Thênh thang đường về miền Tây

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến vào cuối tháng 12-2020, cho xe lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và chính thức đưa vào sử dụng trong năm 2021. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2022... Đường từ thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây trở nên gần và thênh thang đến thế.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến cho xe dưới 16 chỗ được lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tết có đường mới

Quãng đường từ thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Cần Thơ, thủ phủ miền Tây, tuy chỉ 170km, nhưng lâu nay người và phương tiện vẫn phải đi mất khoảng 4 giờ đồng hồ. Trên tuyến này mới chỉ có 50km đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (điểm cuối thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), còn lại là phải đi trên quốc lộ 1 cũ, nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn, nhất là vào dịp lễ, Tết.

Bao năm qua, người dân miền Tây mong mỏi có tuyến cao tốc nối thông từ thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây. Nay, điều đó sắp trở thành hiện thực, với 3 dự án đang được khẩn trương triển khai: Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; dự án cầu Mỹ Thuận 2 và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến cho xe dưới 16 chỗ sẽ được đưa vào khai thác trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến 51,1km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe cơ giới. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tỉnh Tiền Giang) và điểm cuối ở nút giao với quốc lộ 30 (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Những ngày này, công trường toàn tuyến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhộn nhịp hoạt động 24/24 giờ.

Ông Nguyễn Tấn Ðông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp thực hiện dự án) cho biết, toàn dự án đã triển khai thi công 34/36 gói thầu xây lắp. Về phần cầu, đang triển khai thi công 51/51 cầu, trong đó có 39 cầu trên tuyến chính dự kiến hoàn thành trước ngày 20-12-2020.

“Chúng tôi phấn đấu hoàn thành các hạng mục cơ bản trên tuyến chính trong tháng 12-2020, kịp thời phục vụ một phần nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Dự kiến, các xe chở khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn sẽ được đi trên con đường này. Hơn 1.500 công nhân cùng hơn 1.000 phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ thi công 3 ca vì mục tiêu đó”, ông Nguyễn Tấn Đông cho biết.

Mong chờ những công trình mới

Trong khi đó, tại dự án cầu Mỹ Thuận 2, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức triển khai thi công xây dựng từ ngày 19-8-2020. Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 350m về phía thượng lưu.

Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái), dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Toàn dự án cầu có chiều dài 6,61km, trong đó chiều dài phần đường dẫn khoảng 4,7km. Chiều dài cầu Mỹ Thuận 2 khoảng 1,906km. Ðiểm đầu của dự án khớp nối vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung, điểm cuối khớp nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao quốc lộ 80. Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải), dự kiến đến tháng 12-2023, công trình sẽ được hoàn thành.

Với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, toàn tuyến có chiều dài khoảng 22,97km. Điểm đầu là đoạn kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 tại thành phố Vĩnh Long và điểm cuối tại nút giao thông Chà Và kết nối quốc lộ 1 (Vĩnh Long). Giai đoạn 1 xây dựng mặt đường cao tốc rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông, với tổng vốn đầu tư 4.827,3 tỷ đồng; đến giai đoạn hoàn chỉnh sẽ xây dựng mặt đường cao tốc rộng 32,25m cho 6 làn xe lưu thông.

Phối cảnh nút giao thông điểm đầu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sắp được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2023.

Ông Phan Duy Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án sẽ được khởi công cuối năm 2020 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2022, tiến tới hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023. Tính đến tháng 12-2020, các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp đã hoàn thành bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Người dân các tỉnh miền Tây đang rất trông ngóng các dự án cao tốc nối thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ được hoàn thành. Ông Lê Văn Tráng, 68 tuổi, có đất trong diện tích giải tỏa khu vực cầu vượt tỉnh lộ 861, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nói: “Người dân chúng tôi đã mong ngóng những con đường này suốt 12 năm qua, để không còn phải gặp cảnh kẹt xe, tắc đường trên tuyến quốc lộ 1. Chúng tôi đã hợp tác bàn giao mặt bằng và mong mỏi các bên sớm hoàn thành dự án”.

Minh Điền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/985861/thenh-thang-duong-ve-mien-tay