Theo chân các cựu chiến binh Mỹ đến Rừng Sác

Có dịp đến thăm TP Hồ Chí Minh thì Rừng Sác là địa danh mà các cựu chiến binh Mỹ thường không thể bỏ qua. Nơi đây đặc công Đoàn 10 với lối đánh 'xuất quỷ, nhập thần' khiến lính Mỹ gặp phải 'một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ' - tướng Mỹ W. Westmoreland, Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã thừa nhận.

Trong vòng 9 năm (từ năm 1966 - 1975), Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh gần 600 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch. Năm 1965, đế quốc Mỹ thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” chuyển sang “Chiến tranh cục bộ” đưa quân Mỹ, chư hầu cùng các phương tiện chiến tranh ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Rừng Sác - đặc công Việt Cộng là nỗi ám ảnh của không ít người lính Mỹ năm nao, dù cuộc chiến Việt Nam đã lùi xa mấy chục năm.

Tham quan rừng Sác.

Tham quan rừng Sác.

Rừng Sác - điều không tưởng

Ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền ra quyết định thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác (Mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 đặc công Rừng Sác - cấp trung đoàn), với nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.

Tháng 8/1966, không lâu sau ngày thành lập, đặc công Rừng Sác đã làm nổ tung con tàu Victory với trọng tải hơn 10.000 tấn, chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; hai máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực, thực phẩm... cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966 - 1967. Vụ nổ này làm rung động tới tận nước Mỹ vì để bảo vệ con tàu Victory, niềm tự hào của quân đội Mỹ, dưới sông, tàu địch tuần tra liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc.

Kế đó, đặc công Rừng Sác đã đánh bom Tổng kho xăng dầu Nhà Bè tiêu hủy 250 triệu lít xăng dầu, 12 bồn butagas, một tàu tải trọng lớn và các kho chứa hàng hóa của địch… lửa cháy ngùn ngụt suốt 12 ngày đêm. Trong chiến tranh, Mỹ ngụy đã liên tục càn quét, bom đạn và chất độc hóa học đã khiến rừng Sác trở thành "vùng đất chết". Nhưng những người lính đặc công Rừng Sác vẫn tồn tại và gây không biết bao chết chóc cho người lính Mỹ. Có quá nhiều thắc mắc của những người lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam, liên quan đến Rừng Sác mà giờ đây người ta muốn đi tìm câu trả lời.

Khu dự trữ sinh quyển

Sau năm 1975, Rừng Sác Cần Giờ được chuyển từ tỉnh Đồng Nai về TP Hồ Chí Minh và được khôi phục hệ sinh thái ngập mặn. Đến năm 2000, sau hơn 20 năm, hàng nghìn hecta rừng đã được khôi phục, rừng Sác được UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam" nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Rừng Sác Cần Giờ trở thành khu rừng ngập mặn đẹp nhất Đông Nam Á với diện tích lên đến 75.740ha, trong đó: vùng lõi 4.72ha, vùng đệm 41.139ha, và vùng chuyển tiếp 29.880ha… Những người lính đặc công năm xưa, sau hòa bình lập lại đã cùng Nhân dân Sài Gòn phủ xanh hơn 31.000 héc-ta, trong đó có gần 20.000 héc-ta rừng trồng, hơn 11.000 héc-ta được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và các loại rừng khác.

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh. Nơi này được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. Đây là nơi sinh sống của đàn khỉ đuôi dài cùng nhiều loài chim, cò cùng quần thể thực vật đa dạng.

Du khách được hòa mình trong thiên nhiên xanh với bốn bề là nước mặn, đầm lầy bao quanh bốn bề là nước mặn, mặt đầm lầy trải rộng hơn 60.000ha. Nếu không có hướng dẫn viên chúng ta dễ lâm vào cảm giác lạc lối giữa rừng ngập mặn rộng lớn và vương quốc của những chú khỉ dù bạn chọn phương án đi bộ hay ngồi cano. Không biết với bạn con số 2.000 con khỉ là ít hay nhiều nhưng nếu có chút hoa quả “biếu tặng” cho các “Tôn ngộ không” Rừng Sác, chúng sẽ nhìn bạn thân thiện hơn. Bằng không thì điện thoại di động, máy ảnh, ô dù… rất dễ bị chúng “cướp ngày” mà chả biết đi báo với ai bây giờ?

Giữa bầu trời thoáng đãng, thả mình lang thang trong rừng, ngắm mây xanh bồng bềnh, lắng nghe bản hòa ca hoang dại từ các loài chim ríu rít, cảm giác lạ kỳ, thú vị. Cả không gian yên bình, chỉ có tiếng chim ngân nga, thật thư thái và an yên. Rừng Sác Cần Giờ còn là nhà chung của nhiều động vật khác, đó có thể là cá sấu hoa cà, gấu ngựa, đười ươi, chim chà và,… khu hệ động vật thủy sinh không xương sống với trên 700 loài, chỉ riêng hệ cá đã có tới 130 loài khác nhau. Ngoài chức năng du lịch sinh thái, đây cũng là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học.

Có dịp đến thăm Rừng Sác Cần Giờ, các cựu chiến binh Mỹ sẽ tận mắt tìm hiểu: “Bị ruồng bố, phong tỏa trên trời, dưới sông nhiều ngày như vậy đặc công Việt Cộng lấy đâu ra nước sinh hoạt?”. Nhìn những công cụ “tinh chế” người Mỹ mới biết, để có nước ngọt ăn uống, chiến sĩ Rừng Sác Cần Giờ đã tạo nước ngọt bằng cách đun nước sôi lên rồi hứng lấy nước ngọt bốc hơi bên trong. Với cách làm này 2 chiến sĩ nấu trong 24h có thể thu 300 lít nước ngọt, đủ cho một trung đội 30 người, ăn uống trong một ngày.

Để tồn tại ở khu rừng nằm sát biển, gần Sài Gòn - căn cứ đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ngoài nhu yếu phẩm do Nhân dân giúp đỡ và bộ đội đặc công nước còn phải tự túc bắt cua, còng, cá, hái lá kìm, đọt chà là... Nơi đây cũng có trạm quân y dã chiến cấp trung đoàn đã cứu sống gần 500 thương bệnh binh, trong quá trình công tác và chiến đấu, 4 bác sĩ và 2 quân y sĩ đã hy sinh.

Tận hưởng phiêu linh

Dân chơi thường chọn cano để di chuyển trong rừng, khi bóng ngả về chiều, phần vì đi bộ cả nửa ngày cũng đến lúc cần phải cho đôi chân nghỉ ngơi. Nhưng quan trọng, thường buổi chiều triều cường lên, ngồi cano đè con nước, ngửa mặt tận hưởng luồn không khí mang hơi lạnh của rừng trong cái nắng gắt của đất trời phương Nam mới đủ độ phiêu linh. Do ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài thực vật chủ yếu là bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi - bần trắng cùng xu ổi, trang...

Cần Giờ tuy là huyện vùng xa của TP Hồ Chí Minh nhưng thật ra chỉ cách 50 cây số du khách có thể di chuyển tiện lợi bằng ô tô, xe máy và hay đi bằng xe buýt đều rất tiện. Tuyến xe buýt 75 chạy thẳng một mạch từ Bến Thành "xuyên" phà Bình Khánh xuống Cần Thạnh. Bạn có thể đi tuyến 90 từ phà Bình Khánh xuống Cần Thạnh vài phút có một chuyến, chạy đến tận gần 10 giờ tối. Khá nhiều bạn sẽ thì chọn phương án đi xe máy, từ trung tâm TP Hồ Chí Minh chỉ 30 phút là đã có thể có mặt tại nơi đây.

Tiếp giáp về phía Nam của rừng Cần Giờ là bờ biển 30/4 trong xanh, bờ cát mịn trải dài, không khí thoáng mát, đang được xây dựng trở thành khu du lịch hiện đại, có nơi nghỉ lại qua đêm. Được một ngày trải nghiệm, tận hưởng biển, rừng ở ngay "vách" của TP chỉ mất khoảng 500.000 đồng, một chi phí có thể gọi là dễ chịu.

Phan Mỹ Hảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/theo-chan-cac-cuu-chien-binh-my-den-rung-sac-382774.html