Thép Hòa Phát tiết lộ bí quyết lợi nhuận tăng vọt lên 8100 tỷ đồng

Trước sức ép cạnh tranh với thép Trung Quốc, HPG cũng chủ động giảm giá bán để tăng thị phần.

Tại buổi gặp gỡ các chuyên viên phân tích đến từ các công ty Chứng khoán vào chiều 04/12, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã công bố doanh thu 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8,1 nghìn tỷ đồng.

HPG đặt kế hoạch doanh thu thuần cả năm là 55 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8,05 nghìn tỷ đồng. Như vậy, công ty đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cả năm nhờ nhu cầu tốt của thị trường và công suất mới của nhà máy tăng.

Trong 11 tháng đầu năm nay, sản lượng thép xây dựng tiêu thụ của HPG đạt 2.164.146 tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ, sản lượng ống thép tiêu thụ đạt 601.600 tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Sản lượng tiêu thụ trong tháng 10 và tháng 11 tăng nhờ bổ sung công suất nhà máy cán mới tại Dung Quất vào đầu quý 3. Công ty đặt mục tiêu sản lượng thép xây dựng tiêu thụ đạt khoảng 200.000 tấn và sản lượng ống thép tiêu thụ đạt 60.000 tấn trong tháng 12.

Theo đó, sản lượng tiêu thụ cả năm thép xây dựng ước đạt 2.364.146 tấn, tăng 8,5% so với năm 2017; sản lượng tiêu thụ ống thép ước đạt 661.600 tấn, tăng 12% so với năm 2017.

Giá bán thép xây dựng của HPG giảm xuống 12,8 triệu đồng/tấn trong thời gian gần đây, giảm 5,9% từ đỉnh điểm 13,5 triệu đồng/tấn trong tháng 6/2018. Tuy nhiên mức giá này vẫn tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Theo chia sẻ của tập đoàn, giá bán giảm do chi phí nguyên liệu đầu vào giảm mạnh. Hơn nữa, trước sức ép cạnh tranh với thép Trung Quốc, HPG cũng chủ động giảm giá bán để tăng thị phần.

Đây là chủ trương của công ty nhằm đẩy mạnh tiêu thụ của thị trường đối với 2 triệu tấn công suất bổ sung từ nhà máy Dung Quất sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm sau.

Nửa cuối tháng 11, HPG đã công bố tăng vốn điều lệ của Khu liên hợp thép Dung Quất lên 15 nghìn tỷ đồng từ 10 nghìn tỷ đồng. Theo đó, HPG sẽ nắm giữ 98,67% cổ phần của Khu liên hợp thép này so với 95% trước đây.

Tổng vốn giải ngân tính cho dự án Dung Quất đến cuối tháng 9/2018 khoảng 24 nghìn tỷ đồng . Trong đó vốn tự có khoảng 13 nghìn tỷ đồng và 11 tỷ đồng là vốn vay.

Ban đầu, công ty sẽ tập trung cán thép thành phẩm từ việc mua phôi ở bên ngoài về để đáp ứng công suất cán mới tăng thêm tại Dung Quất để sản xuất thành phẩm thép xây dựng trước khi đưa toàn bộ Giai đoạn 1 đi vào hoạt động vào đầu quý 2 2019.

Khu liên hợp Dung Quất sẽ được hưởng ưu đãi thuế 0% trong 4 năm đầu kể từ năm 2019, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo, tương đương mức thuế suất là 5%, còn 2 năm cuối của thời gian ưu đãi thuế sẽ được hưởng thuế suất 10%.

Đối với nhà máy tại Hải Dương, sau khi nâng cấp lò cao số 2, công suất của 3 lò cao tại nhà máy Hải Dương hiện tăng thêm 12,4% lên 1.910.000 tấn/năm.

Hiện tại, công ty đang hoàn thiện cơ sở mạ kẽm và đã bắt đầu chạy thử. HPG dự định sẽ giới thiệu sản phẩm tôn mạ đầu tiên ra các kênh phân phối thương mại vào tháng 12 năm nay.

Hiền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hoa-phat-tiet-lo-bi-quyet-loi-nhuan-tang-vot-len-8100-ty-dong-post284102.info