'Thí điểm, thực nghiệm đang lấy học sinh làm chuột bạch mà không biết đi về đâu'

Đại biểu Quốc hội đề nghị các chương trình thí điểm, thực nghiệm phải được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị các chương trình thí điểm, thực nghiệm cần phải được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua - Ảnh Gia Hân

Thảo luận tại hội trường về luật Giáo dục sửa đổi sáng 15.11, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) dành cả phần thảo luận của mình chỉ cho một từ: thực nghiệm.

Theo đại biểu Tuấn, thời gian qua, vấn đề thí điểm, thực nghiệm của ngành giáo dục có một số chỗ không đạt yêu cầu.

“Lấy học sinh ra làm chuột bạch, được thì tốt, không được thì không biết học sinh đi về đâu vì sai một li là đi một dặm”, đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh và cho biết, từ kỳ họp trước ông đã đề nghị các chương trình thí điểm, thực nghiệm phải được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước khi triển khai.

Theo đại biểu Tuấn, kiến nghị này đã được ban soạn thảo đưa vào nội dung dự thảo lần này. Tuy nhiên, đại biểu này bức xúc vì mới nghe qua ban soạn thảo có vẻ rất cầu thị nhưng đọc kỹ câu chữ thì cách viết lòng vòng, và không thể hiện sự cầu thị, tiếp thu.

Đại biểu Tuấn dẫn chứng, dự thảo chỉ quy định: Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công.

“Điều này có nghĩa là chỉ khi nào áp dụng đại trà mới trình xin ý kiến còn thí điểm thì không. Như vậy, thực chất ban soạn thảo vẫn giữ nguyên quan điểm việc thực nghiệm, thí nghiệm không cần thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại biểu Tuấn bức xúc nói.

“Thực tế, chương trình VNEN (mô hình trường học mới tại Việt Nam - phóng viên) tốn bao nhiêu tỉ nhưng cuối cùng thì Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ nói nghiêm túc rút kinh nghiệm thì học sinh đi về đâu?”, đại biểu này nói và đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến về vấn đề này nếu không cũng phải nói rõ lý do chứ không nói lòng vòng.

Từ đó, đại biểu cũng đề nghị các chủ trương về giáo dục có liên quan tới người học Chính phủ cũng cần phải trình xin ý kiến của Quốc hội chứ không chỉ là những chủ trương lớn có ảnh hưởng tới quyền, nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước vì không biết thế nào là chủ trương lớn hay chủ trương nhỏ và thế nào là ảnh hưởng tới người học trên phạm vi cả nước.

Không thể bắt trẻ học để trở thành "ông nọ bà kia"

Bàn về chất lượng dạy học, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đánh giá hiện nay chưa cao, rất chậm đổi mới, còn nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm mà nhẹ về dạy kỹ năng sống và làm người, hướng nghiệp; chương trình sách giáo khoa hiện nay quá nặng, học sinh khó tiếp thu…

“Chúng ta hình như đang phức tạp hóa những vấn đề hết sức đơn giản. Ví dụ, học sinh lớp 1 chỉ cần o, a, gà cá, đạt mục tiêu biết đọc biết viết còn học sinh phổ thông chỉ cần biết kiến thức phổ thông nhưng hiện nay chúng ta đang hàn lâm những thứ đó, khiến những điều đơn giản trở thành phức tạp, học sinh rất khó tiếp thu”, đại biểu Thưởng phân tích.

Theo đại biểu này, nguyên nhân bắt nguồn từ người lớn. “Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc còn non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn”, đại biểu Thưởng nói.

“Một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, chán học. Đặc biệt tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành “con người ta” nên bắt các cháu phải giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ”, ông Thưởng nêu, và cho rằng, đây là quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực của trẻ em.

Đại biểu Thưởng cho rằng, không thể bắt trẻ học để trở thành “ông nọ bà kia” khi mà các cháu không thích và không đủ năng lực.

“Thử hỏi có mấy học sinh giỏi văn quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn? Và cần phải hiểu rằng, trong một lớp, một trường chỉ cần một em trở thành nhà văn, một em trở thành nghị sĩ, một em trở thành vận động viên chứ không phải là tất cả. Phải dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất”, ông Thưởng nói.

Lê Hiệp

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/thi-diem-thuc-nghiem-dang-lay-hoc-sinh-lam-chuot-bach-ma-khong-biet-di-ve-dau-1023561.html