Theo chân đội dập dịch tả lợn ở Thái Bình

Cho đến chiều tối ngày 26/2, thời điểm PV Đại Đoàn Kết rời địa bàn xã Lô Giang (Đông Hưng-Thái Bình), số lợn mắc dịch tả châu Phi, phải tiêu hủy của xã vẫn không ngừng tăng lên...

Trạm kiểm soát dịch được lập ở nhiều điểm trên địa bàn xã Lô Giang.

Trạm kiểm soát dịch được lập ở nhiều điểm trên địa bàn xã Lô Giang.

Vất vả như đội phòng chống dịch

Chiều ngày 26/2, có mặt tại trụ sở xã Lô Giang (Đông Hưng) - một trong hai xã tâm điểm dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Thái Bình những ngày qua - PV chứng kiến trụ sở xã đông người bất thường. Ngoài số cán bộ, nhân viên của xã, PV quan sát thấy Bí thư huyện ủy Đông Hưng Hoàng Thái Phúc; Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Đức Kiếm cùng nhiều nhân viên các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện cũng có mặt...

Trên sân trụ sở xã, đội tiêu hủy lợn dịch khoảng 10 người, gồm rất nhiều thành phần đang túc trực sẵn với phương tiện là một chiếc xe kéo, bên trên chứa những chiếc bao vôi bột; bình phun hóa chất, bình kích điện, một chiếc cân loại lớn. Phía ngoài một chiếc xe công nông nổ máy sẵn...

Sau khi nhận lệnh đi tiêu hủy từ UBND xã, cả đội tiêu hủy, người nào người ấy khẩu trang bịt kín mặt, áo trắng bảo hộ trùm kín từ đầu đến chân ủng... xuất phát. Địa chỉ họ tìm đến là nhà anh Đặng Văn Thắng ở xóm 9, thôn Phú Nông. Trước đó ít giờ, con lợn nái anh Thắng nuôi đã mấy năm được cơ quan thú y địa phương xác định dương tính với mẫu bệnh phẩm dịch lợn châu Phi...

Tới cổng nhà anh Thắng, cả đoàn dừng lại, các thành viên trong đoàn nhanh chóng thực hiện các công việc theo quy trình: rắc vôi bột xung quanh nhà chủ hộ, lối dẫn vào chuồng lợn; tiếp đến là phun hóa chất nhằm tiêu độc, khử trùng. Sau khi việc rắc vôi, phun thuốc hoàn tất, sau đó tiến hành tiêu hủy con lợn bị bệnh.

Một thành viên trong đội cho hay, đây là công việc quen thuộc cả đội đã làm liên tục từ ngày ngày 20/2-thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Lô Giang-đến hôm nay...

Số lợn bị tiêu hủy tăng vọt

Thông tin với PV về dịch tả lợn trên địa bàn, ông Vũ Xuân Khu, Chủ tịch UBND xã Lô Giang cho hay, dịch bắt đầu xuất hiện tại hộ gia đình bà Duyên từ ngày 20/2.

“Đây là hộ nuôi theo quy mô gia trại, tại thời điểm phát hiện dịch gia trại này còn 22 con lợn, trong đó có một số con lợn nái ngoại. Những ngày sau dịch liên tiếp xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc hai thôn Phú Nông, Hoàng Nông”, ông Khu cho hay.

Cũng theo ông Khu, tính đến đầu giờ sáng ngày 26/2, trên địa bàn xã có 12 hộ có lợn mắc dịch, có tổng cộng 119 con lợn đã bị tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 5000 kg. Tuy nhiên, khi ông Khu vừa thông tin xong thì nhân viên nộp cho ông bản cập nhật mới. Theo đó, tính đến 15h cùng ngày số hộ có lợn mắc dịch tăng lên 16 hộ, số lợn đã bị tiêu hủy tăng lên 165 con, tổng trọng lượng lợn bị tiêu hủy tăng lên 9. 674 kg.

Để khoanh vùng, dập dịch, những ngày qua trên địa bàn xã Lô Giang đã có 5 trạm kiểm soát việc vận chuyển lợn được lập lên, duy trì hoạt động 24/24h. Xã cũng đã sử dụng gần 500 lít hóa chất, mấy chục tấn vôi bột để phun, rắc tại các ổ dịch và trên hệ thống đường dong, ngõ xóm trong xã. Hệ thống loa truyền thanh của xã cũng tăng tần suất hoạt động,liên tục thông tin tình hình dịch dã, hướng dẫn người dân cách phòng, chống...

“10 ngày nay cả xã tôi không có thịt lợn để ăn. Mọi hoạt động giết mổ, vận chuyển lợn đều bị cấm. Chợ của xã không bán dù chỉ một cân, vì 10 hộ chuyên nghề kinh doanh, giết mổ lợn đã ký cam kết tạm ngưng giết mổ và bị giám sát chặt”, ông Khu cho biết.

Đội dập dịch tiến hành rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng.

Hộ chăn nuôi được hỗ trợ 38.000 đồng/1kg lợn bị tiêu hủy

Sáng cùng ngày 26/2, thông tin với PV, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-thú y tỉnh Thái Bình cho biết, sau khi tiêu hủy 124 con lợn nhiễm dịch, từ ngày 22 đến nay, tại xã Đông Đô (Hưng Hà-xã đầu tiên bùng phát dịch tại Thái Bình-PV) không phát sinh ổ dịch mới. Riêng xã Lô Giang tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Hiện cơ quan thú y và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh vẫn đang tập trung phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp “khoanh vùng, dập dịch”, trong đó dừng tất cả các hoạt động buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn; đóng cửa chuồng trại... trong vùng dịch; tiêu hủy lợn ốm theo đúng quy định; thực hiện phun hóa chất, rắc vôi bột tiêu độc khử trùng hằng ngày tại cả vùng dịch và vùng bị uy hiếp; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc...

“Đặc thù ở xã Lô Giang là nhiều hộ vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư, theo các phương pháp thủ công, truyền thống. Do vậy việc khoanh vùng, dập dịch khó hơn ở xã Đông Đô, nơi có nhiều hộ chăn nuôi tập trung, quy mô lớn”, ông Nhương nhìn nhận.

Đối với địa bàn toàn tỉnh, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tiến hành lập thêm các chốt kiểm soát ở các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, qua đó thực hiện tiêu hủy ngay khi phát hiện lợn không rõ nguồn gốc vận chuyển vào địa bàn. Các ngành Công an, Giao thông- Vận tải, Quản lý thị trường... tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm dịch, phối hợp với chính quyền các địa phương để kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra vào địa bàn, nhất là ở các vùng có dịch. Chính quyền, cơ quan chức năng ở 8 huyện, thành phố trong tỉnh cũng chủ động vật tư, hóa chất, vôi bột phục vụ công tác tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn ốm. In tờ rơi, sử dụng xe lưu động để thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp, hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch.

“Từ khi xuất hiện dịch đến nay, tỉnh đã cấp tổng cộng 6000 lít hóa chất phục vụ phun tiêu độc, khử trùng cho 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó huyện Hưng Hà được cấp 2 nghìn lít, huyện Đông Hưng 1 nghìn lít; các huyện, thành phố còn lại được cấp 500 lít/huyện. Ngoài suất cấp của tỉnh, các huyện, các xã đều chuẩn bị thêm với số lượng lớn”, ông Phạm Thành Nhương thông tin.

Liên quan đến việc hỗ trợ thiệt hại, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, theo chính sách hiện hành, sau đây các hộ có lợn bị tiêu hủy trong tỉnh sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/1kg lợn bị tiêu hủy.

“Phòng dịch như phòng chống bão”

Tại huyện Vũ Thư (một trong 6 huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình chưa xuất hiện dịch) công tác phòng dịch cũng đang được đặt ở cấp độ cao nhất. Thông tin với PV, ông Trần Đức Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho hay, tổng đàn lợn của huyện hiện có khảng 107 nghìn con, trong đó có khoảng 20 nghìn con lợn nái, lợn đực (có giá trị kinh tế lớn). Để chủ động phòng chống dịch, ngoài ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo, huyện đang tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách phòng chống (qua hội nghị, tờ rơi, xe lưu động); chuẩn bị, cấp phát hóa chất tiêu độc cho toàn bộ 30 xã, thị trấn trong huyện; phân công cán bộ trong thường trực Huyện ủy, UBND, các đoàn thể chỉ đạo, đôn đốc, giám sát công tác phòng dịch tại các xã...

“Huyện Vũ Thư nằm giáp ranh cả hai huyện đã có dịch là Hưng Hà, Đông Hưng, lại có cửa ngõ ra vào tỉnh là cầu Tân Đệ nên huyện xác định không thể lơ là. Mọi công tác chuẩn bị để ứng phó với dịch tả lợn đã được huyện chủ động chuẩn bị từ trước, theo đúng phương châm phòng chống bão là bốn tại chỗ”, ông Toản cho biết.

Bài, ảnh: Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/theo-chan-doi-dap-dich-ta-lon-o-thai-binh-tintuc430610