Thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn, thế mạnh của ngành Kho bạc

Nhiều phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn là thế mạnh của ngành Kho bạc Nhà nước thời gian qua. Lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến trong toàn hệ thống, đã tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hội nghị nhằm biểu dương và lan tỏa các tấm gương điển hình tiên tiến của hệ thống KBNN. Ảnh: Minh Anh.

Hội nghị nhằm biểu dương và lan tỏa các tấm gương điển hình tiên tiến của hệ thống KBNN. Ảnh: Minh Anh.

Sáng 21/8, Kho bạc Nhà nước tổ chức Hội nghị Đại biểu điển hình tiên tiến hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) lần thứ V. Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Nhiều đại biểu tham dự hội nghị là những tấm gương điển hình tiên tiến của hệ thống KBNN trên toàn quốc.

Là động lực để toàn hệ thống hoàn thành tốt nhiệm vụ

Thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn là thế mạnh của hệ thống ngành KBNN. Thời gian qua, hệ thống KBNN đã tổ chức sâu rộng, liên tục đổi mới phong trào thi đua, yêu nước, tạo động lực thúc đẩy tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhiều phong trào thi đua được tổ chức triển khai như: “Nữ công chức KBNN Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Văn minh công sở, văn hóa nghề Kho bạc”; “Quy định chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức hệ thống KBNN”; “Người cán bộ kiểm ngân liêm khiết”; “Tuổi trẻ KBNN chung tay vì an sinh xã hội”; “Đảm bảo an toàn tiền và tài sản nhà nước giao KBNN quản lý”; “Hoàn thành khóa sổ cuối năm kịp thời chính xác”; “Hội thi nghiệp vụ kế toán, kho quỹ, kiểm soát chi, tin học”...

Qua các phong trào thi đua, đã nhân lên những tấm gương điển hình tiên tiến, tạo động lực để toàn hệ thống KBNN vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua giai đoạn vừa qua của KBNN nêu rõ, trong giai đoạn qua, hệ thống KBNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác. Trong đó, phải kể đến nhiệm vụ chính trị trọng tâm là quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN). KBNN đã giảm thời gian thực hiện một giao dịch nộp NSNN rút xuống chỉ còn khoảng 5 phút/một giao dịch (so với trước đây là khoảng 30 phút) và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN. Qua đó, KBNN đã tập trung nhanh, kịp thời nguồn thu NSNN và số thu đã tăng dần qua các năm.

Hệ thống KBNN còn không ngừng đổi mới và hoàn thiện công tác quản lý kiểm soát chi NSNN theo hướng đơn giản về thủ tục, quy trình. Các cơ chế chính sách, quy trình kiểm soát chi qua KBNN được ban hành theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch; thực hiện cơ chế “một cửa, một giao dịch viên”; từng bước chuyển từ “kiểm soát trước, thanh toán sau” sang “thanh toán trước, kiểm soát sau”, rút ngắn được thời gian kiểm soát chi NSNN. Đối với chi đầu tư, đã rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn 1 - 3 ngày làm việc.

Ngoài ra, hệ thống KBNN đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ hạch toán kế toán các khoản thu, chi NSNN, các quỹ tài chính nhà nước, từng bước hiện đại hóa công tác thanh toán đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu quản lý NSNN.

Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống KBNN đã thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý ngân quỹ và huy động vốn; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kết quả, từ năm 2015 đến nay, toàn hệ thống KBNN đã cắt giảm được 251 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh, cắt giảm 64 KBNN huyện và tương đương; giảm gần 2.000 cấp tổ thuộc KBNN cấp huyện. Về sắp xếp, bố trí cán bộ, KBNN đã cắt giảm được 632 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cắt giảm hơn 2.600 công chức lãnh đạo cấp tổ (đội).

Tạo nền tảng hình thành kho bạc số trong tương lai

Trong giai đoạn tới, KBNN đặt ra mục tiêu và phương châm hành động đó là: “Phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với cải cách cơ chế chính sách, hiện đại hóa công nghệ quản lý, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo nền tảng hình thành Kho bạc số”.

Trong thời gian tới, KBNN tập trung hoàn thiện, trình Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030. Đây sẽ là “kim chỉ nam” trong phát triển của hệ thống KBNN cho cả giai đoạn.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, KBNN sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ theo hướng cải cách và hiện đại hóa trong các lĩnh vực quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn, lĩnh vực kế toán nhà nước. Đồng thời, tổ chức điều hành quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công.

KBNN tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên các mặt, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ.

Trong trước mắt cũng như lâu dài, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao cho KBNN quản lý; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy KBNN... cũng là những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN.

Từ chối hơn 900 tỷ đồng qua kiểm soát chi

Đối với chi thường xuyên NSNN: Giai đoạn 2016 - 2020, số chi thường xuyên NSNN thanh toán qua KBNN khoảng 4.520.668 tỷ đồng, đạt 92,7% dự toán NSNN giao. Qua kiểm soát chi, đã phát hiện nhiều khoản chi của các đơn vị dự toán chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; đã từ chối thanh toán khoảng 342,9 tỷ đồng.

Về chi đầu tư xây dựng cơ bản: Giai đoạn 2016 - 2020, số vốn đầu tư công giải ngân qua hệ thống KBNN là hơn 1.735.815 tỷ đồng, đạt 83,59% kế hoạch vốn giao. Qua kiểm soát, hệ thống KBNN đã từ chối khoảng 600,3 tỷ đồng, số tiền từ chối này là do chủ đầu tư đề nghị thanh toán khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, hoặc chưa đủ hồ sơ theo quy định.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-20/thi-dua-gan-voi-nhiem-vu-chuyen-mon-the-manh-cua-nganh-kho-bac-91251.aspx