Theo dấu người tiền sử

Ba di cốt người tiền sử vừa được phát hiện trong các hang động núi lửa ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã mở ra một trang mới cho ngành khảo cổ và nhân chủng học Việt Nam

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam vừa công bố kết quả khai quật sơ bộ trong hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Lần đầu tại Việt Nam, di cốt của người tiền sử và các dấu tích văn hóa liên quan đến cuộc sống, lao động của họ được phát hiện.

Độc đáo, nguyên sơ

Hệ thống hang động núi lửa ở huyện Krông Nô - với tổng chiều dài hơn 25 km - vô cùng độc đáo, quyến rũ. Trước khi các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu, khảo sát, khai quật…, hệ thống hang động này vẫn nguyên sơ, chưa bị con người tác động.

Trong đó, hang C7 có đường kính ngoài cửa khoảng 20 m, xung quanh là vách đá dựng đứng cao khoảng 10 m. Nằm sâu trong hang là những tảng đá muôn hình muôn vẻ, xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên; phía trên là hàng vạn hình thù sinh động do thạch nhũ tạo thành. Theo các nhà khoa học, hang C7 dài gần 1,1 km, có cấu trúc độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun trào.

Trong khi đó, hang C3 - dài gần 600 m - được đánh giá là một trong những hang đẹp và an toàn của hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Hang này có sự phân nhánh kép ở phần trung tâm. Trần hang cao, không khí bên trong được lưu thông nên vào đây luôn có cảm giác thông thoáng, mát mẻ. Sự phân nhánh ở khu vực giữa hang tạo nên những đường vòng quanh co, có thể do ảnh hưởng của địa hình thung lũng cổ...

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - ngụ xã Nam Xuân, huyện Krông Nô - khoảng những năm 1970, các hang này là nơi trú ngụ của hàng triệu con dơi nên người dân địa phương thường gọi là hang Dơi. Quần thể hang động núi lửa Krông Nô đã xuất hiện từ rất lâu và có nhiều truyền thuyết được lưu truyền đến nay.

Ông Tùng cho biết không ít người tin rằng hang Dơi là một công trình thiên tạo, rằng trước khi con người xuất hiện, đây chính là nơi trú ngụ của những vị thần. Một câu chuyện khác kể rằng thuở xa xưa, vào thời loạn lạc, hơn trăm người cùng làng từ một nơi xa xôi đã kéo nhau vào hang này lánh nạn…

"Có nhiều sự tích nhưng xuyên suốt các câu chuyện đó, người ta nhắc nhở con cháu không được tàn phá hang động, chặt hạ cây rừng xung quanh, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt" - ông Tùng quả quyết.

Tưởng chừng đó chỉ là những câu chuyện truyền miệng nhưng trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Hồng An - Phó Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất núi lửa Đắk Nông, người từng có hàng chục chuyến khảo sát cùng các nhà khoa học - tiết lộ: "Qua nhiều lần vào hang động, không chỉ tôi mà nhiều nhà khoa học cũng cho rằng ở đó rất linh thiêng. Khi đặt chân vào đó, có nhiều điều xảy ra khó mà giải thích được".

Cửa vào một hang động trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Ảnh: CAO NGUYÊN

Cửa vào một hang động trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Ảnh: CAO NGUYÊN

Trở nên đặc biệt hơn

Theo TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, năm 2007, khi thực hiện đề tài "Điều tra nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jút" do UNECSO tài trợ, ông được một hướng dẫn viên du lịch dẫn tới một cái hang.

"Tận mắt nhìn thấy hang với các khối đá bazan rải rác và các tài liệu địa chất ghi nhận có miệng núi lửa ở vùng đất này, tôi biết chắc rằng đây là hang động núi lửa, được hình thành trong quá trình núi lửa phun trào" - ông Phúc nhớ lại.

Thông tin về phát hiện này đã được các tổ chức, nhà khoa học nước ngoài quan tâm. Một số tạp chí nước ngoài còn đặt TS Phúc viết bài báo khoa học để công bố. "TS Hiroshi Tachihara, Chủ tịch Danh dự Hội Hang động núi lửa Nhật Bản và TS Tsutomu Honda, chủ tịch hội, đã đặt vấn đề hợp tác với Bảo tàng Địa chất để nghiên cứu hang động núi lửa ở khu vực này" - TS Phúc cho biết.

Kết quả nghiên cứu của đoàn khảo sát liên hợp Việt - Nhật đã xác định đây là một trong 45 hang lớn, nhỏ của hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Một số kỷ lục Đông Nam Á cũng được xác lập như: độ dài hang động núi lửa, tính độc đáo của hang, các đặc trưng về cấu tạo hang, dòng dung nham, hóa thạch trong hang và một số vấn đề liên quan đến quá trình hoạt động phun trào bazan. Hang bắt đầu từ miệng núi lửa ở buôn Choar, chạy dọc theo sông Sêrêpôk đến khu vực thác Dray Sáp. Đây cũng là thời điểm đánh dấu lần đầu tại Việt Nam phát hiện có hang động núi lửa.

Đến năm 2017, dựa trên cơ sở những dấu hiệu rất khả quan về tiềm năng di chỉ khảo cổ của khu vực nghiên cứu, Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã giao TS La Thế Phúc chủ trì thực hiện đề tài đột xuất cấp cơ sở "Điều tra tìm kiếm di chỉ khảo cổ trong Công viên địa chất núi lửa Krông Nô" (kéo dài từ tháng 1 đến tháng 12-2017) với sự hợp tác của ThS Vũ Tiến Đức - Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, cộng tác viên của bảo tàng.

"Từ đây, hàng loạt địa điểm chứa di tích khảo cổ tiền sử đã được khảo sát và phát hiện với các hiện vật như rìu đá, bàn dập, cối đá, mảnh gốm, hòn mài, vòng đồng, phác vật... Đặc biệt, lần đầu tiên, di chỉ khảo cổ tiền sử đã được phát hiện trong các hang động núi lửa thuộc khu rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sáp. Từ đây, hang động Krông Nô đã trở nên đặc biệt hơn những hang động núi lửa khác trên thế giới bởi nó là nơi cư trú của người tiền sử" - TS Phúc hào hứng.

Điểm nhấn của công viên địa chất núi lửa

Tỉnh Đắk Nông đang triển khai xây dựng Công viên địa chất núi lửa Đắk Nông dự kiến trên diện tích khoảng 4.000 km2, trải dài trên 6 huyện, thị xã.

Ngoài các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh vốn có, điểm nhấn của Công viên địa chất núi lửa Đắk Nông là hệ thống hang động vừa tìm thấy di cốt người tiền sử sống cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm.

Kỳ tới: Hé mở bí ẩn ngàn năm

Yến Anh - Cao Nguyên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/theo-dau-nguoi-tien-su-20181001202044357.htm