Theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đánh giá tác động quy định pháp luật đối với đời sống kinh tế, xã hội

ĐTO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32 ngày 5/3/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59 ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Theo đó, cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật được huy động để tham gia hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin; điều tra, khảo sát; tham gia ý kiến về xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cá nhân được huy động tham gia làm cộng tác viên phải am hiểu lĩnh vực cần theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Các tổ chức được huy động tham gia làm cộng tác viên phải có lĩnh vực hoạt động phù hợp với lĩnh vực cần theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo chế độ hợp đồng theo từng vụ việc cụ thể, trừ trường hợp cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có trách nhiệm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; đồng thời đánh giá tác động tích cực, tác động tiêu cực của việc thi hành các quy định của pháp luật đối với đời sống kinh tế, xã hội.

Căn cứ vào Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng được kiểm tra báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra; giải trình những vấn đề thuộc nội dung kiểm tra theo yêu cầu của đoàn kiểm tra liên ngành.

Chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành phải có văn bản thông báo kết luận kiểm tra gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Kết luận kiểm tra phải có các nội dung cơ bản như: nhận xét, đánh giá về những kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại hạn chế; kiến nghị thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; kiến nghị việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với sai phạm (nếu có) của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thi hành pháp luật.

Theo yêu cầu cụ thể của từng hoạt động, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp đề nghị các cơ quan, tổ chức phối hợp thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo các nội dung như: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua hoạt động công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cung cấp thông tin, kiến nghị của nhân dân thông qua hoạt động giám sát tình hình thi hành pháp luật; các cơ quan thông tin đại chúng cung cấp ý kiến phản ánh của dư luận xã hội về tình hình thi hành pháp luật...

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020 và bãi bỏ khoản 2 Điều 15, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 59 ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Nhật Anh

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/phap-luat/theo-doi-tinh-hinh-thi-hanh-phap-luat-danh-gia-tac-dong-quy-dinh-phap-luat-doi-voi-doi-song-kinh-te-89800.aspx