Theo dõi người khác: Ranh giới phạm pháp mong manh

Hiện chỉ có một công ty thám tư tư duy nhất, do một cựu sĩ quan Công an làm giám đốc được cấp phép. Vấn đề đặt ra là, đi theo dõi người khác có vi phạm pháp luật hay không? Thật ra, ranh giới rất mong manh.

Theo dõi người khác: Ranh giới vi phạm pháp luật rất mogn manh

Loạt bài về hoạt động của các thám tử tư trên Báo điện tử Gia đình Việt Nam thu hút sự quan tâm, chia sẻ, tranh luận nhiều chiều.
Đây là một hoạt động mà pháp luật cấm kinh doanh. Với các cá nhân, việc theo dõi người khác cũng rất dễ dẫn tới vi phạm pháp luật.

Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, quý độc giả có thể gửi về hộp thư điện tử: noidung@giadinhonline.vn

Trong thực tế cuộc sống hiện nay, việc bố mẹ muốn theo dõi để biết sau khi ra khỏi nhà, con mình đi đâu, quan hệ với ai là một nhu cầu thiết thực. Nhiều gia đình thấy con có dấu hiệu bất thường bèn nhờ anh xe ôm đầu ngõ theo dõi giúp. Tương tự như vậy thì vợ /chồng theo dõi người bạn đời của mình khi nghi ngờ có dấu hiệu ngoại tình ; một người muốn biết nhân thân của người chuẩn bị kết hôn; một công ty có dấu hiệu bị lộ bí mật kinh doanh, đối tượng nghi vấn tiếp tay cho đối thủ cạnh tranh cần được theo dõi, để tìm bằng chứng… tất cả các như cầu đó khiến họ tìm đến dịch vụ “thám tử tư”.

Có nhu cầu theo dõi người khác thì có dịch vụ đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, có rất nhiều Công ty Thám tử được quảng cáo trên mạng, với dịch vụ đa dạng, phong phú, với các mức chi phí khác nhau. Tuy thị trường sôi động như vậy nhưng hầu hết các Công ty thám tử này không được cấp giấy phép về hoạt động điều tra.

Theo Luật Đầu tư, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP và Nghị định số 52/2008/NĐ-CP được Chính phủ ban hành có quy định các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thuộc mọi thành phần kinh tế không được tiến hành điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức, trực tiếp hoặc thông qua người khác xâm hại quyền tự do cá nhân của tổ chức, cá nhân…

Do đó, hiện chỉ có một công ty thám tư tư duy nhất, do một cựu sĩ quan Công an làm giám đốc được cấp phép. Vấn đề đặt ra là, đi theo dõi người khác có vi phạm pháp luật hay không? Thật ra, ranh giới rất mong manh.

Trước hết, phải khẳng định, việc anh xe ôm đầu ngõ, việc một người giúp bạn theo dõi chồng, hay anh “thám tử tư”… bí mật đi theo người khác là hoạt động mà pháp luật không cấm. Việc đi theo người khác như thế cũng không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng bị theo dõi.

Vấn đề ở chỗ, giới hạn của việc “theo dõi” tới đâu và sử dụng các bằng chứng thu thập được như thế nào? Đây chính là ranh giới giữa vi phạm pháp luật hay không.

Nếu đi theo dõi giúp bạn và chụp được hình đối tượng đi cùng với “bồ” vào nhà nghỉ thì không vi phạm pháp luật, nhưng nếu sử dụng những hình đó để đưa lên mạng, lên báo chí thì lại là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, theo Điều 31 Bộ luật Dân sự.

Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý... Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Nếu đó lại là những hình ảnh khỏa thân thì có thể bị xem xét về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 253 Bộ luật hình sự. Một lưu ý khác là các hoạt động thám tử đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng rất dễ vi phạm Điều 38 Bộ luật dân sự về quyền bí mật đời tư.

Điều luật khẳng định, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý… Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Do đó, nếu không chỉ dừng lại ở việc bám theo đối tượng trên đường phố mà dùng kỹ thuật hay mua chuộc nhân viên bưu chính để sao chép thư tín, tin nhắn của người bị theo dõi thì có dấu hiệu của tội Điều 125 Bộ luật hình sự quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

Trong đó quy định, người nào chiếm đoạt thư, điện báo… hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần… thì có thể phạt tù đến 2 năm.

Hiện nay, hoạt động thám tử tư dường như bị bỏ ngỏ, pháp luật chưa có quy định rõ ràng nên hoạt động tự phát, thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ. Đó là điều đáng lo ngại nhìn từ nhiều góc độ.

Vũ Thư

Nguồn Gia Đình VN: http://giadinhonline.vn/theo-doi-nguoi-khac-ranh-gioi-pham-phap-mong-manh-d18980.html