Thi công tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên: Dân hoang mang, lo sợ vì nhà bị sụt lún, nứt toác

Nhiều hộ dân ngụ phường 22 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) sống thấp thỏm trong những căn nhà bị sụt lún, tường bị xé nứt, đêm lại phát ra tiếng động đáng sợ.

Nguyên do của việc lún nứt, là do thi công tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Nhiều năm phản ánh nhưng người dân vẫn chưa được giải quyết vì sự bội tín của nhà thầu thi công.

Hoang mang sợ nhà sập

Theo tìm hiểu của PV, tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có chiều dài 19,7km đi qua các quận: quận 1, quận Bình Thạnh, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức (TP.HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Tổng mức đầu tư công trình này là gần 2,5 tỷ USD, bắt đầu thực hiện vào tháng 8/2012 dự kiến hoàn thành và chạy thử năm 2019. Dự án này gồm 5 gói thầu chính. Trong đó, gói thầu số 2 do liên doanh Sumitomo (Nhật Bản) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) làm nhà thầu.

Nhiều biên bản được lập nhưng nhà thầu vẫn phớt lờ không giải quyết

Nhiều biên bản được lập nhưng nhà thầu vẫn phớt lờ không giải quyết

Tuy nhiên, quá trình thi công các hạng mục tại dự án Metro số 1 khiến nhà dân tại các khu vực lân cận bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nhà vì ngại phiền phức nên không khiếu nại đòi quyền lợi. Trong khi đó, nhiều hộ dân khác cảm nhận đang sống trong ngôi nhà có nguy cơ đổ sập nên lên tiếng phản ứng mạnh mẽ. Đa số họ đều cho rằng nhà thầu thi công “hứa lèo” cho qua chuyện mà không hề có động thái khắc phục sửa chữa hay bồi thường thiệt hại gì.

Suốt 4 năm qua, người dân khu vực lân cận tuyến Metro số 1 Bến Thành Suối Tiên thuộc địa phận phường 22 phải sống trong tâm lý hoang mang lo sợ vì căn nhà bị nghiêng, sụt lún và nhiều vết nứt lớn.

Anh Phạm Văn Hiền (thường trú số 602/39/17G Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết: “Nhà 1 trệt 3 lầu của tôi xây hoàn thiện cuối năm 2013. Đến đầu năm 2014 tuyến đường sắt Metro số 1 tiến hành khoan cọc nhồi và làm trụ cầu thì căn nhà tôi xảy ra tình trạng lún, nứt, xé tường. Ngay sau đó tôi có đơn gửi UBND phường 22 nhờ xử lý vì trước khi thực hiện công trình trên, phía Cienco 6 có cho đơn vị bảo hiểm tới khảo sát, chụp hình ghi nhận hiện trạng nhà tôi không bị hư hại gì”.

Cũng theo anh Hiền trình bày, cách giải quyết của Cienco 6 là cố tình chây ì, không có thiện chí giải quyết vấn đề khiến người dân sống trong bất an và bức xúc. Cụ thể, anh Hiền đã gửi hàng chục lá đơn lên UBND phường 22 trong suốt gần 4 năm nhưng chỉ dừng ở mức hòa giải. “UBND phường 22 và công ty Cienco 6 không đưa ra được phương án sửa chữa hay đền bù được cho tôi. Càng để lâu, những vết nứt do công trình gây ra cho nhà tôi càng nặng nề, căn nhà mới xây trở nên xuống cấp trầm trọng, nước từ trên trần thấm xuống hư hết nội thất”, anh Hiền bức xúc.

Nhà dân bị nứt toác rất nguy hiểm

Cũng có cùng bức xúc, ông Phan Xuân (SN 1960, trú 602/39/7 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết: “Từ khi thi công trụ cọc tuyến Metro số 1 căn nhà tôi bị nghiêng hẵn ra sau, nhiều vết nứt, xé tường khắp nơi. Đặc biệt, việc thi công khiến cho đường nước thải bỗng nhiên chảy ngược về khiến nhà tắm và nhà vệ sinh trong nhà tôi bị ngập nước bẩn. Tôi cũng đã nộp nhiều lá đơn ra phường nhưng chưa được giải quyết”.

Tương tự, trường hợp nhà bà Lê Thị Sương (ngụ 602/39/15B Điện Biên Phủ, phường 22); chị Hồ Thị Ngọc Minh (ngụ 602/39/17C Điện Biên Phủ, phường 22); bà Trần Thị Nhành (ngụ 602/39/17E Điện Biên Phủ, phường 22); ông Phạm Ngọc Hồng (ngụ 602/39/9P Điện Biên Phủ, phường 22); đều có phản ánh về việc nhà bị lún, nghiêng, nứt nhiều chỗ. Đáng nói, vào buổi tối các hộ dân ngủ nhưng những tiếng kêu răng rắc vang lên khiến người dân rất bất an.

Chủ thầu chây ì, mặc dân kêu than?

Theo quan sát của PV, vị trí trụ cọc tuyến Metro số 1 mà người dân phản ánh nằm chỉ cách nhà dân khoảng 10m, có chỗ khoảng 5m. Bị nặng nhất trong các hộ dân có thể kể đến trường hợp nhà của anh Phạm Văn Hiền bởi nhà anh gần trụ cọc nhất. Dù là nhà mới xây nhưng trước việc xuống cấp trầm trọng, gia đình anh Hiền phải dọn ra ngoài để sinh sống vì sợ có sự cố bất trắc xảy ra.

Anh Hiền cho biết: “Mỗi lần lên hòa giải tôi có đưa ra các phương án một là đền bù cho tôi để tôi tự thuê người sửa chữa nhà, hai là chủ thầu tự sửa chữa nhà cho tôi. Họ cũng thống nhất ý đó, và có quy định thời gian sửa chữa, đền bù nhưng họ không làm. Đến nay sự việc kéo dài gần 4 năm, nhà tôi càng ngày càng hư hỏng và chủ thầu không có bất cứ động thái nào khắc phục”.

Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên nằm sát nhiều nhà dân và nhiều hộ bị ảnh hưởng

Biên bản hòa giải ngày 24/2/2017 tại UBND phường 22 giữa ông Phạm Văn Hiền và đại diện nhà thầu, ban quản lý ghi nhận: “Chủ đầu tư và nhà thầu tổ chức khảo sát kiểm định lại toàn bộ hư hỏng công trình tại địa chỉ 602/39/17G Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh. Có văn bản thông báo UBND phường 22 và hộ ông Hiền trước ngày 15/3/2017 về thời điểm cụ thể để kiểm định lún, nứt cho căn nhà trên”.

Tuy nhiên, theo anh Hiền, kết quả kiểm định này đưa ra mức giá đền bù rất vô lý. Bởi theo tìm hiểu, hỏi giá thi công nhà trước đó, anh Hiền được báo giá hơn 500 triệu đồng. Trong khi đó, đơn vị kiểm định do nhà thầu kêu chỉ đưa ra mức giá gần 39 triệu đồng. Dù vậy, anh Hiền rất thiện chí khi kêu chủ thầu tự sửa chữa căn nhà của anh với điều kiện phải thuê cho anh một căn nhà để tạm ở. Từ đó, nhà thầu công trình lại tiến hành thuê đơn vị kiểm định khác.

Ngày 19/10/2017, cũng tại UBND phường 22, quận Bình Thạnh đại diện bên nhà thầu là ông Nguyễn Trung Hiếu, ông Phạm Nguyên Hưng, đại diện Ban quản lý đường sắt có ông Ngô Văn Thanh, đại diện chủ nhà có anh Phạm Văn Hiền tiến hành lập một biên bản. Trong đó ghi nhận ý kiến đại diện nhà thầu “Công trình đã được kiểm định, nhà thầu liên hệ đơn vị kiểm định và được trả lời có kết quả trước ngày 10/11/2017. Sẽ có hồ sơ kết quả kiểm định công trình gửi ông Hiền xem xét làm cơ sở thỏa thuận”. Tuy nhiên, anh Hiền cho biết nhà thầu chỉ hứa như thế nhưng đến hiện tại vẫn chưa có phương án khắc phục.

Ngoài gia đình anh Hiền được kiểm định, các hộ dân khác có đơn gửi UBND phường 22 đều chưa được nhà thầu mời đơn vị kiểm định tới làm việc. Các trường hợp: ông Phan Xuân chỉ yêu cầu 25 triệu đền bù để giải quyết cấp bách cho chuyện ngập ba nhà tắm và vệ sinh; bà Lê Thị Sương yêu cầu 130 triệu sửa chữa nhiều hạng mục; bà Hồ Thị Ngọc Minh chỉ yêu cầu 49 triệu; bà Trần Thị Nhành chỉ yêu cầu 47 triệu; ông Phạm Ngọc Hồng chỉ yêu cầu 165 triệu, nhưng tất cả đều không được thông qua và giải quyết.

“Chúng tôi biết phản ứng lại với các nhà thầu ấy chẳng khác nào lấy trứng trọi đá nhưng đây là quyền lợi chính đáng. Huống hồ chúng tôi chỉ đòi tiền sửa chữa rất ít và rất phù hợp nhưng suốt nhiều năm trời nhà thầu vẫn ngó lơ. Họ đang xem nhẹ tinh thần và tính mạng của chúng tôi khi chúng tôi đang phải sống trong những căn nhà bị ảnh hưởng trầm trọng bởi họ”, một người dân bức xúc.

Trụ sở UBND phường cũng bị ảnh hưởng, nứt toác

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quang, phó Chủ tịch UBND phường 22, quận Bình Thạnh cho biết sẽ trả lời tất cả những câu hỏi của PV về nỗi bức xúc của người dân thông qua văn bản cụ thể. Bên cạnh đó ông Quang nhấn mạnh: “Trụ sở UBND phường 22 cũng bị ảnh hưởng bởi công trình Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, cụ thể bị nứt toác nhiều chỗ. Bên nhà thầu lập phương án bồi thường không có đúng, nên chúng tôi yêu cầu thuê đơn vị kiểm định độc lập là Công ty kiểm định Sài Gòn để đưa ra giá hợp lý. Tuy nhiên, đơn vị nhà thầu cũng rất chậm chạp trong khâu đền bù”.

Hoàng Minh

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ket-noi-ban-doc/thi-cong-tuyen-metro-so-1-ben-thanh-suoi-tien-dan-hoang-mang-lo-so-vi-nha-bi-sut-lun-nut-toac-8339.html