Thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại tòa án: Hiệu quả bước đầu

Hoạt động thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp thông tin và bài học thực tiễn phục vụ cho việc hoạch định chính sách và xây dựng Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Là một trong 16 địa phương được lựa chọn để tiếp tục mở rộng thực hiện thí điểm, sau gần 10 tháng hoạt động thí điểm trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong hòa giải tại tòa án tại buổi tọa đàm ngày 2/5/2019, tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh.

Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong hòa giải tại tòa án tại buổi tọa đàm ngày 2/5/2019, tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh.

Những kết quả bước đầu

Những năm qua, các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính mà Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh phải thụ lý, giải quyết ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp. Trong bối cảnh thẩm quyền của tòa án được mở rộng, số lượng các vụ việc phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, trong khi biên chế thẩm phán không tăng mà phải tinh giản thì để đảm bảo các chỉ tiêu công tác xét xử, góp phần đáp ứng nhiệm vụ chính trị với địa phương của hai cấp TAND tỉnh là thách thức rất lớn. Từ thực tế này, sau khi có chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TAND tối cao đã quyết định chọn Quảng Ninh là một trong 16 địa phương để tiếp tục mở rộng thực hiện thí điểm.

Trong gần 10 tháng thực hiện thí điểm (từ 1/11/2018 đến 20/8/2019), 7 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh đã tiếp nhận 2.475 vụ việc, giải quyết 1.883 vụ việc. Trong đó, hòa giải, đối thoại thành 1.511 vụ việc, đạt 80% trên tổng số vụ việc đã giải quyết.

Việc thực hiện hiệu quả hoạt động thí điểm đổi mới về hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại các tòa án trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã làm giảm đáng kể số vụ việc mà tòa án phải trực tiếp giải quyết. Với việc không phải trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng khi giải quyết các vụ việc này đã tạo thuận lợi để các thẩm phán, thư ký tòa án tập trung nghiên cứu giải quyết các vụ việc phức tạp đã thụ lý, đảm bảo tỷ lệ, chất lượng xét xử giải quyết các loại án. Việc hòa giải, đối thoại được số lượng vụ việc lớn như trên cũng góp phần tạo thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự khi không phải tổ chức cưỡng chế thi hành án với một tỷ lệ nhất định. Đồng thời, kết quả của hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án cũng góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và nhân dân: Giảm các chi phí về mở phiên tòa cho ngân sách nhà nước; hạn chế sự tham gia của các cơ quan có liên quan khi không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả của hòa giải, đối thoại thành dựa trên công tác dân vận cũng góp phần tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, triệt tiêu những mâu thuẫn có thể phát sinh khi các tranh chấp phải giải quyết bằng việc mở phiên tòa…

So với năm 2018, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính của hai cấp tòa án tỉnh tăng 4,8%. Đồng thời, thời gian giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Trung tâm nhanh hơn; chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Trung tâm đạt kết quả cao, 100% các quyết định đều không có kháng cáo, kháng nghị, tạo thuận lợi cho việc thi hành án.

Chánh án TAND tỉnh Hoàng Văn Tiền cho biết: “Quá trình triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm tỉnh và TAND tỉnh đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo những nội dung cụ thể, những việc cần thực hiện ngay để đảm bảo việc triển khai thí điểm đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại đã đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có nội dung khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài và Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự”.

Một buổi hòa giải tại Trung tâm hòa giải, đối thoại (TAND TP Hạ Long).

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện thí điểm tại Quảng Ninh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ các vụ hòa giải thành đối với các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại chưa cao, các vụ đối thoại thành trong các khiếu kiện hành chính còn thấp. Nguyên nhân là do các vụ việc liên quan đến dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại đều có tính chất phức tạp. Đối với án hành chính chủ yếu liên quan đến khiếu kiện về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, việc đối thoại viên rà soát, đối chiếu các văn bản, chế độ chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều lúng túng, gặp nhiều khó khăn.

Đối với các vụ việc dân sự, chủ yếu là những tranh chấp phức tạp kéo dài nhiều năm, nhiều người tham gia tố tụng, liên quan đến tranh chấp chia thừa kế, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kiện đòi đất. Khi nộp đơn khởi kiện các đương sự không cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ kèm theo dẫn đến việc hòa giải viên đã kiên trì thuyết phục nhưng các bên không tìm được tiếng nói chung.

Ngoài ra, kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải, đối thoại của một số hòa giải viên, đối thoại viên còn hạn chế do các vụ việc tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại phức tạp, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của thẩm phán, thư ký tòa án. Cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc phục vụ cho hoạt động thí điểm nhìn chung còn khó khăn; tại một số Trung tâm còn chưa có phòng hòa giải, đối thoại độc lập do quy mô trụ sở không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Hiện nay, TAND tối cao đang hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Cùng với kết quả hoạt động thí điểm tại 15 địa phương còn lại là tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc cho Luật sớm được Quốc hội thông qua. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa để đông đảo cá nhân, tổ chức khi có tranh chấp lựa chọn đây là mô hình phù hợp giải quyết tranh chấp. Cùng với đó tăng cường tập huấn kỹ năng, phổ biến kinh nghiệm cho đội ngũ hòa giải viên, đối thoại viên của các Trung tâm hòa giải, đối thoại theo hướng chuyên sâu với từng lĩnh vực cụ thể; xây dựng cơ chế khen thưởng, kỷ luật đối với đội ngũ hòa giải viên, đối thoại viên để kịp thời động viên, khích lệ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động hòa giải, đối thoại.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/phap-luat/201910/thi-diem-doi-moi-tang-cuong-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-hieu-qua-buoc-dau-2459006/