Thi đua, Đạo và Đời

Ở cương vị của mình, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn là người được các nhà báo tìm đến hỏi mỗi khi có chuyện tăng ni hoặc chùa này chùa kia xảy ra việc gì đó. Và có cảm giác rằng ông hầu như không né tránh. Khi tìm trên mạng, dễ dàng bắt gặp những bài phỏng vấn mà ở đó Thượng tọa Thích Đức Thiện thậm chí đã nói rất thẳng thắn rất nhiều vấn đề nóng, vụ việc nóng. Thẳng thắn tới mức đặt giả sử nếu có câu chuyện tương tự xảy ra ở đời sống thế tục thì cũng hiếm có đại diện cơ quan có trách nhiệm nào trả lời thẳng vào vấn đề như ông.

Thượng tọa Thích Đức Thiện.

Thượng tọa Thích Đức Thiện.

Nhưng cuộc trò chuyện này thì không nóng, nếu không muốn nói là khá nhẩn nha, vào một buổi chiều muộn yên tĩnh ở chùa Quán Sứ - nơi có văn phòng Giáo hội, mà mỗi ngày, ngoài phận sự đạo pháp của một nhà tu hành, Thượng tọa Thích Đức Thiện giải quyết cơ man những công việc Phật sự. Ông thậm chí đã kiên nhẫn ngồi chờ khi tôi đến muộn so với lời hẹn. Và phía bên ngoài hiên, những con chim sẻ vẫn ríu rít trên mái chùa, như không phải là ngoài kia, chỉ cách một cánh cổng, là phố đang náo nhiệt vì tắc đường.

PV: Thưa Thượng tọa, thầy vừa tham dự Đại hội thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xin phép được hỏi việc thi đua ở trong Phật giáo được hiểu như thế nào?

Thượng tọa Thích Đức Thiện: Phật giáo luôn lấy việc phụng sự chúng sinh, phụng sự xã hội là pháp môn tu hành và để dâng lên đấng Thích ca Từ phụ. Phụng sự chúng sinh chính là cúng dàng chư Phật, cho nên đối với tăng ni thì luôn luôn nỗ lực và tinh tiến. Tinh tiến là một trong các pháp môn tu hành trong bát chính đạo. Và như thế trong đạo Phật chính tinh tiến là sự thi đua. Tức là đối với hoạt động Phật sự nào thì cũng luôn phải sáng tạo, phải tập trung cái tâm của mình vào đó để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Trong những nội hàm đó đã chứa đựng sự thi đua và đối với chúng ta thì thi đua là yêu nước.

Thưa thầy, như vậy có thể hiểu là giữa thi đua (tinh tiến) và sự buông bỏ của đạo Phật thì hoàn toàn không có sự mâu thuẫn?

- Không mâu thuẫn gì. Bởi vì mình thi đua là để làm những điều tốt đẹp, thi đua không phải là hơn kém. Thi đua để làm tốt hơn nữa và để công việc hoặc mục tiêu đề ra đạt kết quả tốt đẹp nhất. Thi đua ở đây bản chất là đem lại điều tốt đẹp cho nhân dân, đem lại sự hạnh phúc an lạc cho mọi người, sự phát triển cho đất nước. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc, thi đua để làm việc tốt cũng phù hợp với giáo lý nhà Phật vì việc tốt nhiều lên thì át đi cái xấu, cái tính thiện cao lên thì át đi cái ác. Đó chính là giáo lý nhà Phật thể hiện trong kinh Viên giác. Để tâm trong sáng, để ý nghĩ tốt đẹp, tư duy tốt đẹp thì phần thiện trong xã hội sẽ nhiều lên. Chúng ta đấu tranh với cái ác không phải đem cái ác chỗ này vứt bỏ chỗ khác mà là xiển dương cái thiện, xiển dương điều tốt đẹp thì át đi cái ác, cái không tốt. Như vậy ý nghĩa, nội hàm của thi đua yêu nước phù hợp với giáo lý nhà Phật.

Thưa Thượng tọa, cái việc thi đua để cùng nhau tốt lên cũng phù hợp với quan niệm của thế giới hiện đại, là ngay cả trong cạnh tranh làm ăn kinh tế cũng theo tinh thần wind-wind (đôi bên cùng thắng, cùng có lợi). Những dịp như Đại hội thi đua yêu nước có ý nghĩa như thế nào, thưa thầy?

- Thi đua thì không có gì mâu thuẫn cả, nhưng ganh đua lại khác. Thi đua là theo ý nghĩa tích cực, còn ganh đua là theo nghĩa tiêu cực. Ganh ghét thuộc về cái tam độc trong đạo Phật, đem lại sự khổ đau cho con người. Thi đua yêu nước là đem lại năng lượng tích cực, để cùng nhau làm việc tốt hơn chứ không phải thể hiện bản ngã của mình, hơn người này hay hơn người kia. Đấy là thi đua theo góc độ của đạo Phật. Tôi nghĩ rằng những dịp như Đại hội thi đua yêu nước mang một ý nghĩa lớn. Làm việc gì cũng phải có tổng kết đánh giá. Đại hội thi đua yêu nước là dịp thì những người làm việc tốt thì được nêu gương, chứ không phải hàm ý tôn vinh so sánh người này để làm giảm vai trò của người khác, mà là dịp cùng nhau nhìn nhận lại những việc làm tốt. Sư tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ thì cũng mong muốn mọi người hãy chỉ ra những cái lỗi lầm của mình. Có được như vậy là cái hạnh phúc của mình. Cho nên không có mâu thuẫn trong việc chúng ta thi đua, biểu dương người tốt bởi vì ở đó không có sự hơn thua, càng không phải ganh đua. Hai cái này khác nhau. Ganh đua là bản ngã, đố kỵ, ganh ghét. Thi đua là chúng ta cùng nhau tiến trên con đường hạnh phúc, đem lại điều tốt đẹp trong xã hội.

Thưa Thượng tọa, vì sao thầy chọn chủ đề môi trường như một thông điệp mang đến Đại hội thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa diễn ra?

- Đức Phật là bậc Đạo sư đại giác ngộ đã đem đến cho nhân loại thông điệp về hòa bình, sự hòa hợp, an lạc tâm hồn giữa con người, vũ trụ xung quanh chúng ta, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Ngay từ khi ra đời cách đây hơn 26 thế kỷ, Đức Phật đã dạy các đệ từ về tầm quan trọng của môi trường và bảo vệ môi trường trong kinh A Hàm, phẩm Kinh Lâm có dạy: “Tỷ kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ta nương vào khu rừng này để ở, chưa có chính niệm sẽ được chính niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niệt Bàn…Này các Tỷ kheo phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch”. Như vậy Đức Phật đã dạy các đệ tử ý thức bảo vệ, giá trị của thiên nhiên, nếu ai tác động tiêu cực đến môi trường đồng nghĩa với việc hủy hoại nơi tu tập, thì toàn bộ quá trình chứng đắc sẽ không diễn tiến như mong đợi.

Đức Phật cũng đã cống hiến cho nhân loại một học thuyết vô cùng giá trị, đó là học thuyết Duyên khởi. Lý Duyên khởi của Phật giáo khẳng định mối tương quan giữa các hiện tượng tự nhiên, nhân sinh và vũ trụ: Cái này có thì cái kia có; cái này sinh thì cái kia sinh; cái này diệt thì cái kia diệt. Các Pháp tùy thuộc vào nhau mà sinh khởi, hủy hoại thiên nhiên đồng nghĩa với với hủy hoại môi trường sống của con người. Ý thức được điều này, con người sẽ cẩn trọng trong hành động của mình khi tác động đến thiên nhiên. Luật nhân quả sẽ chi phối đem lại kết quả tương ứng với hành động, tiêu cực hay tích cực.

Trong con đường đạo đức, tu tập giải thoát của Phật giáo đó là con đường Giới – Định – Tuệ chứa đựng nhiều giá trị bài học về các giải pháp để con người có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh mạng của muôn loài chúng sinh (cả chúng sinh hữu tình và chúng sinh vô tình) đem lại sự hài hòa, cân bằng, và những giá trị phát triển bền vững.

Triết lý sống thiểu dục tri túc, từ bỏ tham, sân, si, xả bỏ lòng tham cũng là giải pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên đang bị phá hủy bởi lòng tham của con người trong khai thác tài nguyên thiên nhiên của Mẹ Trái đất.

Như vậy là ở việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề cao và tham gia tích cực theo đúng tinh thần nhập thế cũng thấy rõ việc hướng con người tới một xu hướng sống thiện, hài hòa và tích cực, thưa thầy?

- Với tinh thần tri ân, báo ân của giáo lý Phật giáo, mỗi người cam kết với chính mình hãy bảo vệ môi trường bền vững và đó cũng là sự bảo vệ chính mình, bảo vệ những thành quả mà mình tạo ra, đảm bảo sự an sinh xã hội.

Từ quan điểm việc bảo vệ môi trường là giáo lý trong lời dạy của Đức Phật, do đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất coi trọng việc bảo vệ môi trường, và giáo dục ý thức của tín đồ Phật tử trong bảo vệ môi trường. Giáo hội đã đề ra chủ trương, mục tiêu hoạt động Phật sự, triển khai trên nhiều lĩnh vực, tập hợp nguồn lực để làm tốt công tác bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Giáo hội luôn kêu gọi và phát huy sự quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm từ những Tăng ni, Phật tử hướng về vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường. Giáo hội chỉ đạo các Ban, Viện Trung ương, các Phân ban, các Ban Trị sự các cấp và toàn thể Tăng ni, Phật tử thực hiện có hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Thưa Thượng tọa, việc cụ thể mà Giáo hội hướng tới bằng những hoạt động phật sự phù hợp với giáo lý Phật giáo trong việc tham gia về vấn đề môi trường là gì?

- Giáo hội đã chủ động trong phát động các phong trào trồng cây xanh, thả phóng sinh, kêu gọi nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, hạn chế việc xả thải, vứt rác bừa bãi, tạo nguồn lực kinh tế cho người dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ảnh: Quang Vinh

Thưa thầy, nói riêng về việc phóng sinh, phải hiểu như thế nào cho đúng?

- Phóng sinh là một hoạt động mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng của nhân dân. Nhưng nó phải đạt được mục đích tốt đẹp là nhằm tái tạo phát triển nguồn tài nguyên và giữ cân bằng sinh thái, nó phải góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Chứ không phải thông qua hoạt động phóng sinh lại làm phát tán những loài thủy sinh ngoại lai xâm hại ra môi trường.

Thưa Thượng tọa, có nhất thiết phải thực hành phật pháp và các hoạt động mang hơi hướng nhà phật như đọc kinh pháp, đi lễ hay thả phóng sinh mới đạt tới tinh thần hướng thiện của Phật giáo?

- Thực ra với quan điểm Phật giáo làm việc tốt đương nhiên mình đã thực hiện lời dạy của Phật. Nói như vậy có nghĩa rằng không chỉ có ai là Phật tử mới làm điều thiện mà tất cả chúng ta đều làm việc tốt, phát một cái tâm từ bi, rung động trước hoàn cảnh khó khăn nào đó có ý nguyện giúp đỡ họ và thực hiện việc giúp đỡ đó là chúng ta làm việc tốt. Chúng ta có ý thức, có hành động thực hiện đúng theo quy định của pháp luật là chúng ta làm việc tốt. Khi tham gia giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu, không vượt đèn đỏ, thấy mẩu giấy hay vỏ chai nước ngọt vứt ngoài đường bỏ vào thùng rác, thế đã là làm việc tốt. Chỉ cần làm cho cái tâm của mình trở lên thanh thản, tâm của mình giàu lên cái thiện lành, cái đẹp, mang lại điều tốt đẹp cho xã hội chứ không cần phải thực hành cái nghi lễ của một phật tử.

Thượng tọa có suy nghĩ như thế nào khi hiện nay trong xã hội cái ác vẫn đang hiện diện, một cách đáng báo động?

- Hàng ngày qua các phương tiện thông tin truyền thông, chúng ta bắt gặp có nhiều thông tin về cái ác. Có những tội ác diễn ra man rợ. Vừa rồi chúng ta còn được chứng kiến những hình ảnh mà con gái ngược đãi mẹ đẻ. Đó đều là những báo động về đạo đức xã hội. Tôi cho rằng đó đều là những mặt trái của xã hội vật chất. Khi một xã hội luôn luôn bị chi phối bởi mục tiêu là vật chất thì tâm linh về tinh thần bị át đi. Người ta sẽ bất chấp niềm tin và đạo đức xã hội. Thuần phong mỹ tục, đạo làm con, đạo anh em, đạo thầy trò… đều bị lung lay, người ta sẵn sàng bước qua cái lằn ranh đó. Xã hội vật chất không chừa bất cứ một góc nhỏ nào trong đời sống xã hội này cả, cái cánh cửa màu nâu khép hơi hờ thì nó cũng vào.

Thưa Thượng tọa, tôn giáo nào cũng hướng thiện. Vậy thì trong việc giáo dục đạo đức xã hội, việc giáo dục bằng niềm tin tôn giáo, ví dụ luật nhân quả chẳng hạn, có ý nghĩa như thế nào?

- Ngoài trách nhiệm giáo dục đạo đức trong nhà trường, trong gia đình và trong xã hội thì có trách nhiệm của các tôn giáo. Vì các tôn giáo ra đời để hướng niềm tin của con người tới điều tốt đẹp. Các tôn giáo có lời răn dạy của các đấng tối cao - những người sáng lập các tôn giáo - chính là những lời răn dậy để ngăn ngừa hành vi mà trong đạo Phật gọi là Thân - Khẩu – Ý. Trong đó Ý nghĩa là mình phải nghĩ điều tốt đẹp, Khẩu là ngôn ngữ của mình phải nói lời hay và Thân là hành động phải làm điều tốt. Trong vấn đề đạo đức xã hội có trách nhiệm của tôn giáo và mong rằng đạo đức tôn giáo sẽ được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, càng cần phổ biến sâu rộng đối với thế hệ trẻ. Mạng xã hội ngày càng phát triển thì đi kèm theo việc kích thích những hành động bạo lực, những hành động không chuẩn mực đạo đức, những hành vi lệch chuẩn mà bây giờ người ta có cả khái niệm “giang hồ mạng”. Lớp trẻ đang bị cuốn theo chiều hướng đó thì hơn lúc nào hết giáo dục đạo đức tôn giáo cần thiết cho thế hệ trẻ ngày nay.

Vâng, thưa Thượng tọa, thầy có chút chia sẻ gì từ Đại hội thi đua yêu nước của Mặt trận?

- Những lời dạy của Đức Phật từ cách đây 26 thế kỷ, giáo lý trong sáng và toàn bích của Ngài vẫn là kho tàng Pháp bảo vô giá, là kim chỉ nam thật sự đem lại hạnh phúc, an lạc, hòa bình cho nhân loại trên thế gian này. Giáo lý Phật giáo đã giúp cộng đồng thế giới giải quyết những thách thức khẩn cấp.Những lời dạy của Đức Phật đã cho chúng ta tinh thần kiên cố có thể đánh thức các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, thực thi cam kết hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cổ súy những giá trị phổ quát của thế giới.

Tôi đến dự theo tinh thần đến với Đại hội để học tập những tấm gương tốt đẹp, để lấy đó làm gương tốt và mong muốn làm được nhiều việc tốt đẹp hơn nữa. Hàng ngày, hàng ngày gieo hạt mầm lương thiện để cuộc đời tốt đẹp hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa!

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-dua-dao-va-doi-509524.html