Thi đại học 9 điểm một môn vẫn trượt: Bố mẹ có trách nhiệm?

Các con định hướng sai, chưa được hướng nghiệp rõ ràng. Và đặc biệt là chưa có chiến lược chọn trường, chọn phương thức tuyển sinh phù hợp.

Nhiều phụ huynh, học sinh chờ đợi thâu đêm để chờ đến lượt xét tuyển vào trường Đại học Thăng Long do trước đó rất nhiều em điểm cao nhưng không đỗ Đại học. Ảnh: Vietnamnet

Nhiều phụ huynh, học sinh chờ đợi thâu đêm để chờ đến lượt xét tuyển vào trường Đại học Thăng Long do trước đó rất nhiều em điểm cao nhưng không đỗ Đại học. Ảnh: Vietnamnet

Năm nay có một thực trạng là nhiều thí sinh dù điểm thi rất cao 9 điểm/1 môn, trung bình 27 điểm 3 môn vẫn không đỗ đại học. Cụ thể, như 27 điểm/3 môn vẫn không đỗ Đại học Ngoại thương, Khoa Báo Chí Đại học Khoa học xã hội nhân văn, hoặc 24 - 25 điểm vẫn không vào được các trường Đại học ở tốp trung bình.

Lý do có nhiều nhưng có phần do các con định hướng sai, chưa được hướng nghiệp rõ ràng. Và đặc biệt là chưa có chiến lược chọn trường, chọn phương thức tuyển sinh phù hợp.

Cha mẹ hiện đại ngày nay có xu hướng trao toàn quyền cho con tự ra quyết định chọn ngành, chọn nghề. Nhiều bạn bè tôi chia sẻ: “Mình chẳng ép con mình học gì đâu. Chúng nó muốn học gì, làm gì là do các con tự chọn.”

Tưởng chừng đây là một phương án tốt thay cho việc ép buộc con theo định hướng của gia đình thì lúc này lại nảy sinh một vấn đề khác: Dù được bật đèn xanh, các con vẫn chẳng ra quyết định được.

Và đó là câu chuyện của đa số các bạn trẻ sinh năm 2000 (thế hệ 10X). Những bạn trẻ này có cha mẹ yêu thương, điều kiện gia đình tốt, bản thân bạn cũng là người có năng lực và học giỏi nhưng các bạn vẫn mắc kẹt trong việc đưa ra quyết định nghề nghiệp.

Nguyên nhân vì con bỗng chốc được trao một trách nhiệm lớn trong khi chưa chuẩn bị đủ kiến thức, kinh nghiệm cho điều đó.

Ở trường con được học rất nhiều môn nhưng thực tế chẳng có môn học nào nói cho con biết cần phải dựa trên điều gì để quyết định chọn nghề.

Nếu cha mẹ không nhận ra nguyên nhân này mà cho rằng con chưa nỗ lực hay không được như kỳ vọng của gia đình thì con trẻ lại càng áp lực vì nghĩ rằng mình phụ lại lòng tin của cha mẹ.

Trước khi chọn một con đường, đầu tiên con cần phải hiểu bản thân mình muốn gì và có khả năng gì. Hành trình hiểu mình tuy không khó nhưng cũng không dễ dàng nếu thiếu sự trợ giúp của cha mẹ - những người hỗ trợ con tốt nhất trong việc giúp con nhận biết những điểm mạnh và điểm yếu thông qua những nhận xét có chứng cứ, khách quan và đầy yêu thương.

Khi đã hiểu rõ bản thân, con phải trau dồi những kiến thức và hiểu biết nhất định về thị trường đào tạo và thị trường lao động, rồi kết hợp với điều con muốn để chọn ngành học và công việc.

Sau cùng, một kế hoạch hành động cụ thể là cần thiết để giúp con rèn luyện kỹ năng và kiến thức để có thể theo học ngành mong muốn.

Ví dụ như nếu con muốn làm kiến trúc sư, con phải tham gia lớp học vẽ từ sớm. Rõ ràng hướng nghiệp không phải làm ngày một ngày hai mà là một quá trình tốn nhiều thời gian và công sức.

Trao quyền lựa chọn cho con không đồng nghĩa với việc cha mẹ trở thành người ngoài cuộc. Ngược lại, cha mẹ cần dõi theo mỗi ngày để có thể “nhập cuộc” kịp thời và đúng cách, nâng đỡ con bằng tình yêu thương, sự tỉnh táo và quan trọng nhất là hỗ trợ con với những phương pháp hướng nghiệp khoa học.

Hãy tìm hiểu các thông tin, bằng kinh nghiệm của mình hãy giúp con lựa chọn trường phù hợp, chọn ngành có giá trị mưu sinh và phù hợp với khả năng của con.

Con sẽ rất vui khi cha mẹ tôn trọng và cho quyền lựa chọn nhưng hơn thế nữa con còn cần có người chỉ dẫn.

Vì vậy, nếu con bạn năm nay trượt đại học hoặc không đỗ vào trường đại học con mong muốn, hãy đừng trách mắng và thất vọng, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, điều kiện thi cử đặc biệt mùa Covid-19, có thể chỉ là chúng ta đã lơ là việc đồng hành cùng con mà thôi.

Mai Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thi-dai-hoc-9-diem-mot-mon-van-truot-bo-me-co-trach-nhiem-d481956.html