Thí điểm làm sạch sông Tô Lịch: 'Chúng tôi không cần nước màu xanh của Hồ Tây'

Theo đại diện Công ty Việt Nhật (JVE), mặc dù chủ chương là hoàn toàn đồng ý việc xả cửa thoát lũ ra sông Tô Lịch nhưng cái đơn vị cần không phải là nước tảo màu xanh của Hồ Tây…

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã cho mở cửa xả hơn 1 triệu mét khối nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Đây là công tác phục vụ thoát nước mùa mưa theo quy định và để tiến hành hạ mực nước Hồ Tây về ngưỡng an toàn cho phép.

Tuy nhiên, trong buổi thảo luận của Công ty CP Cải thiện Môi trường Việt Nhật (JVE) – đơn vị thí điểm xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano Nhật Bản (tổ chức ngày 12/7), ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc công ty cho biết: "Về mặt chủ trương, chúng tôi hoàn toàn đồng ý việc xả cửa thoát lũ của Hà Nội. Nhưng về công tác lấy mẫu nước sông Tô Lịch, để cho khách quan với chất lượng nước, nếu như việc xả cửa kéo dài thì chúng tôi sẽ có văn bản nói rõ là cần nước màu đen chứ chúng tôi không cần nước tảo màu xanh của Hồ Tây".

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Nhật JVE tại buổi thảo luận.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Nhật JVE tại buổi thảo luận.

Cũng trong buổi thảo luận, TS. Takeba Akira, Chuyên gia Nhật Bản, Cố vấn Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản ủng hộ giải pháp xả nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch nhưng với ý nghĩa khác, là góp phần vào việc tạo nguồn cấp nước, nâng mực nước, tạo dòng chảy lưu thông cho sông Tô Lịch, sau khi được làm sạch chất lượng nước sông bằng công nghệ Nhật Bản. Đó mới là giải pháp kết hợp để "hồi sinh" dòng sông Tô Lịch trọn vẹn.

TS. Takeba Akira phân tích, hiện trạng chất lượng nước sông đang bị ô nhiễm do có lượng nước thải chưa qua xử lý khoảng 150.000m3/ngày đêm xả vào từ 280 cống xả thì vô hình chung, việc bổ cập nước từ hồ Tây sẽ đẩy một phần nước ô nhiễm vốn có của sông Tô Lịch xuống hạ lưu, con sông này sẽ ô nhiễm hơn.

Vô hình chung, hiện trạng ô nhiễm và nước thải gây ô nhiễm từ 280 cống xả không được xử lý mà sẽ chỉ được dịch chuyển khỏi vị trí địa lý là tại sông Tô lịch về khu vực hạ lưu.

Cũng theo chuyên gia Nhật Bản, mỗi một hệ thống máy nano và tấm vật liệu sinh học Bioreactor được coi là "Nhà máy xử lý nước thải tại chỗ", xử lý nước thải gây ô nhiễm bằng công nghệ Bio-nano.

Công nghệ này hoàn toàn không sử dụng hóa chất và xử lý được nước thải tại chỗ mà hàng ngày vẫn chảy xả vào sông Tô Lịch. Công nghệ này cũng không cần xây dựng hàng chục kilomet cống bao, thu gom về "Nhà máy xử lý nước thải tập trung" dùng công nghệ hóa học, vật lý cổ điển khác. Đã gọi là sông thì phải có nước cấp và có dòng chảy. Hiện nước cấp của sông Tô Lịch chủ yếu là do gần 300 cống nước thải, tốc độ dòng chảy rất thấp.

Nước tại thượng nguồn sông Tô Lịch trong xanh, sau khi được bổ cập nước từ hồ Tây. Ảnh: Bảo Loan

Sông Tô Lịch trơ đáy sau khi dừng bổ cập nước. Ảnh: Bảo Loan

Vì vậy, để xử lý làm sạch sông Tô Lịch trong tương lai khi xử lý trên cả dòng sông, về mặt công nghệ, đầu tiên cần xử lý làm sạch nước sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản trước.

Sau đó, mới thực hiện việc xả nước từ Hồ Tây thì lợi dụng tác động của dòng chảy, nước nano và các vi sinh vật có lợi đã được kích hoạt bởi các tấm vật liệu Bioreactor, được khuếch tán theo dòng chảy và chảy xuống các khu vực hạ lưu như sông Nhuệ, sông Kim Ngưu... Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng nước một phần nào đó của cả khu vực hạ lưu.

Ngoài ra, lợi dụng được dòng chảy nhanh thì khoảng cách giữa các máy nano càng có thể đặt cách xa nhau. Khi đó, mật độ máy sẽ giảm và tiết kiệm được ngân sách Nhà nước nếu đầu tư bằng công nghệ Nhật Bản.

Sẽ di dời ngày lấy mẫu nếu sông Tô Lịch vẫn... sạch

Mặc dù đơn vị Thoát nước Hà Nội đã dừng bổ cập nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch nhưng trong thông báo gửi đến báo chí, ngày 15/7, đại diện Công ty Việt Nhật cho hay: "Dự kiến đơn vị tổ chức lấy mẫu nước vào ngày 17/7/2019. Tuy nhiên, từ nay tới hôm đó, chúng tôi sẽ theo dõi nước đầu vào khu vực xử lý bằng công nghệ Nhật Bản sau khi bên Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đóng cửa xả.

Nếu sau vài ngày như trước đây, màu nước đầu vào khu vực xử lý lại trở về màu đen vốn có của sông Tô Lịch, tức là đạt "trạng thái thông thường chứ không phải trạng thái đặc biệt", thì chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích nước mặt, trầm tích, đo độ dầy bùn tại khu vực thí điểm xử lý sau 02 tháng theo đúng dự kiến ngày 17/7/2019.

Tuy nhiên, nếu thấy trạng thái đầu vào khu vực xử lý do có ảnh hưởng của nước xả từ Hồ Tây đợt vừa qua, chúng tôi sẽ làm công văn kiến nghị các Sở, ngành, đơn vị liên quan dời ngày lấy mẫu để đảm bảo kết quả được khách quan".

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thi-diem-lam-sach-song-to-lich-chung-toi-khong-can-nuoc-mau-xanh-cua-ho-tay-2019071517060595.htm