Theo chân ngư phủ đi bắt 'tôm bay' trên sông Hồng

3g sáng, khi nhiều người vẫn còn đang yên giấc, những ngư phủ đã lục tục dậy chuẩn bị thuyền máy, các dụng cụ như vợt, vờ lưới đã sẵn sàng. Những con sóng sông nhẹ nhàng táp vào thành thuyền, con thuyền dần dần di chuyển đến những khu tổ vờ ở giữa sông. Yên lặng ngồi chiêu nhẹ ngụm nước trà và kiên nhẫn ngồi chờ. Một buổi đi săn vờ trên sông đêm bắt đầu.

3g sáng, anh Nguyễn Văn Thọ (50 tuổi, Nguyễn Khoái, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng gia đình đã lục tục trở dậy để chuẩn bị thuyền máy, cụng cụ cho việc bắt vờ. Một đặc sản của sông Hồng vốn chỉ có dân chài ven sông mới biết.

3g sáng, anh Nguyễn Văn Thọ (50 tuổi, Nguyễn Khoái, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng gia đình đã lục tục trở dậy để chuẩn bị thuyền máy, cụng cụ cho việc bắt vờ. Một đặc sản của sông Hồng vốn chỉ có dân chài ven sông mới biết.

Ông Trần Văn Nội (67 tuổi, Nguyễn Khoái, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Con vờ từ xưa, cha ông đã gọi như thế, không biết tại sao nó có tên là con vờ. Nhiều người còn gọi là tôm bay. Người săn vờ phải đi từ sáng sớm và phải đúng thời gian thì vờ mới ra nhiều"

Anh Thọ cho biết thêm, ở Hà Nội có 2 tổ vờ lớn và ngon nhất là ở Ninh Sở (Thường Tín) và ở chân cầu Vĩnh Tuy. "Quanh khu này có khoảng hơn chục thuyền thường xuyên đánh bắt vờ. Loài vật này năm nào cũng có nhưng mỗi tháng chỉ có vài lần vờ ra. Người đi bắt phải đi xem trước con nước và dự đoán việc vờ sẽ ra nhiều hay ít vào ngày hôm sau" - anh Thọ chia sẻ.

Trước đây, khi còn đánh bắt thô sơ và vờ còn nhiều, người bắt chỉ cần dùng vợt, đứng vợt ở ngay bờ sông cũng kiếm được khối lượng lớn. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, để đánh bắt được hiệu quả hơn, các ngư phủ đã nghĩ cách chế ra bộ đánh bắt chuyên dụng gồm 2 tấm lưới cỡ lớn đặt ở phía trước mũi thuyền dùng cho săn bắt vờ.

Do vờ chỉ bay "lờ vờ" ở mặt nước. Thuyền chạy sẽ cuốn các con vờ vào lưới, kèm theo nước làm cho vờ nặng cánh không thể bay được.

"Khoảng 2 năm trước, gia đình tôi đầu tư bộ dụng cụ chuyên cho đánh bắt vờ khoảng vài triệu đồng. Bộ đánh bắt này hiệu quả hơn, tốn ít sức hơn so với đánh bắt thủ công trước đây" - chị Trần Thị Minh Chiến (Nguyễn Khoái, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.

Anh Nguyễn Văn Minh (Nguyễn Khoái, Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: "Khoảng trước năm 2000, bắt vờ rất dễ, có khi đến đêm người ta chỉ cần chong 1 ngọn đèn ở bờ sông, đến sáng hôm sau có thể bắt được cả yến vờ. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, do đánh bắt nhiều nên lượng vờ cũng ít hơn so với trước".

Ở lúc cao điểm, một thuyền có thể đánh bắt được khoảng hơn 10kg vờ trong một đêm.

Ông Nội kể thêm, vờ là loài đứng đầu trong các loài chết yểu. Một con vờ chỉ có khoảng vài tiếng đồng hồ để sống. Mùa này là mùa giao phối nên vờ ra rất nhiều, mỗi con vờ chỉ có khoảng 2 lần lột xác sau đó sống được khoảng vài tiếng là chết.

"Trước đây, vờ lột xác rồi chết và trôi dạt vào bờ. Người dân vớt về làm món ăn vẫn ngon bởi vờ vừa mới chết. Xác lột của vờ được gọi là "lư". Khi đánh bắt, nhìn khối lượng tưởng là nhiều nhưng sau khi lọc sạch lư đi thì chỉ còn vài kg" - anh Minh chia sẻ thêm.

Mùa săn bắt vờ bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, thời gian thực để có thể đánh bắt chỉ có thể kéo dài 2-3 tháng. Vờ ngon và béo nhất là khoảng thời gian 2 tuần tính từ giữa tháng 2 âm lịch. Từ đầu tháng 3 âm lịch là vờ bắt đầu gầy hơn do vào gần cuối vụ.

Người đi săn vờ phải đi từ khoảng 3g sáng, nhưng khoảng 5g30 sáng mới là lúc vờ ra ồ ạt và nhiều nhất.

Đến khoảng 6g30-7g sáng, khi vờ ra ít, cuộc săn vờ sẽ kết thúc. Trung bình một đêm săn vờ sẽ tốn khoảng 5-10 lít dầu.

Hiện nay, vờ ít khi được bán ở chợ. Những người biết thường đặt hàng trước hoặc các quán ăn sẽ đặt hàng các ngư phủ sau khi bắt vờ. Nhiều khi, lượng vờ bắt được không nhiều thì ngư phủ sẽ để lại nhà ăn chứ không bán.

Trước đây, vờ là món ăn dân dã. Từ khi trở thành đặc sản nhiều người biết, do lượng đánh bắt ít, quý hiếm nên giá vờ hiện nay đang khá cao, có thời điểm lên tới 500.000 đồng/kg nhưng cũng không có để bán.

Vờ có thể làm được nhiều món ngon. Cánh dân nhậu ưng nhất là rang hoặc chiên giòn, không có vị nhiều nhưng bùi và ngậy, giòn tan. Còn các ngư phủ thì cho biết, vờ ngon nhất là làm món om cùng cá ngạnh và giềng mẻ.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/theo-chan-ngu-phu-di-bat-tom-bay-tren-song-hong-186270.html