Theo anh vượt sóng về nhà- Kỳ cuối: Vượt ngọn phong ba, giữ mùa xuân quê nhà

Mỗi năm, Bộ tư lệnh Hải quân vùng 2 đều tổ chức những đợt thăm, tìm hiểu thực tế, chúc Tết đến cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các nhà giàn DK1 và các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển. Hải trình có thể kéo dài từ 12 đến 18 ngày tùy điều kiện biển. Nhưng chúng tôi là những người đến thăm rồi về. Mới sóng cấp 6, cấp 7 chúng tôi đã thấm mệt, có lúc tưởng không dậy nổi. Ấy vậy mà ở nơi đó, các anh đã để lại thanh xuân của mình. Có những lúc, sóng bão còn trùm cả nhà giàn giữa biển, nhưng các anh vẫn thế: Vững vàng trước đầu ngọn sóng.

Biển trời này ta yêu, ta thân

Khi chúng tôi lần lượt lên nhà giàn DK1/16, trên tàu 261, Đại úy Đỗ Văn Thực, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/18 cũng bơi sang tàu trực Trường Sa 06, từ đó, tàu trực sẽ có nhiệm vụ đưa Đại úy Thực về nhà của mình. Lại một người lính nữa trở về nhà – những ngôi nhà trên biển nằm giữa mây và nước. Nơi các anh có thể ở lại một năm, năm năm, thậm chí chín, mười năm và hơn nữa. Trong lần nhận nhiệm vụ công tác này, Đại úy Thực cũng có tin vui khi vợ anh đang mang thai đứa con thứ hai. Anh em PV hỏi mãi nhưng anh cứ ậm ừ, chỉ có đôi mắt ánh lên sự vui tươi. Để có niềm vui trong ánh mắt đó, chắc chắn gia đình đã cho anh niềm tin về một hậu phương vững chắc, giàu đức hi sinh, để anh có thể yên tâm nhận mọi nhiệm vụ, gắn bó với biển trời Tổ quốc.

Các anh đưa chúng tôi qua thăm nhà, còn chưa vui được bao lâu chúng tôi đã phải rời giàn về với tàu, về với đất liền. Vì cuộc sống đã là như vậy, mỗi người một công việc, một nhiệm vụ. Nhưng điều chắc chắn rằng, sau khi đến thăm nhà các anh giữa mênh mông sóng gió, chúng tôi yêu thêm từng dặm dài biển đảo quê hương mình, nhận ra ý nghĩa thiêng liêng máu thịt từng vùng biển đất nước mình, và trăn trở với những thanh xuân gửi lại trên biển của các anh.

Tôi sẽ nhớ mãi câu chuyện của Trung tá Nguyễn Văn Lâm người mà lúc vợ sinh con đầu lòng anh vẫn ở Trường Sa. Gần 2 năm sau mới về nhà, lần đầu tiên gặp con khi con đã biết chạy. Tôi cũng sẽ nhớ hình ảnh Thượng úy Lê Quang Tiệp, người đã đi qua chín nhà giàn, 10 năm qua chưa một lần ăn Tết ở đất liền và cả Trung úy Đậu Văn Thường, cũng đã tám mùa xuân trên biển.

Tôi cũng sẽ nhớ những lời Đại úy Vũ Duy Hoàng tâm sự: “Không được đưa đón con đi học mỗi ngày, không tận tay chăm sóc cho con, đỡ đần việc nhà với vợ. Nhưng chúng tôi là vậy, người lính mà, ai cũng xác định được những khó khăn, thử thách ấy cả. Nhưng được sự giúp đỡ của đơn vị, được sự thấu hiểu của gia đình, chúng tôi luôn cố gắng tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong chuyến đi lần này, tôi cũng không quên được câu chuyện của đồng nghiệp Phương Dung – PV Trung tâm phát thanh truyền hình quân đội, dù say sóng suốt cả hành trình, cô vẫn cố gắng lấy cho được một chai nước biển ở bãi cạn Phúc Tần. Chỉ bởi vì Phương Dung cứ nghĩ mãi về câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng, chính trị viên nhà giàn DK1 – Phúc Tần. Anh hi sinh 30 năm trước - Khi nhà giàn bị bão đổ. Lúc trôi dạt nhiều ngày trên biển, anh Quảng đã nhường chiếc áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội có sức khỏe yếu nhất, để rồi anh thanh thản ra đi. Con gái anh Quảng năm ấy mới sinh được khoảng 1 tuổi, anh chưa một lần về thăm được con. Phương Dung đi hải trình lần này với mong muốn sẽ mang được một chai nước biển ở vùng anh hi sinh đến tận gia đình, người thân của anh.

Mỗi thanh xuân của các anh ở lại với nhà giàn, với biển, với tàu, chính là những câu chuyện làm dày thêm tình yêu của chúng tôi –người ở đất liền đối với các anh – những người ngày đêm làm nhiệm vụ trên biển như lời Trung tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/16, khẳng định: Toàn thể cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại nhà giàn đã xác định rõ ràng trách nhiệm của mình khi được giao nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển, đảo.

Cán bộ, chiến sĩ tàu 261 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển quà Tết cho các nhà giàn và đưa đoàn đại biểu đi chúc Tết Canh tý 2020 an toàn. Ảnh: P. T

Cán bộ, chiến sĩ tàu 261 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển quà Tết cho các nhà giàn và đưa đoàn đại biểu đi chúc Tết Canh tý 2020 an toàn. Ảnh: P. T

“Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”

Sẽ là không trọn vẹn, nếu tôi không nhắc về những cán bộ, thủy thủy đoàn, những người làm công tác hậu cần trên con tàu 261. Ngày cuối cùng của đợt thăm và chúc Tết, giữa những con sóng vỗ mạn thuyền, khi ngồi đặt bút viết vài lời nhắn gửi vào sổ vàng truyền thống của 261, tôi vẫn không nghĩ là thời gian đã trôi đi nhanh như vậy. 261 sẽ là một phần ký ức mà tôi và các đồng nghiệp mãi không thể nào quên trong đời.

Đó là những con người cũng để lại thanh xuân trên tàu và trên biển, như thuyền phó Thiếu tá Hoàng Thanh Hợp. Suốt cả hải trình, hình ảnh anh đứng mũi tàu chỉ huy đưa, nhận hàng mỗi khi đến nhà giàn vững chãi và rắn chắc đã khiến chúng tôi yên tâm bội phần, dù biển ngoài kia vẫn dâng trào nhiều cơn sóng dữ. Hoặc đó là những con người vẫn còn rất xuân như Thiếu úy Phan Tiến Đức, chốc chốc lại động viên: “Các anh chị cố lên, chỉ một, hai ngày quen sóng là các anh chị sẽ không mệt nữa”. Hay Thiếu úy Đặng Thái Sơn với kinh nghiệm năm, sáu năm trên tàu đã nhanh nhẹn hướng dẫn các PV, nhà báo đi thế nào cho vững khi tàu nghiêng 45 độ sóng.

Ngày cuối cùng trên tàu, tôi mới có dịp trò chuyện lâu hơn với Đại úy Lê Huy Viên, Chính trị viên tàu 261. Chỉ bởi vì suốt hải trình, Đại úy Lê Huy Viên rất bận, lúc thì ngó phòng này phòng kia để hỏi xem mọi người có ăn, ngủ được không, có say sóng không, lúc thì phải chuẩn bị nội dung, chương trình cho tối giao lưu đón giao thừa trên biển. Lúc thì phải chuẩn bị các công tác đưa đoàn đại biểu lên giàn, đón đoàn đại biểu về tàu. Đại úy Lê Huy Viên cũng như bao người lính hải quân khác, lúc vợ sinh hai con nhỏ cũng không thể về nhà, đến kỳ nghỉ phép, trở về gia đình anh phải tập làm quen với con, tập làm cha theo đúng nghĩa. Phút chia tay, anh bịn rịn khó nói thành lời, chỉ nhắn mọi người đừng quên tàu 261 nhé.

Liệu chúng tôi có thể quên không, những ngôi nhà trên biển, những lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển? Sao mà quên được, khi mùa xuân này có được, cũng một phần là bởi những hi sinh lặng thầm của các anh! Như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng viết:

“Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”

Một lần theo các anh về nhà, chúng tôi đều nhận ra giá trị đích thực của chuyến đi này, ấy là khi biển đảo và đất liền gần gũi hơn, là khi chúng tôi yêu quý từng tấc đất, từng vùng biển, từng vùng trời của quê hương hơn. Là khi chúng tôi nhận ra rằng, biển trời này, tấc đất này ta yêu, những con người này ta yêu, ta thân.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/theo-anh-vuot-song-ve-nha-ky-cuoi-vuot-ngon-phong-ba-giu-mua-xuan-que-nha-179066.html