Theo dấu chân Bác

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), chúng tôi đã thực hiện chuyến đi theo hành trình của Bác Hồ trên vùng đất cách mạng Cao Bằng năm xưa. Từ hang Cốc Bó tới xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình sang tới huyện Thạch An, nơi nào cũng để lại dấu chân Bác với những câu chuyện về nhân cách sáng ngời, tư tưởng còn nguyên giá trị thời đại của Người.

Bài 1: Về nơi khởi nguồn cách mạng

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Khu di tích Pác Bó, ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng - nơi Bác Hồ hoạt động cách mạng từ năm 1941-1945. Cảnh quan vẫn nguyên vẹn như xưa. Núi Các Mác soi mình bên dòng suối Lênin trong xanh, hiền hòa. Hang Cốc Bó vẫn còn nguyên bút tích của Người khắc trên vách đá.

Khu di tích Pác Bó là nơi Bác Hồ có thời gian làm việc lâu nhất tại Cao Bằng. Ảnh: Tuấn Hùng

Câu chuyện bên hang đá

Sau 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28-1-1941 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán), Bác Hồ đặt chân về nước qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung. Trong những ngày đầu tiên, Bác ở tại nhà ông Lý Quốc Súng. Sau đó, Người chuyển vào sống và làm việc tại hang Cốc Bó. Tại đây, Người đã dùng than củi viết lên vách hang dòng chữ Hán “Nhất cửu tứ nhất niên nhị nguyệt bát nhật”, tức “ngày mùng 8 tháng 2 năm 1941”, đánh dấu ngày chuyển từ nhà ông Súng lên hang núi.

Hang Cốc Bó, tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”, rộng khoảng 80m2, nằm sâu trong khe núi, cửa hang chỉ một người đi vừa, lòng hang rất lạnh và ẩm thấp. Tại đây, Bác tự sắp xếp nơi nằm nghỉ, nơi câu cá lúc nhàn rỗi, chỗ đun nước uống, kê bàn đá để dịch lịch sử cách mạng Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng. Điều kiện ăn ở, làm việc rất thiếu thốn, kham khổ nhưng tinh thần của Người luôn lạc quan như những câu thơ của Người: “Sáng ra bờ suối tối vào hang. Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng. Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng. Cuộc đời cách mạng thật là sang”...

Ở hang Cốc Bó hơn 1 tháng, Bác cho cán bộ chuyển cơ quan sang chiếc lán cạnh suối Khuổi Nặm. Chính tại đây, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (từ ngày 10 đến 19-5-1941) ra quyết định thành lập Việt Minh, xây dựng các căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.

Chúng tôi dành cả buổi chiều để đi thăm những điểm dừng chân, những địa danh mà Bác đã đặt dấu chân mình. Đó là hang Lũng Lạn - nơi Bác ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3-1941; hang Nộc Én - nơi Kim Đồng đã được Bác giao nhiệm vụ thông tin liên lạc, bảo vệ cách mạng vào tháng 8-1942; hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu - địa điểm được Bác sử dụng làm hòm thư bí mật...

Cán bộ của Khu di tích Pác Bó kể rằng, trong những ngày tháng Bác ở đây, người dân gọi Bác là già Thu, khi lại gọi là ông Ké với tình cảm kính trọng, yêu mến. Người mặc quần áo nâu của người Nùng, sống hòa mình cùng với đồng bào các dân tộc. Không khi nào Người đặt mình lên trên mọi người, cũng không nhận sự đặc cách mà các đồng chí cán bộ cách mạng hay đồng bào dành cho mình. Trong cộng đồng người Tày, Nùng ở Pác Bó vẫn còn lưu truyền câu chuyện về bữa ăn của Bác. Thời đó, đời sống của người dân vô cùng khổ cực, chủ yếu ăn ngô thay cơm. Thấy Bác ăn uống quá kham khổ, mọi người bàn nhau mua gạo nấu riêng cho Bác để đảm bảo sức khỏe. Biết chuyện, Người đã kiên quyết không đồng ý. Một lần khác, vì ngô non xay để lâu nấu cháo bị chua, các đồng chí lại đề nghị nấu cháo gạo cho Bác dùng, Người vẫn không nghe.

Sau một thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ, tháng 10-1944, Bác Hồ quay trở lại Pác Bó. Bác được mọi người đưa vào nhà cụ Dương Văn Đình nghỉ. Người nhà cụ Đình bưng đến một bát cháo trứng gà mời Bác.

Trước khi ăn, Bác hỏi, ở đây một ngày ăn mấy bữa hả cụ? Cụ Đình đáp, một ngày ăn 3 bữa, bữa sáng thì ăn cháo. Bác hỏi tiếp, thế ai cũng được ăn cháo trứng à? Mọi người bối rối thú thực, thấy Bác đi đường mệt nên mới nấu mời Bác. Người không bằng lòng và nói: Các đồng chí làm cách mạng, tôi cũng làm cách mạng, tại sao tôi lại được đặc biệt hơn các đồng chí. Và Người đứng dậy, bưng bát cháo trứng đến mời người già nhất trong gia đình cụ Đình ăn. Bác Hồ là như vậy đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Người đều không đòi hỏi sự ưu tiên cho mình mà luôn nghĩ tới những người xung quanh.

Mỗi lời nói, việc làm của Người đều là bài học về đạo đức

Những câu chuyện kể về Bác Hồ đưa chúng tôi tới xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình tìm về ngôi nhà của ông Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng) - người Chính trị viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Con trai ông Thạch là Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng mời chúng tôi vào ngôi nhà dưới chân núi ở khu Tổng Ngần. Nơi trang trọng nhất trong nhà, ông Thăng đặt 2 bức tượng là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp – những người mà ông kính trọng nhất.

Ông Thăng kể: “Trước đây, khu này là rừng âm u. Ngọn núi phía trước có một chiếc hang thông sang sườn núi bên kia, sau này gọi là hang Lênin. Nhà tôi được bao quanh toàn cây cối nên rất an toàn cho các đồng chí cán bộ của Đảng hoạt động cách mạng. Mẹ tôi kể, Bác Hồ đã đến nhà tôi 2 lần để chỉ đạo cách mạng”. Ngôi nhà của ông Thăng cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lại khi hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng ở hang Lênin.

Theo lời kể của ông Thăng, những sự kiện nổi bật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người cha dưới dự dìu dắt của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dần được tái hiện. Ông Thăng nhớ lại: “Năm 1941, bố tôi được giao nhiệm vụ tìm chọn chỗ ở và làm việc cho Bác Hồ. Còn mẹ tôi thường tiếp tế lương thực, thực phẩm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ hoạt động cách mạng ở đây”.

Ông Dương Mạc Thăng kể chuyện về Bác Hồ. Ảnh: Bích Nguyên

Qua những câu chuyện kể của bố và mẹ mình (bà Nông Thị Yêm, còn gọi là chị Đại - bí danh do Bác Hồ đặt), ông Thăng cảm nhận rõ hơn về đức tính giản dị, khiêm nhường của Bác Hồ.

Ông Thăng nhớ lại: “Thấy các đồng chí cán bộ ăn uống kham khổ, mẹ tôi có gửi thịt lợn lên. Bác nói với mọi người, thịt hiếm nên phải dùng tiết kiệm. Mọi người liền đem thịt ướp muối để ăn dần. Một dịp khác, vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, bố tôi về qua nhà. Mẹ tôi biết sức khỏe của Bác không tốt nên cố ý gói nhiều bánh gai cho bố tôi mang đi. Mẹ tôi còn buộc 1 con vịt và 1 tay nải gạo cho bố. Bác biết chuyện liền bảo: “Ôi Xích Thắng, lấy thế này thì nhà lấy gì mà ăn. Bác ăn thế nào cũng được mà”. Bố tôi phải giải thích đây là dịp Tết lớn của người Nùng, Bác cứ nhận đi cho nhà tôi vui lòng. Sau đó, Bác mới nhận 1 đôi bánh gai. Những thứ còn lại, Bác bắt đem xuống nhà bếp chia cho các cán bộ làm báo Việt Nam Độc lập cùng ăn”.

Chuyện về Bác Hồ còn dài. Mỗi câu chuyện đều ẩn chứa những bài học sâu sắc về đạo đức của người làm cách mạng giúp chúng tôi hiểu thêm về con người, lối sống và ý chí kiên cường của Người.

Bài 2: Bóng hình Bác còn mãi nơi đây

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/theo-dau-chan-bac-post428675.html