Thí điểm đánh thuế tài sản tại TP. HCM sẽ làm tăng giá nhà

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc đánh thuế tài sản có thể giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, tuy nhiên có thể sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là giá nhà và giá đất tăng lên.

Quốc hội đang xem xét cơ chế đặc thù cho TP. HCM

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đề nghị chưa thí điểm thu thuế tài sản trên địa bàn TP. HCM như trong dự thảo Quy định cơ chế đặc thù cho thành phố.

Theo đó, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, nền kinh tế đất nước và thị trường bất động sản vẫn còn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng, nhưng chưa thật sự vững chắc. Giá nhà vẫn còn rất cao, gấp khoảng trên dưới 25 lần thu nhập trung bình của xã hội (trong khi ở các nước phát triển thì biên độ này chỉ khoảng từ 5 - 7 lần). Đối với TP. HCM, chi phí thực tế để đảm bảo nhu cầu cuộc sống tại thành phố vẫn rất đắt đỏ so với các tỉnh.

Do đó, nếu thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản thì có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố, nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn như sẽ làm giá nhà, đất của thành phố tăng lên, kể cả giá đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Qua đó, đẩy giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng theo, làm cho cuộc sống đắt đỏ hơn nữa. Điều này sẽ có tác động làm giảm sức cạnh tranh của thành phố, bởi lẽ các địa phương khác chưa thực hiện đánh thuế tài sản.

Về cơ chế "thí điểm", Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng chỉ nên thực hiện cơ chế "thí điểm" nếu mục đích nhằm tăng thêm "quyền", "quyền lợi", hoặc làm giảm bớt đi "nghĩa vụ", hoặc "trách nhiệm" đối với đối tượng bị tác động.

Kiến nghị 6 cơ chế đặc thù cho TP. HCM trong lĩnh vực bất động sản

Do vậy, việc thực hiện cơ chế thí điểm đánh thuế tài sản mà chỉ áp dụng trên địa bàn TP. HCM, có nghĩa là làm tăng nghĩa vụ nộp thuế (tăng nghĩa vụ tài chính) đối với mọi chủ thể sở hữu tài sản, làm giảm thu nhập thực tế, sẽ gây tác động bất lợi trong các tầng lớp dân cư, có thể dẫn đến sự dịch chuyển về dân cư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến các tỉnh, thành phố khác, và sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản thành phố.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đề nghị Quốc hội nên xem xét thật cẩn trọng, chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn thành phố tại thời điểm hiện nay, mà nên dời lại thời điểm thực hiện đánh thuế tài sản vào thời điểm sau năm 2020 thì phù hợp hơn.

Cùng với đó, nếu thực hiện thì áp dụng đồng thời trên cả nước, không nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản chỉ riêng tại TP. HCM hoặc bất cứ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào.

Hiệp hội cũng đề nghị khi dự thảo thuế tài sản cần được xem xét tổng thể trong việc cấu trúc lại hệ thống và chính sách thuế một cách đồng bộ, để tránh tình trạng tận thu, hoặc thuế chồng thuế.

Trước đó, ngày 14/11, khi trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP. HCM trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã đề nghị cho TP. HCM một số cơ chế đặc thù.

Cụ thể, về vấn đề quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, TP. HCM được thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; tăng mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí nằm trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Số thu tăng thêm từ các khoản thu này, TP. HCM được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố... Ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa: Cơ chế đặc thù gỡ thế “nhà đông con, đi chợ ít tiền”

Minh Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thi-diem-danh-thue-tai-san-tai-tp-hcm-se-lam-tang-gia-nha-20171117165202638.htm