Theo dòng lịch sử: Ga Đà Lạt, nhà ga nắm giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam

Cách trung tâm thành phố ngàn hoa khoảng 2 km về phía Đông, ga Đà Lạt được coi là nhà ga cổ và đẹp nhất còn sót lại hiện nay ở Việt Nam. Không chỉ có kiến trúc độc đáo, nhà ga còn sở hữu đường ray và đầu máy răng cưa độc nhất vô nhị.

 Ga Đà Lạt tọa lạc ở số 01 Quang Trung, phường 10, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng

Ga Đà Lạt tọa lạc ở số 01 Quang Trung, phường 10, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng

Nhà ga cổ nhất Việt Nam

Cùng với ga Hải Phòng, ga Đà Lạt được xem là nhà ga cổ kính nhất còn lại ở Việt Nam.

Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế. Người thi công công trình là thầu khoán Võ Đình Dung, với kinh phí xây dựng là 200.000 francs.

Ga Đà Lạt năm 1939

Ga Đà Lạt nằm trong tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, kết nối thành phố cao nguyên với Phan Rang (Ninh Thuận).

Tuyến đường sắt này dài 84km, được khởi công từ năm 1908 theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Năm 1932, tuyến đường hoàn thành cũng là thời điểm xây dựng ga Đà Lạt. Toàn tuyến có 12 nhà ga. Có 3 chuyến đi Đà Lạt được lăn bánh hàng ngày, đó là: Tháp Chàm - Đà Lạt - Nha Trang, Tháp Chàm - Đà Lạt, Sài Gòn - Tháp Chàm - Đà Lạt.

Năm 1972, tuyến đường sắt này bị chiến tranh phá hủy. Năm 1975, đất nước thống nhất, tuyến này được khôi phục nhưng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn do hiệu quả kinh tế kém.

Hiện nay, nhà ga Đà Lạt đã bị tách khỏi hệ thống đường sắt quốc gia Việt Nam. Nhà ga chỉ duy trì một đoàn tàu gồm 1 đầu máy và 4 toa đi về tới ga Trại Mát nằm ở phía đông, cách Đà Lạt 7km, phục vụ mục đích du lịch.

Bên cạnh đó, ga Đà Lạt bán vé liên vận trên tuyến đường sắt Thống Nhất, đi từ ga Nha Trang (Khánh Hòa) và phục vụ xe ô tô trung chuyển Đà Lạt – Nha Trang.

Ga Đà Lạt được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001.

Nơi duy nhất có đầu máy hơi nước và đường sắt răng cưa

Một đầu máy cũ được trưng bày tại ga Đà Lạt

Ga Đà Lạt sở hữu hệ thống đường ray xe lửa thông qua 5 hầm với độ dốc lên đến 12%. Chính vì vậy, phải sử dụng đường ray và đầu máy răng cưa dài 16 km. Khi ấy, đường sắt và đầu máy có bánh xe răng cưa chỉ có ở Thụy Sĩ và Việt Nam.

Hệ thống xe lửa loại này có thêm một đường ray ở chính giữa, đó là răng móc như lưỡi cưa, ăn khớp với bánh xe của đầu tàu kéo cũng có răng được chế tạo đặc biệt mà không có ở các đầu tàu xe lửa loại thường, dùng để kéo đoàn tàu lên dốc và giữ cho không bị tuột nhanh khi xuống dốc.

Khi tuyến đường sắt ngừng hoạt động năm 1972, đường sắt răng cưa Đà Lạt đã bị gỡ bỏ trong sự tiếc nuối của bao nhiêu người.

Sau đó ngành đường sắt Thụy Sĩ đã ngay lập tức ngỏ ý thu mua lại tất cả các đầu máy chạy tuyến đường sắt răng cưa còn lại ở Việt Nam. Năm 1990, đề xuất của họ đã được chấp thuận và các đầu máy hơi nước đã được “hồi hương” về Thụy Sĩ.

Nhà ga có kiến trúc đẹp nhất

Nhà ga Đà Lạt là một công trình kiến trúc vừa duyên dáng vừa độc đáo, kết hợp lối kiến trúc phương tây với kiểu kiến trúc nhà rông Tây Nguyên.

Nhà ga có hình dáng như núi Lang Biang hùng vĩ, có chiều dài 66,5 m, chiều ngang 11,4 m và chiều cao 11 m. Nhìn từ mặt trước, nhà ga có ba chóp nhọn hình tam giác tượng trưng cho ba đỉnh núi Lang Biang. Ở mái chóp giữa có trang trí thêm một chiếc đồng hồ ghi lại thời gian mà bác sĩ Yersin đã phát hiện ra thành phố Đà Lạt. Bên dưới có thiết kế các ô cửa kính đầy màu sắc và những đường lượn cong mềm mại của mái hiên.

Không gian bên trong tràn ngập ánh sáng tự nhiên với những ô cửa kính màu rực rỡ

Công trình kiến trúc cổ nổi bật với sắc vàng rực rỡ, được xây dựng bên cạnh trường Trung học Yersin Đà Lạt, tạo nên khung cảnh hài hòa giữa thiên nhiên thơ mộng.

Hiếm có nhà ga nào trên mảnh đất Việt Nam này đặc biệt đến như thế. Không chỉ cổ, ga Đà Lạt được đánh giá là nhà ga đẹp nhất, độc đáo nhất, nơi duy nhất có đầu tàu chạy bằng hơi nước, ga cao nhất Việt Nam với độ cao 1500 m so với mặt biển.

Điểm du lịch hấp dẫn giới trẻ

Ga Đà Lạt hiện nay thu hút rất nhiều bạn trẻ đến tham quan. Đầu máy hơi nước và đoạn đường ray răng cưa còn sót lại tại nhà ga năm xưa trở thành “background” sống ảo cực kỳ nổi tiếng tại thành phố sương mù.

Ga Đà Lạt trở thành nơi chụp ảnh ''sống ảo' của giới trẻ

Gian chính của ga Đà Lạt hiện nay còn trưng bày nhiều sản phẩm đồ cổ quý hiếm. Những toa tàu, khoang tàu hay đường ray vẫn còn vẹn nguyên nét hoài cổ nhuốm màu thời gian. Một toa tàu cũ còn được tận dụng làm quán cafe rất độc đáo.

Bên cạnh việc đến thưởng thức vẻ đẹp cổ xưa độc đáo của nhà ga cổ, du khách còn được trải nghiệm hành trình khám phá vẻ đẹp Đà Lạt bằng tàu lửa. Mỗi ngày đều có 5 chuyến khởi hành từ ga trung tâm đi Trại Mát với giá vé 100k/chiều và 150k/khứ hồi.

Tàu sẽ di chuyển chậm để mọi người thỏa thích ngắm cảnh chụp hình, trung bình mỗi lượt mất tầm 25 phút. Đến Trại Mát, du khách có thể tham quan chùa Linh Phước (chùa Ve Chai) và vườn hoa cẩm tú cầu nổi tiếng.

Đặc biệt, nếu đi vào khoảng đầu tháng 11, các bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những hàng hoa dã quỳ vàng rực cả hai bên đường rất đẹp. Một số địa điểm du lịch gần đó có thể kết hợp tham quan là quảng trường Lâm Viên, Hồ Xuân Hương, trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt…

Nhà ga là chứng tích lịch sử được lưu giữ cho đến nay, được khách du lịch trong và ngoài nước bình chọn là địa điểm du lịch Đà Lạt không thể bỏ qua.

Hoài Thương

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/theo-dong-lich-su-ga-da-lat-nha-ga-nam-giu-nhieu-ky-luc-nhat-viet-nam-20180504224250062.htm