Thép Việt lại bị điều tra chống bán phá giá

Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ từ Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, hàng hóa bị điều tra là thép cán dẹt không hợp kim, được phủ hoặc mạ nhôm hoặc kẽm. Sản phẩm này còn có tên gọi khác là thép mạ hoặc tôn mạ.

Malaysia tiếp tục điều tra đối với các sản phẩm thép xuất xứ Việt Nam. Ảnh minh họa.

Malaysia tiếp tục điều tra đối với các sản phẩm thép xuất xứ Việt Nam. Ảnh minh họa.

Thời kỳ điều tra bắt từ 1/8/2016 - 31/7/2019. Đây là thời kỳ MITI thu thập số liệu để tính toán biên độ phá giá của Việt Nam, thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước của Malaysia và mối quan hệ nhân quả.

Biên độ bán phá giá cáo buộc đối với Việt Nam ở mức 39,27%.

Cụ thể hàng hóa bị điều tra là thép cán dẹt không hợp kim, được phủ hoặc mạ nhôm hoặc kẽm, còn có tên gọi khác là thép mạ hoặc tôn mạ.

Trong đó, từ 1/4/2017, các sản phẩm có mã HS là 7210.61.11, 7210.61.12, 7210.61.19, 7210.61.91, 7210.61.92, 7210.61.99, 7212.50.23, 7212.50.24, 7212.50.29.

Còn trước 1/4/2017 là các mã HS 7210.61.31, 7210.61.39, 7210.61.90, 7210.61.11, 7210.61.12, 7210.61.19, 7210.61.91, 7210.61.92, 7210.61.99, 7212.50.21, 7212.50.22.

Các doanh nghiệp Việt Nam được nêu trong hồ sơ yêu cầu gồm Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á, Tân Phương Khanh, Tôn Phương Nam, Maruichi Sun Steel.

Để tiến hành thủ tục, MITI sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu được biết tới (known producers/exporters). Các doanh nghiệp chưa nhận được phải liên lạc để đề nghị cung cấp bản câu hỏi trong trước ngày 3/4/2020 và nộp bản trả lời câu hỏi trước 5 giờ chiều ngày 17/4/2020 (theo giờ Malaysia).

Nhằm ứng phó với vụ kiện, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan cần liên lạc với MITI để đăng ký tham gia và nhận bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định; nghiên cứu kỹ lưỡng Hồ sơ yêu cầu (bản công khai); đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định.

Bên cạnh đó, cần hợp tác toàn diện với MITI trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong bản trả lời câu hỏi; thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu, các ngành sản xuất hạ nguồn của Malaysia sử dụng hàng hóa bị điều tra làm nguyên liệu sản xuất để nâng cao tiếng nói với Chính phủ Malaysia.

Ngoài ra Bộ Công Thương lưu ý bất kì hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Malaysia sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do nguyên đơn đề xuất.

Bởi việc bị áp dụng thuế chống bán phá giá cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Malaysia và/hoặc các đối thủ từ Trung Quốc và/hoặc Hàn Quốc.

Cuối cùng, cần liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.

Đỗ Huyền

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thep-viet-lai-bi-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-169097.html