Thí điểm quản lý kinh doanh trái cây: Thay đổi thói quen tiêu dùng

TGTTO Sau hơn một năm triển khai, 766/766 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội đã đáp ứng được các yêu cầu của Đề án 'Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội'. Kết quả đạt được sẽ là cơ sở để nhân rộng ra các huyện trên địa bàn Thành phố.

Sẽ triển khai mở rộng Đề án ra huyện, thị tứ thị trấn, các khu công nghiệp

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, sau 1 năm triển khai Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội" (gọi tắt là Đề án), 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đã được cấp đăng ký kinh doanh.

Kết quả thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và các tiêu chí theo quy định gồm: Thực hiện khám sức khỏe theo quy định, thực hiện xác nhận kiến thức về ATTP, thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP đều đạt tỷ lệ 100%. Đáng chú ý, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện (logo). Cụ thể, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng đủ điều kiện (gồm 134 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 632 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây).

Một số quận đã tích cực triển khai thực hiện đạt tỷ lệ 100% trước tháng 9/2018: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Ba Đình... Ngoài ra, theo đề xuất của doanh nghiệp, Sở Công Thương đã cấp biển nhận diện cho 23 siêu thị Fivimart thuộc Công ty cổ phần Nhất Nam đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại Đề án.

Về trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh, 766/766 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 67%); 717/766 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây đạt tỷ lệ 93,6% (trước đề án đạt 50%); 766/766 cửa hàng có quầy, kệ trưng bày trái cây đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 84%); 733/766 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây đạt tỷ lệ 95,7% (trước đề án đạt 50%); 766/766 cửa hàng có thiết bị vệ sinh cơ sở đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 84%). Tại thời điểm kiểm tra để cấp biển nhận diện, 766/766 cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 59%). 604/766 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 79% (trước đề án đạt 38%).

Đánh giá về hiệu quả của đề án, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Người tiêu dùng có địa chỉ tin cậy để mua trái cây và dần hình thành thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện. Các doanh nghiệp, cửa hàng được gắn biển có ý thức cao hơn trong việc chấp hành quy định pháp luật. Đặc biệt, doanh thu của các cửa hàng tăng 20-50% so với thời điểm chưa được gắn biển nhận diện.

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc công ty TNHH thực phẩm sạch Big Green Việt Nam - cho hay: Trước kia, khách mua thường băn khoăn về nguồn gốc trái cây, nhưng từ khi được cấp biển nhận diện (logo), cùng với việc hàng hóa được truy xuất nguồn gốc, khiến người tiêu dùng khi lựa chọn mua hàng sẽ yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm cũng như nguồn gốc sản phẩm.

Khi bắt tay thực hiện Đề án, ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - chia sẻ, Sở gặp nhiều khó khăn khi một số hộ kinh doanh ngại thực hiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh và an toàn thực phẩm. Nguồn hàng cung cấp trái cây vào thành phố hình thành qua nhiều kênh, trong khi lực lượng kiểm tra lại mỏng khiến công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số người tiêu dùng giữ thói quen mua sắm tại những cửa hàng trái cây không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có trang thiết bị bảo quản, chất lượng không bảo đảm...

Để có được kết quả trên, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm Hà Nội gặp gỡ, ký kết khoảng 480 biên bản ghi nhớ về khai thác sản phẩm trái cây của các tỉnh, thành phố vào thị trường Hà Nội. Đồng thời, giới thiệu, cung cấp thông tin về nguồn cung trái cây an toàn của Hà Nội để các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn có nhu cầu kết nối, tiêu thụ…

Rõ ràng, từ ý tưởng ban đầu cho đến sự triển khai đồng bộ của các sở, ngành, quận, huyện và DN là kinh nghiệm tốt cho nhiều nơi khác. Một thói quen mua bán mới, công khai và trách nhiệm hơn đã sớm đi vào cuộc sống người dân Thủ đô. Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ông Nguyễn Doãn Toản cho hay, đây là cơ sở UBND TP Hà Nội tiếp tục mở rộng đề án ra huyện, thị tứ thị trấn, các khu công nghiệp.

Có thể khẳng định, sau 1 năm triển khai Đề án, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Ông Nguyễn Đắc Lộc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho hay, để duy trì được nề nếp này, các đơn vị liên quan cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ sở đã được cấp biển nhận diện.

Để duy trì và nhân rộng Đề án, ông Nguyễn Doãn Toản chỉ đạo trong thời gian tới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ đó, tạo được sự đồng thuận ủng hộ của các tổ chức, nhân dân đối với Đề án. Các lực lượng chức năng và UBND các cấp tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh trái cây, đặc biệt là các cửa hàng cấp biển logo. Cạnh đó, cần xử lý các điểm kinh doanh trái phép trên lòng đường vỉa hè; rà soát bố chí sắp xếp một số điểm kinh doanh tập trung qua đó khắc phục dứt điểm tình trạng bán hàng dong và nhân rộng tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng…

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/thi-diem-quan-ly-kinh-doanh-trai-cay-thay-doi-thoi-quen-tieu-dung-15690.html