'Theo cánh hạc bay' - tập sách ảnh về loài chim quý

'Theo cánh hạc bay' - tập sách ảnh đầu tiên về sếu đầu đỏ ở Kiên Giang của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã - là kết quả 14 năm miệt mài lao động nghệ thuật.

Vũ khúc đồng năn - tác phẩm trong tập sách ảnh “Theo cánh hạc bay”.

Sách do NXB Tổng hợp TPHCM in (2017) nhân dịp ông tròn 70 tuổi, gồm 150 trang với hơn 100 hình ảnh về sếu đầu đỏ chắt lọc, chọn lựa từ kho ảnh ghi nhận ở nhiều góc độ, thời điểm, khoảnh khắc, địa hình, tư thế... về loài chim có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Suốt 14 năm (2000-2014), Trương Thanh Nhã miệt mài chụp ảnh sếu tại các đồng cỏ năn ở Hòn Chông, Rạch Đùng, núi Sơn Trà, núi Bà Tài, núi Mo So, núi Mây hay Lung Kha Na, Lung Lớn, kinh Thời Giang… của huyện Kiên Lương. Sau này, sếu đầu đỏ di chuyển nơi trú ngụ về Tà Phọt, Đồng Hòa, đồng cỏ bàng thuộc xã Phú Mỹ (huyện Giang Thành), ông lại “theo cánh hạc” không chỉ để chụp những hình ảnh ấn tượng, làm phong phú kho hình ảnh mà còn để bảo vệ loài chim quý trước sự “lấn sân” của con người...

NSNA Trương Thanh Nhã.

Nhìn tổng quan, “Theo cánh hạc bay” như “tập đại thành” về sếu đầu đỏ. Ở đó, tác giả không chỉ nắm bắt đúng những khoảnh khắc sinh hoạt của loài chim quý từ nhảy múa, đùa giỡn với vẻ đẹp quý phái và sang trọng đến tung cánh, ngửa cổ hót trên nền cỏ đẫm sương mai hay giữa nền chiều rực cháy ánh hoàng hôn như “vũ điệu” kiêu sa giữa thiên nhiên, nhẹ nhàng như bài thơ và quyến rũ như khúc nhạc...

Theo các nhà khoa học, sếu đầu đỏ như thước đo về chất lượng môi trường sống. Vì vậy, “nếu ở phần đầu sách ảnh, mỗi hình ảnh có đến cả chục đến cả trăm cá thể xuất hiện thì càng về sau hình ảnh này càng giảm dần. Sự sắp đặt này không chỉ phản ánh trung thực mà còn chuyển đến người xem thông điệp: Sếu đầu đỏ đang giảm dần trên vùng đất Kiên Giang, qua đó kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ” - tác giả nhấn mạnh.

Trương Thanh Nhã cũng đưa vào sách nhiều bài viết của các nhà khoa học nói về vai trò của sếu đầu đỏ đối với vùng đất ngập nước, đối với cuộc sống. Cho nên “Theo cánh hạc bay” không chỉ thể hiện sự nhạy cảm và tinh tế của thái độ lao động nghiêm túc, yêu nghề mà còn như lời “ai điếu” về thời hoàng kim của sếu đầu đỏ trên vùng đất tận cùng Tây Nam Tổ quốc.

Nhưng trên hết vẫn là thái độ lao động nghiêm túc và sự dấn thân vì nghề của nhà nhiếp ảnh. Bởi không chỉ bỏ ra 14 năm để chụp ảnh, ông còn tích cóp 2 năm lương hưu để có tiền in tập ảnh này với mục đích lớn nhất là gởi tặng và truyền đi thông điệp: Hãy tìm cách giữ chân sếu đầu đỏ trước khi quá muộn.

LỤC TÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/theo-canh-hac-bay-tap-sach-anh-ve-loai-chim-quy-607127.ldo