hiệu quả, chưa tạo được phong trào tự giác, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tập trung giải quyết các nhiệm vụ của doanh nghiệp. Công tác biểu dương, khen thưởng động viên còn chưa kịp thời, tỷ lệ khen thưởng, động viên các sáng kiến kinh nghiệm của người lao động trực tiếp, sản xuất, công tác còn ít. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Ðình Hùng cho biết, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cần quan tâm chú trọng khen thưởng, động viên những người lao động trực tiếp phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tiến thiết bị máy móc, nơi làm việc. Hướng các phong trào thi đua về cơ sở với phương châm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Từ phong trào thi đua, các đơn vị phát hiện, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến, kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có sáng tạo, kể cả những sáng kiến, cải tiến nhỏ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41661202-thi-dua-sang-kien-sang-tao-trong-lao-dong-san-xuat.html