Thị dân không chỉ là 'chiếc áo khoác'

Khoảng mươi năm trở lại đây, tỷ lệ đô thị hóa ở Thanh Hóa diễn ra rất nhanh, nhiều xã ven đô được nâng cấp lên phường; xã thuần nông được sáp nhập vào thành phố, thị xã, thị trấn huyện lỵ. Đó là điều đáng mừng góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp và đô thị hóa, nâng cao thêm một bước đời sống của người dân.

Thế nhưng, đằng sau sự mừng vui ấy vẫn còn đó những nỗi niềm xoay quanh câu chuyện: Ứng xử, cư xử.

Đó là sự ứng xử của người dân đô thị với nơi mình đang sống sao cho văn hóa. Không thể cứ thích gì là làm nấy, nhất là trong việc ứng xử với cảnh quan, môi trường, an toàn giao thông. Mỗi người đều phải tuân thủ các nguyên tắc trong guồng quay của nhịp sống mới để không trở nên lạc lõng. Đơn cử không thể đem lý lẽ theo kiểu “đất lề, quê thói” ra để tùy tiện vứt túi rác xuống đường. Cũng không thể thả chó, mèo, gia súc ra đường phố làm mất vệ sinh, gây tai nạn. Họ cũng không thể đi bộ hàng ngang dưới lòng đường, cởi trần ra phố theo kiểu đường làng ta, ta cứ đi.

Lâu nay một thách thức rất lớn trong việc xây dựng văn minh đô thị được các nhà quản lý và giới chuyên gia đặt ra đó là phải giải quyết làm sao cho hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa, giữa hạ tầng kỹ thuật với nếp sống cư dân sau khi nhiều nông dân bỗng chốc trở thành thị dân.

Mâu thuẫn này đã kéo theo những bất cập về giải quyết các mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với môi trường, giữa cá nhân với tổ chức trong từng khu dân cư, mà nếu giải quyết không hài hòa, dứt điểm sẽ kìm hãm sự phát triển của đô thị, làm chậm việc triển khai các chủ trương, chính sách...

Phải khẳng định, dù là nông dân, ngư dân hay thị dân đều phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, quy ước ở khu dân cư. Nhưng rõ ràng là trong guồng quay có phần gấp gáp và chuyên nghiệp của nhịp sống đô thị mọi việc cần phải quy chuẩn ở mức cao hơn để không trở nên lạc lõng và bị đào thải.

Hơn thế, đô thị cũng là nơi đứng chân của các cơ quan Đảng, đoàn thể, hành chính Nhà nước cấp trên cơ sở, sẽ có nhiều doanh nhân và người dân nơi khác đến giao dịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư... vì vậy chúng ta càng phải tạo ra sự văn minh, lịch thiệp để góp phần xây dựng hình ảnh đẹp, tạo thiện cảm, nâng tầm giá trị của đô thị.

Phải xác định thị dân không chỉ là “chiếc áo khoác” bên ngoài, hơn cả phải là cốt cách bên trong. Chỉ khi nào người dân ý thức được sự cần thiết phải thay đổi thói quen, từ bỏ cái cũ để tiếp nhận cái mới bằng sự thôi thúc, thì danh xưng thị dân mới trở nên đúng bản chất.

An Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/thi-dan-khong-chi-la-chiec-ao-khoac/134494.htm