Thí điểm cấp phường

Cấp phường hóa ra cũng có đề án khá hoành tráng: 'Thí điểm tuyến đường văn minh đô thị giai đoạn 2018 2020 định hướng đến 2030'.

Câu chuyện ở phố Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khi xuất hiện 200 cột thép có kích thước bằng nhau chằn chặn sơn màu đỏ chói mọc lên ở vỉa hè, đỉnh cột có gờ để gắn biển hiệu và 2 nhánh để treo cờ và đèn lồng… với hi vọng đề án sẽ góp phần xây dựng phường Mỹ Đình 1 thành một nơi "đáng sống".

Theo lãnh đạo phường, đề án này đã triển khai giai đoạn 1 là cắm cột và đồng bộ hóa biển hiệu. Toàn bộ biển hiệu, biển quảng cáo dọc tuyến đường này được lắp đặt theo chuẩn kích thước nhưng không quy định màu sắc. Kinh phí thực hiện đề án được huy động từ nguồn xã hội hóa của các hộ kinh doanh trên tuyến phố.

Tuy nhiên sau khi thực hiện giai đoạn 1 của đề án, cư dân ở đây cho rằng tuyến phố "kiểu mẫu" này vẫn xa với ý tưởng, mục đích của chính quyền phường. Ai cũng biết Đình Thôn được đô thị hóa từ một đường làng không có vỉa hè, nhà cửa được lấn sát tới mép đường. Mép đường vốn đã chật hẹp nay “gánh” thêm cột biển hiệu. Với 200 cột thép cắm vào mép đường, mật độ tùy tiện, chỗ thưa chỗ mau khó coi vì nhiều cột chưa có biển hiệu hoặc tận dụng biển cũ nên khó thành “đồng phục” bắt mắt.

Theo các chuyên gia kiến trúc đô thị, đề án này là không ổn. Kết cấu và vật liệu của cột thép chỉ phù hợp với hoạt động ngắn hạn. Hệ thống cột đó không tạo mỹ quan đô thị mà gây vướng ảnh hưởng tầm nhìn của người đi bộ.

Theo một số kiến trúc sư, việc xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu của TP Hà Nội cần các giải pháp thiết kế căn cơ, lâu bền, sáng tạo.

Điều đáng nói là việc xây dựng tuyến phố kiểu mẫu Đình Thôn lại copy ý tưởng "đồng phục hóa" đã thất bại ở phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) vào năm 2016. Việc “đồng phục hóa” biển hiệu trên đường Lê Trọng Tấn nằm trong kế hoạch chung của thành phố Hà Nội khi xây dựng tuyến đường này thành tuyến đường kiểu mẫu của Hà Nội. Ngay sau khi bắt tay thực hiện, việc đồng phục hóa các biển hiệu ở đây đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bởi vậy, chính quyền quận Thanh Xuân và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã lên tiếng cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân để điều chỉnh cho phù hợp.

Mặc dù việc đồng bộ hóa biển hiệu quảng cáo trên tuyến đường mới Lê Trọng Tấn là phù hợp với Luật Quảng cáo, tuy vậy, điều gây tranh cãi ở đây là việc áp đặt màu sắc theo quy định là màu đỏ và màu xanh là không phù hợp, ảnh hưởng lớn đến nhận diện hình ảnh mà doanh nghiệp đã dày công xây dựng nhiều năm qua. Một số ý kiến cũng cho rằng, việc quy định cứng nhắc như trên sẽ triệt tiêu tính sáng tạo của người dân trong trình bày biển hiệu.

Các kiến trúc sư nhấn mạnh, quan hệ đô thị rất phức tạp cần thỏa mãn nhiều vấn đề về tâm lý, thị giác nên việc áp đặt đồng bộ màu sắc biển hiệu tại đường Lê Trọng Tấn là chủ quan và chưa chú ý đến nghệ thuật thiết kế đô thị. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho rằng việc thí điểm đồng bộ hóa biển hiệu tại đường Lê Trọng Tấn cần lắng nghe ý kiến của người dân và điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên sau 2 năm thực hiện đề án này, tại đường Lê Trọng Tấn rất nhiều cửa hàng đã không ngần ngại lắp đặt biển quảng cáo thương hiệu doanh nghiệp chèn lên biển, bảng gốc. Hệ thống biển hiệu “đồng phục” chỉ tồn tại cho phải phép đánh dấu sự thất bại của đề án áp đặt theo ý chí chủ quan của chính quyền sở tại. Vậy mà phường Mỹ Đình 1 vẫn hăng hái thực hiện.

Sự thất bại và tốn kém là nhỡn tiền.

Bảo Dân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/thi-diem-cap-phuong-276362.html