Thêm yêu văn học, văn hóa dân gian

'Thiện và Ác và Cổ tích' là cuốn sách nghệ thuật (artbook) đầu tay của tác giả Thủy Nguyên, vừa được Nhà Xuất bản Kim Đồng cho ra mắt với mong muốn trẻ em thêm yêu văn học và văn hóa dân gian. Cuốn sách không chỉ đẹp qua phần minh họa của 17 họa sĩ trẻ, mà còn gây ấn tượng ở cách kể lại những truyện cổ tích quen thuộc.

Tác giả Thủy Nguyên sinh năm 1986, theo học ngành văn học rồi tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ Văn hóa học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Chị kể: “Quê cha tôi ở miền núi Đông Bắc. Tôi sinh ra ở miền Trung, lớn lên theo lời ru của bà, của mẹ. Chuyển vào miền Nam khi 5 tuổi, tôi có một hành trình đắm mình trong văn hóa phương Nam… Những vùng đất và sự dìu dắt từ gia đình đã cho tôi tình yêu văn hóa và sách vở. Khi làm mẹ, tôi càng ước mong bồi đắp tâm hồn con thơ bằng kho tàng văn hóa dân gian, bắt đầu từ lời ru và các câu chuyện cổ”. Đó là lý do Thủy Nguyên bước vào con đường làm sách cho thiếu nhi.

“Thiện và Ác và Cổ tích” là cuốn sách kể những câu chuyện cổ tích, gồm 16 tác phẩm chọn lọc từ kho tàng dân gian Việt Nam. Điều đặc biệt trước tiên nằm ở cách đưa độc giả tiếp cận truyện cổ không theo lối thông thường. Truyện cổ tích thường tồn tại hai tuyến nhân vật đối lập, đại diện cho phe thiện và phe ác.

Qua giọng kể ở ngôi thứ ba, người đọc dễ dàng nhận ra nhân vật nào đại diện cho phần thiện và nhân vật nào đại diện cho phần ác. Ở “Thiện và Ác và Cổ tích”, độc giả được du hành vào thế giới cổ tích qua lời kể của các nhân vật chính, xưng tôi hoặc ta. Đáng nói ở cách kể này là lần đầu tiên phe ác được lên tiếng, đôi khi thanh minh cho hành động của mình.

Hãy nghe nhân vật người anh trong “Cây khế” giãi bày: “Của cải trong thiên hạ có giới hạn, không thể chia đều cho tất cả mọi người. Để chiếm được phần nhiều, tôi cho rằng phải mưu mô, xảo quyệt… Thằng em trai tôi là đứa ngờ nghệch. Nếu chia cho nó nửa gia tài cha mẹ để lại, nó làm tiêu tán hết thì sao?”.

Hay Thủy Tinh giải thích lý do mình đến muộn: “Nghe vua ra điều kiện, ta khá lo lắng vì sính lễ toàn là những sản vật chỉ có ở trên cạn và núi rừng. Ta tốn nhiều công sức để chuẩn bị sính lễ. Nhưng khi ta đến thì vua đã gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh mất rồi. Ta đùng đùng nổi giận đuổi theo đối thủ”.

Rồi anh chàng Thiên sáng dạ trong “Của thiên trả địa” được bạn thân tên Địa nuôi ăn học thành tài đã “thanh minh” vì sao mình lại quên luôn bạn: “Nghe lính vào thưa rằng Địa nhắc chuyện ngày xưa tôi nghèo khổ thế nào, hắn nuôi tôi ăn học ra sao, tôi giận dữ lắm. Hắn muốn bêu xấu tôi hay sao?”… Người biên soạn không hề thay đổi cốt truyện, không đưa những chi tiết gây “sốc” mà cứ nhẹ nhàng thuyết phục, để người đọc đồng cảm hơn với các nhân vật...

Không chỉ độc đáo ở cách kể, “Thiện và Ác và Cổ tích” còn cuốn hút ở phần nhìn. Trong mỗi trang sách, choán phần lớn diện tích là các bức tranh minh họa nội dung do những cây cọ trẻ thể hiện. Đáng nói là các họa sĩ khai thác nhiều đường nét, họa tiết truyền thống và thể hiện theo thẩm mỹ đương đại, nên rất “bắt mắt” độc giả hôm nay. Không phải từ “đặt hàng” của người biên soạn hay nhà xuất bản, phong cách ấy đã định hình ở mỗi họa sĩ.

Như họa sĩ Võ Huỳnh Phú tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã thích vẽ và tìm hiểu văn hóa dân gian. Sự phong phú của văn hóa Việt luôn làm tôi kinh ngạc, thôi thúc tôi tìm tòi. Vì thế, tôi muốn vẽ những đề tài đậm chất Việt Nam, với mong muốn truyền cảm hứng và cùng mọi người giữ gìn, bồi đắp nét đẹp văn hóa mà cha ông để lại”.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/924801/them-yeu-van-hoc-van-hoa-dan-gian