Theo chân báu vật

Theo một ước tính được trích dẫn nhiều, hơn 10 triệu cổ vật đã bị đưa ra khỏi Trung Quốc tính từ năm 1840-1949, giai đoạn nước này bị nhiều cường quốc nước ngoài xâm chiếm. Những cổ vật quý giá nhất bị đánh cắp khi quân Anh và Pháp tàn phá Viên Minh Viên (Bắc Kinh) vào năm 1890. Trước đây Trung Quốc không chú ý gì nhiều đến các cổ vật này vì xem chúng là dấu tích của thời phong kiến, nhưng trong những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực thu hồi chúng bằng nhiều con đường khác nhau. Tạp chí GQ số tháng 8-2018 có một phóng sự dài về các hoạt động này.

Đầu Sửu, một trong 12 con giáp được dựng thành tượng đồng ở Viên Minh Viên ngày xưa.

Giới nhà giàu bỏ tiền ra mua

Năm 2016 lần đầu tiên Trung Quốc có nhiều tỉ phú hơn Mỹ; nhiều người trong số họ lại thích sưu tầm cổ vật. Nếu năm 2000 Trung Quốc chỉ chiếm 1% thị phần trong làng đấu giá mỹ thuật thì đến năm 2014 tỷ lệ này đã tăng vọt lên 27%. Thị trường đồ cổ mỹ thuật Trung Quốc sốt nóng đến nỗi cuộc đấu giá nào có một hai cổ vật Trung Quốc là sôi động hẳn lên.

Năm 2010, một bình cổ Trung Quốc cao 16 inch được đem ra bán đấu giá ở ngoại ô London, giá khởi điểm chỉ là 800.000 đô la. Nửa giờ sau đó, giá cuối cùng thắng cuộc, từ một người mua giấu tên ở Trung Quốc, lên đến 69,5 triệu đô la Mỹ. Trong những năm gần đây các cổ vật liên quan đến Viên Minh Viên được bán đấu giá và hầu như lần nào cũng có một tỉ phú người Trung Quốc giành quyền mua để chứng tỏ ước muốn đưa cổ vật về cố quốc. Cổ vật nào dính dáng đến những năm tháng tủi nhục của Trung Quốc họ càng có quyết tâm đem về bằng được.

Năm 2014 một tỉ phú xuất thân là tài xế taxi, Lưu Ích Khiêm (Liu Yiqian) trả 36 triệu đô la để sở hữu một chén trà nhỏ bằng sứ, được xem là đồ quý vì trước đây là một phần của bộ đồ trà trong triều vua Càn Long. Theo tờ Wall Street Journal, ông này trả tiền mua bằng cách quẹt thẻ Amex 24 lần và mua xong đổ nước vào chén để uống thử. Vài tháng sau, tỉ phú Lưu mua tiếp một tấm thảm lụa thêu Tây Tạng thời Minh với giá 45 triệu đô la.

Tỉ phú Hoàng Nộ Ba (Huang Nubo) cũng có đam mê tương tự với cổ vật Trung Quốc. Ông này nổi tiếng là người thích thám hiểm, từng đến cả Bắc Cực lẫn Nam Cực, ba lần trèo đến đỉnh núi Everest. Ông ta không bỏ tiền ra mua cổ vật mà mở chiến dịch đưa báu vật về lại quê nhà. Sau khi viện bảo tàng KODE của Na Uy bị trộm lần thứ nhì, tỉ phú Hoàng liên lạc với viện bảo tàng, xin xem các cổ vật Trung Quốc chưa trưng bày. Ông được dẫn vào xem bộ sưu tập các hàng cột cẩm thạch lấy từ Viên Minh Viên, xem xong, ông ta tặng cho viện bảo tàng 1,6 triệu đô la Mỹ để nâng cấp hệ thống an ninh và chẳng bao lâu sau bảy cột cẩm thạch được chở về Trung Quốc để trưng bày tại Đại học Bắc Kinh theo thỏa thuận cho mượn vĩnh viễn.

Các vụ cướp bí ẩn

Hàng loạt vụ trộm táo bạo, đầy bí ẩn đã xảy ra khắp các viện bảo tàng trên thế giới trong nhiều năm gần đây - điều đặc biệt là đồ vật bị đánh cắp đều là cổ vật Trung Quốc. Năm 2010 tại Stockholm vào một buổi tối mùa hè, nhiều chiếc xe đậu trên đường bỗng bùng cháy. Các đám cháy này đã đánh lạc hướng và thu hút sự chú ý của cảnh sát. Trong khi đó một băng cướp đột nhập Lâu đài Drottningholm, băng băng chạy tới khu trưng bày cổ vật Trung Quốc, cướp đi nhiều hiện vật quý giá. Sau đó bọn chúng tẩu thoát bằng xe máy, chạy đến một chiếc hồ gần đó, vất bỏ xe dưới nước rồi lên tàu tốc độ cao phóng đi. Tất cả chỉ mất 6 phút.

Một tháng sau ở Bergen, Na Uy, một băng trộm khác đột nhập viện bảo tàng KODE từ trần kính trên cao rồi cuỗm đi 56 cổ vật từ bộ sưu tập Trung Quốc. Danh sách các nơi bị cướp tiếp nối với viện bảo tàng Phương Đông tại Đại học Durham, một viện bảo tàng khác ở Đại học Cambridge. Năm 2013, KODE bị cướp lần thứ nhì, lần này bọn cướp lấy đi 22 cổ vật bỏ sót từ lần trộm trước đó.

Château de Fontainebleau, khu lâu đài của hoàng gia Pháp nằm ở ngoại ô Paris có đến 1.500 phòng với cấu trúc rối rắm. Nhưng khi bọn cướp tấn công vào rạng sáng ngày 1-3-2015, chúng biết ngay đích đến: Khu bảo tàng Trung Quốc trong lâu đài. Khu này được người vợ của Napoleon III lập ra, chứa đầy báu vật hiếm, trị giá hầu như không tính được. Tuy nhiên, vấn đề nhạy cảm là đa phần cổ vật là đồ quân Pháp cướp từ Viên Minh Viên vào năm 1860. Trong vòng bảy phút bọn cướp lấy đi 22 món quý nhất trong bộ sưu tập và biến mất sau khi dùng bình chữa lửa phun bọt khí khắp nơi nhằm xóa dấu vết, cả vân tay, dấu chân lẫn mọi vết tích về lai lịch của bọn chúng.

Sau vụ Fontainebleau, nhiều vụ cướp khác xảy ra khắp các nước châu Âu, nhiều vụ táo bạo như trong phim hành động, nhiều vụ bị giấu kín. Điểm chung của các vụ được báo chí đưa tin công khai là bọn cướp rất chuyên nghiệp và có chủ đích; dường như chúng cướp đồ theo danh mục có sẵn, bỏ lại những thứ quý giá hơn có lẽ vì không có tên trong danh mục được yêu cầu. Tờ GQ trích lời các quan chức cảnh sát cho rằng kinh nghiệm cho thấy đây là các vụ cướp được đặt hàng - vấn đề là ai đặt hàng cho bọn cướp?

Chiến dịch thu hồi

Sau các chiến dịch tô đậm chuyện cướp phá, hôi của Viên Minh Viên ngày xưa, nhiều viện bảo tàng củng cố lại chứng cứ họ tiếp nhận các cổ vật như thế nào để phòng tránh các tranh chấp trong tương lai. Một số nơi khác quyết định cho cổ vật hồi cố hương để tránh rắc rối.

Chẳng hạn năm 2013, trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Yves Saint Laurent có đầu của hai con vật tượng trưng cho 12 con giáp, đầu thỏ và đầu chuột (Mão và Tý), lúc đầu định đem ra bán đấu giá. Quan chức Trung Quốc bèn nhắn nhủ Christie’s, nơi tổ chức đấu giá, rằng nếu hai chiếc đầu này bị bán đi, sẽ có “những hậu quả nghiêm trọng” cho việc kinh doanh của Christie! Vụ đấu giá bị hủy bỏ, đầu Tý, đầu Mão được trả lại. Sau này Christie nhận giấy phép trở thành nhà đấu giá mỹ thuật đầu tiên của thế giới được chính thức hoạt động ở Trung Quốc.

Với các cổ vật bị đánh cắp, tạp chí GQ kể lại một trường hợp độc đáo. Sau vụ cướp lần thứ hai đột nhập KODE, giới chức trách nhận tin báo có một cổ vật bị đánh cắp trong lần cướp thứ nhất đã quay về Trung Quốc và hiện đang được trưng bày ở một sân bay tại Thượng Hải. Thế nhưng cảnh sát Bergen không đủ thẩm quyền để theo đuổi cuộc điều tra, còn giới chức Na Uy không muốn làm xáo động mối quan hệ với Trung Quốc, chọn cách không làm gì cả.

Trong số các nỗ lực tìm cổ vật, kiên trì và có quy mô nhất là các chiến dịch của tập đoàn Bảo Lợi Trung Quốc (China Poly Group) nhờ tiềm lực của doanh nghiệp này. Theo Fortune, năm ngoái tập đoàn này có tổng tài sản lên đến 95,7 tỉ đô la, gần gấp đôi GDP của Croatia. Năm 2000, Bảo Lợi tìm cách mua lại được ba chiếc đầu các con vật trong 12 con giáp, sau đó mua thêm một đầu. Viện bảo tàng quốc gia Trung Quốc hiện trưng bày hai chiếc đầu khác còn viện bảo tàng Thủ Đô có một đầu thứ bảy. Bộ sưu tập 12 con giáp này tượng trưng cho sự phục hồi Viên Minh Viên nên Trung Quốc bỏ nhiều công sức truy tìm cho đủ.

Tác giả bài phóng sự trên tạp chí GQ được tập đoàn Bảo Lợi dẫn vào xem bốn chiếc đầu hiện đang trưng bày tại bảo tàng riêng của doanh nghiệp này. Ông kể: “Tại lối vào bảo tàng, tôi chú ý đến một tấm bảng bằng gỗ ghi rằng nhiều cổ vật trong bộ sưu tập này được thu hồi từ hải ngoại”. Ở một căn phòng tối, lót thảm nằm sau bảo tàng là bốn con vật tượng trưng cho Sửu, Dần, Thân, Hợi mỗi đầu nằm trong lồng kính riêng biệt trên đế bọc nhung tím thẫm. Ông hỏi người quản lý bảo tàng có hy vọng gì thu hồi cho đủ 12 con giáp. Người quản lý trả lời, cho đến nay chỉ toàn những lời đồn không căn cứ và đồ giả mạo; họ tin rằng 5 con còn lại đang nằm đâu đó trong các bộ sưu tập tư nhân ở châu Âu.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278443/theo-chan-bau-vat-.html