Theo chân nông dân Hải Dương đi câu 'lộc trời'

Tôi về thăm quê, nơi gắn bó cả tuổi thơ vào một chiều trung tuần tháng 5 nắng như đổ lửa. Vừa về đến con đê đầu làng, tôi bắt gặp những bóng người thấp thoáng dưới chân đê, trên tay là chiếc cần tre cong cong, bên hông là chiếc giỏ nho nhỏ. Hình ảnh đó từng là một phần trong tuổi thơ của con trẻ lớn lên bên các lũy tre làng ở đồng bằng Bắc Bộ.

Câu cáy vừa là thú vui vừa là kế sinh nhai của những nông dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.

“Vũ khí” của người câu cáy là một cây tre nhỏ, dài khoảng 2m, thêm một sợi dây chỉ gấp đôi cho bền hơn được quấn chặt ở đầu nhỏ của cây tre. Mồi câu cáy cũng chẳng lấy gì làm khó kiếm, đó có thể là một con sâu khoai, ruột con ốc nhồi, hay “sang” hơn thì miếng thịt lợn, thịt bò nho nhỏ. Người câu cáy chỉ cần chuẩn bị “vũ khí” như vậy, thêm chiếc giỏ tre đeo bên hông và cái mũ rộng vành, cái nón lá là sẵn sàng lên đường “săn cáy”.

Mùa hè, nước ở những con rạch ven sông thường xuống thấp, trơ đất ra. Cáy hay đào lỗ ở bờ ruộng nên chỉ cần nhìn thấy lỗ nhỏ, thả nhè nhẹ miếng mồi, vài giây sau đã thấy con cáy lồm cồm bò ra, cắp lấy mồi. Việc của người câu là kiên nhẫn chờ thêm chút cho con cáy cắn chặt hơn rồi nhanh tay giật, kéo cả mồi và con cáy về phía mình. Tay phải cầm cần, tay trái họ thoăn thoắt gỡ con cáy, bỏ vào giỏ.

Thường buổi câu cáy chiều chỉ kéo dài đến khi mặt trời dần buông vì khi hết nắng rất khó để dụ cáy ra khỏi hang. Trong khoảng 3 giờ, người câu cáy giỏi có thể câu được 2-3kg cáy. “Theo giá thị trường, mỗi cân cũng bán được cả trăm ngàn đồng. Đây trở thành nguồn thu nhập cũng khá cho bà con vào dịp đầu hè nhưng có điều phải chịu vất vả, nắng nôi và kiên nhẫn”, một người câu cáy vừa thu chiếc cần câu vừa kể. Tôi nhớ khoảng 20 năm trước, vào những ngày đầu hè, vùng Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương quê tôi cáy nhiều vô kể.

Nhiều khi trẻ con chỉ cầm cần ra bắt chước người lớn câu cáy thì cũng không bao lâu là đủ cáy nấu bát canh mồng tơi, rau đay ngọt lịm. Giữa cái nắng đầu hè mà trên mâm cơm có bát canh cáy, thêm vài quả cà pháo thì còn gì bằng. Nhưng giờ đây, vì nhiều nguồn ô nhiễm mà cáy ít dần. Nhiều đứa trẻ lớn lên tại vùng quê này cũng dần không hề biết về cái nghề câu cáy...

Báo QĐND Online xin gửi tới bạn đọc một số hình ảnh về một buổi câu cáy của người nông dân Hải Dương.

 Cáy là loài giáp xác, thường sống trong hang ở các bờ ruộng hoặc bờ mương, dọc bờ sông.

Cáy là loài giáp xác, thường sống trong hang ở các bờ ruộng hoặc bờ mương, dọc bờ sông.

Câu cáy không chỉ đơn giản là để giải trí, tìm niềm vui mà còn mang lại hiệu quả về mặt kinh tế. Nếu câu vào hôm cáy ra nhiều, người dân có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng.

Nắng càng to, trời càng nóng thì cáy bò ra khỏi hang tìm thức ăn càng nhiều.

Dân gian ví "nhát như cáy". Quả thật câu cáy cũng không phải dễ, bởi chúng rất nhanh, hễ hơi có tiếng động là cáy chạy vào hang.

Khi mặt trời xuống mấp mé bờ đê là cáy chán ăn, chuẩn bị bò vào hang - cũng là lúc người câu cáy cất cần, trở về nhà sau một ngày dãi nắng.

Mang cáy về nhà, cáy được rửa sạch rồi chờ bán cho thương lái. Hoặc có nhà sẽ chế biến thành mắm cáy, một trong những đặc sản của người dân sinh sống ở Đồng bằng Sông Hồng.

Bài, ảnh: VŨ TOÀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/theo-chan-nong-dan-hai-duong-di-cau-loc-troi-618875