Thi công nâng cấp các công trình thủy lợi, giao thông tại Bình Định: Cần tránh tình trạng 'nước tới chân mới nhảy'

Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi… phục vụ sản xuất, giao thương, phát triển KT-XH là việc cấp thiết. Tuy nhiên thời gian qua, một số công trình trên địa bàn tỉnh Bình Định triển khai chậm, hoặc bắt đầu thi công vào những thời điểm thời tiết bước vào mùa mưa lũ; đã ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình...

Công trình gia cố đê Bờ Nhì thi công trong điều kiện thời tiết có mưa.

Công trình gia cố đê Bờ Nhì thi công trong điều kiện thời tiết có mưa.

Những ngày này, đơn vị thi công đang tập trung huy động tối đa nhân vật lực để triển khai gia cố đê Bờ Nhì (một nhánh Sông Côn) đoạn chảy qua thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước). Đây dự án do UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng Huỳnh Gia thi công, với tổng mức đầu tư trên 2,2 tỉ đồng, nâng cấp đoạn đê với chiều dài toàn tuyến hơn 600m.

Ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, đánh giá: “Việc đầu tư gia cố công trình đê Bờ Nhì là rất cấp thiết. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tuyến đê sông này góp phần bảo vệ nhà cửa, vườn tược cho người dân sinh sống trong vùng. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng sa bồi thủy phá đồng ruộng, đất canh tác của nhân dân”.

Tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), nhà thầu cũng đang triển khai thi công dự án nâng cấp tuyến đường từ Trường THPT iSchool Quy Nhơn đến Trường THCS Nhơn Phú, với chiều dài toàn tuyến 545m, tổng mức đầu tư gần 5 tỉ đồng. Công trình do Công ty TNHH Hải Dương thi công, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn.

Phải nói rằng, việc chính quyền địa phương cho phép triển khai nâng cấp, sửa chữa các công trình trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là cả 2 dự án trên đều được triển khai khá chậm, thời điểm tỉnh ta đã bắt đầu vào mùa mưa lũ, phần nào đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công và chất lượng công trình.

Cụ thể, đối với dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường từ Trường THPT iSchool Quy Nhơn đến Trường THCS Nhơn Phú đến thời điểm này vẫn hết sức ngổn ngang. Nhà thầu thi công đào mở đường, lắp đặt hệ thống thoát nước, song chưa kịp triển khai thì gặp trời mưa. Hệ quả, con đường trước đây vốn gập ghềnh thì nay trở nên lầy lội, đầy bùn đất, ao tù. Cảnh tượng này khiến việc đi lại của nhân dân và nhất là các thầy, cô giáo, học sinh gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Còn tại công trình gia cố đê Bờ Nhì, đợt mưa kéo dài từ ngày 2 đến 4.10 vừa qua khiến nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng khá lớn cũng làm gián đoạn tiến độ thi công; đồng thời, trực tiếp gây ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Để hạn chế thiệt hại, đơn vị thi công phải gấp rút thực hiện các biện pháp phòng chống xói lở, sạt lở mái.

Tuyến đường thuộc Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường từ Trường THPT iSchool Quy Nhơn đến Trường THCS Nhơn Phú vẫn ngổn ngang dù mùa mưa lũ đã bắt đầu.

Ông Nguyễn Đình Đàm, Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú, cho rằng: “Các công trình thi công vào mùa khô ráo sẽ đảm bảo hơn về chất lượng so với những dự án triển khai gặp trời mưa hoặc lũ lụt. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà một số công trình thi công rơi vào những tháng cuối năm, thời điểm mùa mưa, hoặc lũ lụt bắt đầu diễn ra”.

Còn lãnh đạo xã Phước Lộc, nêu ý kiến: Từ lúc đăng ký hạng mục đầu tư dự án đến khi dự án được phê duyệt và thi công thường kéo dài, mất nhiều thời gian. Có dự án tuy hồ sơ thiết kế đã hoàn thiện, thời tiết nắng ráo thích hợp cho việc thi công, nhưng lại thiếu vốn hoặc vốn chưa bố trí được. Một số dự án có vốn, thì công tác thi công lại rơi vào mùa thời tiết hay có mưa, lũ.

“Tôi nghĩ cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét, tính toán, rút ngắn bớt thời gian trong việc lập các thủ tục hồ sơ dự án. Công đoạn, khâu nào không thật sự cần thiết thì nên bãi bỏ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án triển khai thi công công trình thuận tiện, nhất là đối với các dự án đã bố trí được nguồn vốn; hạn chế việc đầu tư, xây dựng công trình vào thời điểm bắt đầu vào mùa mưa lũ…”, lãnh đạo xã này, cho hay.

Trên đây là 2 trong nhiều công trình đang được tỉnh ta triển khai rơi vào thời điểm “nhạy cảm” bởi thiên tai. Do đó, vấn đề đặt ra là ngoài việc tranh thủ nguồn vốn để thi công dự án, cơ quan có chức năng cũng cần nghiên cứu lựa chọn thời điểm thi công cho phù hợp để làm sao không gây ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình cũng như đời sống dân sinh của người dân ở địa phương.

Bài & ảnh Như Quỳnh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/thi-cong-nang-cap-cac-cong-trinh-thuy-loi-giao-thong-tai-binh-dinh-can-tranh-tinh-trang-nuoc-toi-chan-moi-nhay-1260386.html