'Thép đã tôi thế đấy' và đoạn văn sâu sắc 'Đời người chỉ sống có một lần...'

Có thể xem 'Thép đã tôi thế đấy' là chiến công phi thường của Nikolai Ostrovsky. Cuốn sách sau này trở thành tác phẩm 'gối đầu giường' của nhiều thế hệ thanh niên.

Nhà văn Nikolai Ostrovsky (1904 - 1936) được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở Ukraine. Thuở nhỏ, Ostrovsky là cậu bé ham hiểu biết. Sau Cách mạng Tháng Mười, Ostrovsky được đi học lại. Tháng 8-1919, anh tự nguyện gia nhập Hồng quân, tham gia chiến đấu trong đội kỵ binh Kotovsky. Khi Bạch vệ Ba Lan tấn công Shepetovka, Ostrovsky ra trận. Bị thương nặng trong một trận chiến đấu, anh được chuyển đến quân y viện và phải giải ngũ vào tháng 10-1920.

Những năm tháng gian nan vất vả đã hủy hoại sức khỏe của anh. Đến năm 1928, Ostrovsky không thể đi lại và hầu như nằm liệt giường. Mắt anh cũng bắt đầu sưng và không thể nhìn được nữa. Người chiến sĩ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực nhưng không chịu nằm đợi chết, không chịu xa rời đội ngũ. Anh đã đấu tranh với đau đớn, với bệnh tật bằng nghị lực phi thường và ý chí bất khuất. Chính tinh thần lạc quan và sức mạnh ý chí đã giúp anh vượt qua những đau đớn về thể xác để sống và sáng tác.

Tháng 4/930, anh bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" trên giường bệnh, khi bệnh viêm đa khớp, mù lòa và bại liệt đang hành hạ anh từng giờ, từng phút. Năm 1932, anh viết: "Thể xác suy nhược gần hết chỉ còn có nghị lực không bao giờ tắt của tuổi trẻ và niềm mong ước thiết tha được làm gì đó có ích cho Đảng mình, cho giai cấp mình".

"Cái quý nhất của con người là đời sống. Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời".

Ðó là đoạn văn miêu tả tâm trạng của Pavel trong nghĩa địa quê hương, nơi những bạn bè bị quân thù treo cổ, khi anh vừa thoát khỏi cái chết do bệnh thương hàn ở công trường Bayarka.

"Thép đã tôi thế đấy" không chỉ là khúc tráng ca về thế hệ đầu tiên của thanh niên Xô-viết, những con người đã được tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh như Pavel, Sergey, Valia, Rita, Pankratov, Okuniev... mà là những vấn đề của hôm nay và của tương lai.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/thep-da-toi-the-day-va-doan-van-sau-sac-doi-nguoi-chi-song-co-mot-lan-33368/