Thênh thang đồng lúa miền Tây

Khu vực biên giới tỉnh Long An ngày cuối năm, từng nếp nhà khang trang thấp thoáng sau những đồng lúa xanh tốt. Dọc theo các tuyến đường rộng thênh thang, tôi không chỉ cảm nhận được hương lúa thơm ngát, mà còn thấy được sức sống mới đang bừng lên cùng mùa Xuân ấm áp sắp về nơi cửa ngõ miền Tây.

Nông dân xã Bình Hiệp thu hoạch lúa trên cánh đồng ứng dụng công nghệ cao-chất lượng cao. Ảnh: Hồ Phúc

Từ trung tâm thị xã Kiến Tường (Long An), chạy theo trục Quốc lộ 62 khoảng 8 cây số là đến vùng biên giới Long An yên bình. Trên đồng, bà con xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường đang hối hả với những công việc cuối năm của nhà nông. Dọc theo tuyến biên giới với nước bạn Cam-pu-chia là những xóm ấp trù phú với những căn nhà ngói đỏ, mái tôn mọc lên ngày càng nhiều. Trước thềm nhà của nhiều gia đình đã kịp chuẩn bị xong những chậu mai vàng được trang trí rất đẹp mắt, chuẩn bị đón năm mới.

Tết này, bà con Bình Hiệp sẽ vui hơn Tết, vì năm qua, mùa màng bội thu. Còn với gia đình ông Huỳnh Văn Địch (sinh năm 1965), trú tại ấp Ông Nhan Đông, niềm vui lại nhân lên gấp bội vì sau nhiều năm vất vả, lam lũ, giờ đây, ông đã thoát nghèo, trở nên khấm khá trên chính mảnh ruộng của gia đình mình. Được biết, từ khi diện tích lúa của gia đình ông Địch sản xuất theo mô hình ứng dụng chất lượng cao - công nghệ cao và được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chọn giống, ươm giống đến phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa tăng lên đáng kể so với nhiều năm trước.

Trong ngôi nhà rộng hơn 120 mét vuông vừa được sửa sang lại để đón năm mới, ông Địch phấn khởi bày tỏ: “Năm này được mùa nhất rồi đó, ai cũng vui vẻ. Từ năm 2016, 2ha lúa của gia đình tôi sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao chất lượng cao nên năng suất cao hơn nhiều so với các năm trước, lại tiết kiệm được nhiều thứ như giống, phân, thuốc trừ sâu... Khoái nhất là khỏi phải tốn công phơi sấy, khỏi phải tốn bao, lưới đậy vì mấy thứ đó đã có doanh nghiệp lo dùm bà con mình rồi. Khi chưa có mô hình, cả nhà phải ngồi vá tới hàng chục cái bao đựng lúa, mờ hết hai con mắt. Lại còn phân công nhau đi canh, đi chở lúa ngoài đồng. Vụ lúa vừa qua, chúng tôi chỉ cầm mớ dây thong dong đi theo máy gặt liên hợp để cột bao thôi, bởi máy cắt về tận nơi, bao đưa sẵn, nếu thấy được giá chỉ cần ngó lên bảng cân điện tử rồi lấy tiền về nhà. Cùng một diện tích, năm nay ruộng nhà tôi năng suất khoảng 7,5 tấn/ha, cao hơn so với những năm trước hơn 1 tấn”.

Nhấp chén trà nóng, ông Địch nói tiếp: “Ngoài nguồn thu nhập từ trồng lúa, gia đình tôi còn trồng hơn 500 mét vuông rau xanh các loại, bình quân mỗi ngày thu được khoảng 200 đến 250 nghìn đồng từ tiền bán rau. Khoản thu nhập đó đủ chi phí cho 6 thành viên trong gia đình sinh hoạt hằng ngày. Nhẩm tính năm vừa rồi, nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp trừ chi phí, gia đình tôi còn lời hơn 140 triệu đồng. Vì vậy, vợ chồng tôi đã quyết định chi 100 triệu sửa sang lại ngôi nhà ở để đón năm mới”.

Ông Dũng chia sẻ với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp về mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình. Ảnh: Hồ Phúc

Cùng chung niềm vui được mùa như ông Địch là ông Võ Văn Dũng (sinh năm 1950), trú tại ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp. Ông Dũng là một điển hình xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp và cũng là một tấm gương tiêu biểu cùng với BĐBP bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Hơn 60 năm gắn bó với mảnh đất Bình Hiệp, trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, nhờ ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, ông Dũng đã gây dựng cuộc sống khá giả ngay trên chính mảnh đất ông cha để lại. Thời gian qua, ngoài nguồn thu nhập từ 3ha lúa được sản xuất theo mô hình chất lượng cao – công nghệ cao, ông Địch còn xây dựng thành công mô hình chăn nuôi tổng hợp. Hiện tại, gia đình ông có diện tích hơn 2.000 mét vuông ao nuôi cá, 11 con bò, 200 con gà, bình quân thu nhập từ nông nghiệp đưa về cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng/năm.

Chỉ tay hướng về phía cánh đồng rộng lớn, ông Dũng vui vẻ nói: “Hồi trước, khu vực này chỉ toàn là bãi đất bỏ hoang, những vùng đầm lầy nhiều cỏ dại, tụi tôi chỉ quanh quẩn với con tôm, con cá nên cuộc sống cứ cầm chừng, đắp đổi qua ngày. Tết đến, ai cũng lo ngay ngáy bởi gánh nặng cơm áo trong những ngày đầu năm. Tuy nhiên, với suy nghĩ không để cho cái khó, cái nghèo đeo bám mãi được nên chúng tôi đã tiến hành cải tạo các khu vực đầm lầy, những bãi đất chua phèn thành những đồng ruộng màu mỡ. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo từ đó. Đặc biệt, khi tham gia vào cánh đồng ứng dụng công nghệ cao-chất lượng cao, tôi và bà con được nhiều cái lợi lắm, tiết kiệm được chi phí sản xuất mà năng suất lại cao hơn trước nhiều. Do có thu nhập khá hơn nên cái Tết của chúng tôi có phần tươm tất, đàng hoàng hơn trước nhiều”.

Nối tiếp những thành công ban đầu, nhiều địa phương ở Long An, trong đó có xã Bình Hiệp đã triển khai và nhân rộng mô hình cánh đồng ứng dụng công nghệ cao-chất lượng cao. Người nông dân được cán bộ khuyến nông xuống tận địa bàn hỗ trợ, hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, từ khâu ươm giống đến phun thuốc phòng trừ sâu bệnh... Nhờ vậy, sau một thời gian thực hiện, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất lúa tăng, lợi nhuận được nâng lên đáng kể, cuộc sống người dân cũng đổi thay từng ngày. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người xã Bình Hiệp hơn 41 triệu đồng/người/năm.

Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp chia sẻ: “Toàn xã hiện có hơn 661ha lúa ứng dụng công nghệ cao-chất lượng cao. Việc áp dụng khoa học-công nghệ trong nông nghiệp không chỉ giúp bà con giảm bớt chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, tăng thu nhập, mà còn góp phần phát huy tinh thần hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Ngoài tập trung vào cây lúa, người dân còn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng khác như nuôi trâu, bò, trồng rau sạch, dưa hấu... Cũng nhờ những bước tiến trong nông nghiệp mà bây giờ, điều kiện sống của người nông dân được cải thiện hơn trước. Nhiều gia đình vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất của mình và trở thành tấm gương điển hình trong lao động sản xuất”.

Hồ Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thenh-thang-dong-lua-mien-tay/