Sửa đổi nghị định 153/2020/NĐ-CP: Tăng 'chất' cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn được dự báo tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư trong năm 2022. Thị trường này có thể kém sôi động hơn, nhưng sẽ tăng chất lượng và tính minh bạch khi phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng và sự hoàn thiện khung pháp lý đối với việc phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Có nhiều yếu tố thuận lợi trong năm 2022

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm 2021 vẫn tiếp tục cho thấy sự sôi động, thậm chí là không hề giảm “sức nóng” so với 2020. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tổng giá trị phát hành TPDN trong năm 2021 đạt mức cao nhất trong lịch sử, trên 650 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với lượng phát hành trong năm 2020.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường TPDN năm 2022 vẫn có rất nhiều dư địa để tăng trưởng, nhưng chắc chắn sẽ có sự thanh lọc theo chiều hướng gia tăng chất lượng các nhà phát hành.

Thị trường sẽ tăng minh bạch
khi hệ thống giao dịch thứ cấp vận hành

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/7/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ hoạt động và giao dịch thống nhất trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong năm 2022. Mục đích chính là xây dựng thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Theo quy định, trái phiếu doanh nghiệp muốn giao dịch trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ phải tuân thủ theo những tiêu chí khắt khe hơn như vậy đảm bảo cung cấp những sản phẩm chất lượng đến nhà đầu tư. Chính vì vậy, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho rằng, việc được giao dịch trên thị trường tập trung sẽ làm tăng tính thanh khoản của sản phẩm và qua đó làm thay đổi định giá trái phiếu, giảm lợi suất phát hành sơ cấp.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Hoàng Thị Minh Huyền – Chuyên gia Phân tích vĩ mô của BVSC cho rằng, trong năm 2022, thị trường TPDN vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi để hỗ trợ phát triển. Cụ thể là: Nền kinh tế mở cửa trở lại trong năm 2022 sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu đầu tư mở rộng của doanh nghiệp, qua đó kéo theo nhu cầu vốn tăng mạnh. Lượng đáo hạn TPDN ước tính trong năm 2022 là trên 200 nghìn tỷ đồng, cao hơn 30% so với lượng đáo hạn của năm 2021, và cũng là mức đáo hạn cao nhất từ trước tới nay; mặt bằng lãi suất trong năm 2022 vẫn ở mức thấp sẽ tiếp tục giúp cho thị trường TPDN hấp dẫn đối với nhà đầu tư, với mức lợi suất cao hơn.

Nhận định về năm 2022, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng cho rằng, thị trường TPDN được dự báo sẽ tiếp tục có những bước phát triển với sự mở rộng cả về quy mô lẫn tính đa dạng của sản phẩm. “Tiềm năng tăng trưởng hiện hữu trong dài hạn xét tới sự tăng trưởng của nền kinh tế đi kèm với nhu cầu mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng vốn. Đồng thời, yếu tố thuận lợi đối với thị trường TPDN năm 2022 là mặt bằng lãi suất duy trì thấp” – các chuyên gia của VCBS cho hay.

Đảm bảo sự phát triển bền vững

Nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu ở mức cao

Công ty Chứng khoán Bảo Việt kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và cân bằng hơn trong kỷ nguyên mới, thực hiện tốt vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế và hoàn thành các mục tiêu chiến lược, chỉ tiêu phát triển đối với thị trường vốn giai đoạn 2021 - 2030. Sự tiếp nối của các văn bản pháp lý mới sẽ góp phần tạo nền móng cho sự phát triển của thị trường. Điều này đồng nghĩa năm 2022 thị trường sẽ dần tiến tới giai đoạn tăng trưởng với tốc độ ổn định. Về phía cầu, nhu cầu đầu tư trái phiếu vẫn luôn hiện hữu ở mức cao khi tỷ suất sinh lời đối với kênh đầu tư này so với các kênh khác vẫn khá hấp dẫn.

Theo các chuyên gia của VCBS, trong các năm qua, cơ quan quản lý, giám sát chú trọng công tác phát triển các văn bản chính sách, việc giám sát chặt quá trình thực thi cũng là điểm cộng đối với sự phát triển bền vững của thị trường TPDN. Cụ thể, các tháng cuối năm 2021 cũng đã ghi nhận liên tục các hoạt động kiểm tra giám sát tuân thủ đối với Nghị định 153/2020/NĐ-CP, điển hình là quy định liên quan đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Các chuyên gia của VCBS kỳ vọng tính minh bạch thông tin của thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện đi kèm với sự tuân thủ hành lang pháp lý nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Đồng ý với nhận định, thị trường TPDN năm 2022 có thể kém sôi động hơn, nhưng sẽ tăng chất lượng và tính minh bạch, bà Hoàng Thị Minh Huyền cho rằng, thị trường cũng sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng và sự hoàn thiện khung pháp lý đối với việc phát hành và giao dịch. Tuy nhiên, “đây sẽ là những yếu tố giúp thị trường TPDN phát triển lành mạnh hơn, nhưng điều này cũng phần nào làm chậm tốc độ phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp trong năm 2022” – chuyên gia của BVSC nói.

Từ giữa tháng 1/2022, Thông tư 16/2021/TT-NHNN chính thức có hiệu lực, quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, từ đầu tháng 12/2021, Bộ Tài chính cũng đã có công văn lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153. “Chúng tôi đánh giá những quy định mới này sẽ tác động lên thị trường TPDN trong năm 2022. Đặc biệt ở giai đoạn đầu khi các văn bản này mới có hiệu lực bởi lẽ các doanh nghiệp cần có thời gian để thích ứng với các quy định mới. Diễn biến này cũng đã từng xảy ra, như thời điểm tháng 9/2020, khi Nghị định 81/2020 có hiệu lực, lượng phát hành TPDN đã giảm mạnh trong các tháng sau đó. Hay vào đầu năm 2021, khi sự thay đổi của nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực, lượng phát hành TPDN các tháng ngay sau đó cũng đã có sự giảm sút. Tuy nhiên, thị trường TPDN đã lấy lại được nhịp độ trong thời gian sau đó, khi các doanh nghiệp đã thích nghi với các quy định mới” – Bà Hoàng Thị Minh Huyền phân tích.

Nghị định mới sẽ tăng trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà phát hành

Theo bà Hoàng Thị Minh Huyền - Chuyên gia Phân tích vĩ mô, BVSC, với nhiều điểm mới được sửa đổi và bổ sung, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153 cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dự thảo này tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng lượng vốn thu về cũng như trong việc công bố thông tin về kết quả đợt chào bán tới nhà đầu tư và sở giao dịch chứng khoán. Đồng thời, dự thảo cũng sửa đổi và bổ sung các quy định về xếp hạng tín nhiệm của một số loại trái phiếu doanh nghiệp. Những thay đổi này có thể sẽ làm giảm lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sẽ giúp tăng tính công khai, minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như giúp tăng chất lượng trái phiếu phát hành trên thị trường.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung nội dung về việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong năm 2022. Sự bổ sung này một phần giúp hoàn thiện và chuẩn hóa việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thu hút dòng vốn gián tiếp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-doi-nghi-dinh-1532020nd-cp-tang-chat-cho-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-100794.html