Theresa May - 'Bà đầm thép' thứ hai của nước Anh

Với tuyên bố chính thức từ chức vào ngày 13-7, ông David Cameron sẽ khép lại sự nghiệp chính trị trong vai trò Thủ tướng Anh và mở đường cho Bộ trưởng Nội vụ Theresa May trở thành nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước này, sau 'Bà đầm thép' Margaret Thatcher. Trong bối cảnh nước Anh tan hoang sau 'cơn giông bão Brexit', nữ tân Thủ tướng này được kỳ vọng có thể chèo lái đất nước qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.

Tân Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters

Chặng đường tới Phố Downing

Bà Theresa May đã trở thành ứng viên duy nhất kế nhiệm Thủ tướng David Cameron sau khi đối thủ của bà là Thứ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom tuyên bố rút khỏi cuộc đua trở thành người đứng đầu đảng Bảo thủ và ứng viên Thủ tướng.

Sinh năm 1956 tại miền Đông Nam nước Anh, bà May là con gái của một mục sư, từng theo học tại Trường công lập Wheatley Park và sau đó chuyển tới học chuyên ngành Địa lý tại Trường tư thục St Hugh's College, Oxford. Năm 1976, bà gặp ông Philip May và kết hôn năm 1980. Ông Philip May cũng là một nhân vật nổi tiếng trong giới ngân hàng Anh, từng giữ vị trí quản lý tại các ngân hàng và quỹ đầu tư lớn như De Zoete và Bevan, Deutsche Bank, Capital Group... Đến năm 1986, bà May bắt đầu hoạt động chính trị và năm 1997 được bầu làm Nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Maidenhead.

Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ năm 2010, với vai trò là một trong những quan chức cấp cao nhất ở Anh, bà May thường đem lại cho người khác cảm giác vừa quen thuộc vừa bí ẩn. Bà nổi tiếng thường đi giày da báo gót nhọn, thể hiện "cá tính đặc biệt" trong môi trường chính trị. Khi đứng đầu Bộ Nội vụ, bà được tín nhiệm và được đánh giá rất cao, kể cả từ những nhà phê bình khó tính nhất. Trong 6 năm điều hành, nữ Bộ trưởng đã tạo dựng được danh tiếng là một chính trị gia cứng rắn trong nhiều vấn đề như nhập cư lậu, tội phạm và tuyên truyền Hồi giáo.

Với vai trò là một trong những quan chức cấp cao nhất ở Anh, bà luôn được tín nhiệm và đánh giá rất cao. Hình ảnh ấn tượng của nữ Bộ trưởng này là một chính trị gia cứng rắn trong nhiều vấn đề như nhập cư lậu, phòng chống tội phạm, chống chủ nghĩa khủng bố.

Phát biểu sau khi trở thành Thủ tướng nước Anh, bà May cam kết sẽ lãnh đạo nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) thành công. Bà cũng tuyên bố, nước Anh sẽ không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để ở lại "mái nhà chung châu Âu" và càng không nỗ lực để tái gia nhập liên minh này một lần nào nữa. Đương kim Bộ trưởng Nội vụ Anh cũng khẳng định sẽ đàm phán với EU để có được một thỏa thuận tốt nhất về thương mại, hàng hóa và dịch vụ cho nước Anh.

Vô vàn thách thức

Với vốn liếng kinh nghiệm dày dặn của một Bộ trưởng Nội vụ, bà Theresa May đã tạo lòng tin cho các nghị sĩ và cử tri về khả năng đối phó với các thách thức an ninh quốc gia. Trong một bài viết đăng trên tờ Mail (Anh) hồi đầu tuần, bà Theresa May đã tuyên bố sẽ bảo vệ nước Anh an toàn trước mối đe dọa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hay tại Quốc hội, bà cũng khẩn thiết đề nghị nâng cấp hệ thống tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Trident của Anh để đối phó với những hiểm họa ngày càng gia tăng.

Tân Thủ tướng Anh Theresa May và người tiền nhiệm David Cameron. Ảnh: Getty

Thế nhưng, nếu như an ninh là một lợi thế đối với bà Theresa May thì các vấn đề phát triển kinh tế, thương mại cũng như lộ trình ổn định nước Anh sau Brexit lại là thách thức lớn khi bà nắm giữ vị trí Thủ tướng. Giới phân tích cho rằng, trước hết, bà phải gây dựng sự đoàn kết trong nội bộ đảng cũng như trong dân chúng sau dư chấn chia rẽ thời “hậu Brexit”. Hiện tại, Anh đang chịu áp lực từ các lãnh đạo châu Âu về việc London phải nhanh chóng khởi động tiến trình đàm phán rời EU càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong chiến dịch vận động, bà May cho biết quá trình chính thức sẽ không bắt đầu cho đến cuối năm nay. Bà cũng khẳng định lập trường khác biệt so với các đối thủ, đó là đảm bảo công dân EU sống ở Anh được quyền ở lại chỉ khi công dân Anh sống tại EU hưởng các quyền tương tự…

Ngoài ra, bà May cũng phải tìm ra các biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UK) của Scotland sau “cú sốc Brexit”. Người dân Scotland vốn nằm trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc ở lại EU, cũng đang âm thầm làn sóng muốn tách ra độc lập.

Một vấn đề nan giải nhất khác hiện nay là tình trạng nhập cư. Trong vai trò Bộ trưởng Nội vụ, bà May từng hứng chịu chỉ trích khi không đáp ứng mục tiêu của chính phủ về việc giảm số người nhập cư. Nếu nguyên nhân trước đây là chịu ảnh hưởng từ chính sách tự do của EU, thì nay với việc rời EU, bà May nhiều khả năng đối mặt với phản ứng tiêu cực hơn từ phe đối lập và công chúng nếu vẫn không thể khắc phục tình trạng này. Năm ngoái có tới 630.000 người nhập cư vào Anh, trong khi số người rời nước này là 297.000.

Cuối cùng, thách thức lớn nhất với tân thủ tướng Anh có lẽ là đoàn kết đảng Bảo thủ. Các cuộc đấu đá nội bộ chính là nguyên nhân dẫn tới việc ông David Cameron phải tiến hành trưng cầu dân ý, một quyết định đã phản tác dụng một cách khó ngờ. Khi đảng Bảo thủ đã chia rẽ về vấn đề liệu có nên ở lại hay rời khỏi EU, nhiều khả năng họ cũng sẽ chia rẽ về các vấn đề then chốt khác, như thương mại hay người nhập cư.

Theo giới quan sát, bà Theresa May là người duy nhất có khả năng tập hợp được phe phái xung khắc trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Mặc dù sát cánh cùng Thủ tướng Cameron vận động cho phe ở lại EU, nhưng sự hoài nghi châu Âu cùng với bản tính điềm tĩnh và kinh nghiệm chính trường của Theresa May đã giúp bà gây được cảm tình ở cả phe ủng hộ lẫn phản đối Brexit.

Bà Theresa May còn được ví là "Angela Merkel của nước Anh". Ảnh: Independent

CNN đánh giá Theresa May là một người cực kỳ cuồng công việc, giống như bà đầm thép Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh từ năm 1979 đến 1990. Mặc dù vậy, trên cương vị Thủ tướng Anh, bà Theresa May chắc chắn sẽ phải đối mặt với khó khăn và thách thức chất chồng khi điều hành một đất nước vừa từ bỏ tư cách thành viên EU.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/theresa-may-ba-dam-thep-thu-hai-cua-nuoc-anh/