Thêm vụ cháy nổ từ việc hàn xì gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Vụ cháy nhà hàng Ruby (khu phố 4, phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) khiến 7 người tử vong được xác định là do quá trình hàn xì dẫn đến xảy ra cháy…

Theo Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an TP Hồ Chí Minh, thực trạng nhức nhối do hàn cắt kim loại gây ra những hậu quả thương tâm, thiệt hại lớn về người và tài sản đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng vẫn không có chuyển biến rõ rệt. Vụ cháy nhà hàng Ruby (khu phố 4, phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) khiến 7 người tử vong được xác định là do quá trình hàn xì dẫn đến xảy ra cháy…

Hậu quả đau lòng do sự bất cẩn khi hàn xì

Vụ cháy nhà hàng Ruby xảy ra vào chiều 21-12-2018 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 14h10 cùng ngày, người dân nghe tiếng nổ lớn và khói bốc lên mái nhà tại nhà hàng Ruby nên đã hô hoán mọi người tìm cách khống chế ngọn lửa và cấp báo cho Cảnh sát PCCC.

Ông Đỗ Văn Chính, bảo vệ nhà hàng đối diện Ruby kể lại: "Lúc đó, tôi thấy khói tràn ra ngoài từ cửa chính của nhà hàng và tiếng nổ lớn phát ra. Sau đó, ngọn lửa bốc cao và cháy lên bảng nhựa. Tôi có nghe tiếng la hét của những người bên trong, nhưng khói lửa đã bịt kín cửa nên không ai ra vào được. Tôi hô hoán những người xung quanh dập lửa và gọi điện cho Cảnh sát PCCC".

Theo ông Chính, những người làm việc phía trong nhà hàng đã đóng cửa ngoài nên khi xảy ra cháy, không ai thoát ra được. Và người bên ngoài cũng không thể mở cửa vào trong được… Chỉ khi xe cứu hỏa đến thì những người bên trong mới được cứu ra nhưng đã muộn.

Nhận tin báo của người dân, Công an thị xã Long Khánh cùng Đội PCCC&CNCH thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã điều động 6 xe chữa cháy chuyên dụng và gần 100 cán bộ chiến sĩ tham gia phá cửa, đục tường để cứu các nạn nhân ra ngoài và dập tắt đám cháy.

Theo Trung tá Mai Công Luận, Phó Trưởng Công an thị xã Long Khánh, đến 14 giờ 30, đám cháy được dập tắt hoàn toàn và nạn nhân đầu tiên được đưa ra ngoài. Khoảng 15 phút sau, tất cả 7 nạn nhân bên trong được đưa ra ngoài đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.

Trong đó, 6 nạn nhân được xác định đã tử vong ngày 21-12 bao gồm: Hà Trọng Khánh (16 tuổi), Hà Trọng Thái (15 tuổi), Trần Văn Đạt (26 tuổi), Vũ Ngọc Cường (22 tuổi), đều trú tại xã Bàu Trâm, Đặng Hoài Phương (30 tuổi, trú tại xã Bàu Sen), Phạm Hữu Khánh Duy (35 tuổi, quản lý nhà hàng Ruby trú tại phường Xuân An). Ngày 23-12, nạn nhân thứ 7 là Lê Quân Cản (35 tuổi, trú tại thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cũng đã tử vong...

Hầu như tất cả tài sản bên trong nhà hàng Ruby bị thiêu rụi.

Qua khám nghiệm hiện trường, nguyên nhân ban đầu được xác định, quán Ruby bắt đầu hoạt động kinh doanh ăn uống trước đó khoảng 1 tháng và đang trong quá trình sửa chữa làm quán karaoke. Ngày 21-12, có 6 nhân công đóng kín cửa thực hiện việc tu sửa quán. Tuy nhiên, trong quá trình hàn xì thì tia lửa điện máy hàn bất ngờ bén sang những vật liệu dễ cháy. Sau đó, cháy lan sang làm nổ máy lạnh khiến các công nhân gặp nạn.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an Đồng Nai, nhà hàng Ruby rộng 280m2, được thiết kế khép kín như quán bar, có nhiều mút xốp cách âm. Do ngôi nhà thuộc dạng nhà ống, chỉ có một lối thoát nên khi xảy ra cháy, các nạn nhân chạy vào nhà vệ sinh, bị ngạt khói và tử vong. Vụ cháy đã khiến toàn bộ tài sản bên trong quán bị thiêu rụi hoàn toàn.

Liên quan đến vụ cháy, Công an thị xã Long Khánh đã tạm giữ Cao Văn Toàn (29 tuổi, quê Bình Thuận), người đứng ra nhận thầu công trình sửa chữa nhà hàng xảy ra vụ cháy. Trong lúc xảy ra vụ cháy, nhà thầu Cao Văn Toàn không có mặt vì đang đi mua đồ bên ngoài.

Những nguy cơ tiềm ẩn luôn rình rập

Vụ cháy này thêm một lần nữa cho thấy việc hàn cắt kim loại tưởng không có gì quá nguy hiểm nhưng nếu sơ ý, không thao tác cẩn trọng vẫn có thể gây ra những hậu quả thương tâm, thiệt hại lớn về người và tài sản.

Có lẽ không ai có thể quên được vụ cháy xảy ra ngày 1-11-2016 tại quán karaoke ở đường Trần Thái Tông, phường Cầu Giấy, Hà Nội, cũng do hàn cắt kim loại gây ra. Hậu quả của vụ cháy thật thảm khốc khi có tới 13 người thiệt mạng. Mặt tiền 4 căn nhà cao 8 tầng bị thiêu rụi hoàn toàn. Nhiều xe máy và ôtô bị hư hỏng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do khi cắt bản lề cửa ở tầng 2, thợ hàn đã để tia lửa bắn lên vách, bắt cháy và ngọn lửa lan rộng.

Hay gần đây vào sáng 29-7-2017, xưởng bánh kẹo ở huyện Hoài Đức, Hà Nội rộng 170m², mặt tiền khoảng 7m đang sửa chữa, thợ hàn xì trong quá trình làm việc đã để bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ốp xốp dẫn đến bùng cháy dữ dội. Khi ngọn lửa lan rộng, cửa ra vào duy nhất đã sập xuống khiến nhiều công nhân ở trong không có đường thoát ra ngoài. Hậu quả, 8 người mắc kẹt bên trong đã tử vong, 2 nạn nhân khác bị thương…

Còn khá nhiều vụ cháy khác gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chủ yếu là do hàn cắt kim loại không đảm bảo an toàn PCCC. Chủ các cơ sở cũng chủ quan, thiếu trách nhiệm và không quan tâm đến an toàn PCCC; công nhân, thợ hàn thiếu kiến thức về PCCC.

Một trong số nạn nhân được đưa ra ngoài sau khi dập tắt đám cháy.

Thượng tá Huỳnh Quang Tâm cho biết, theo thống kê, khảo sát nhận thấy phần lớn các cơ sở hàn cắt kim loại là những cơ sở nhỏ và vừa nên việc huấn luyện về nghiệp vụ PCCC rất hạn chế, công nhân không được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về PCCC.

Khi hàn cắt kim loại không có các biện pháp an toàn PCCC. Sử dụng các thiết bị hàn cắt (bình O2, gas, C2H2…) không đảm bảo an toàn. Đáng nói là trong quá trình hàn cắt họ đã không cử người trông coi; không có biện pháp cách ly các vật liệu, hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt; không trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy cần thiết tại khu vực hàn cắt; không chú ý đến tính an toàn của dụng cụ sử dụng để hàn cắt…

Đặc biệt, người trực tiếp tổ chức hàn cắt kim loại thường không được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC; không nắm được những đặc tính nguy hiểm cháy nổ của hàn cắt kim loại; không biết các biện pháp phòng ngừa sự cố cháy nổ.

Khi xảy ra sự cố, thợ hàn cắt kim loại cũng không biết sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nên thường không giữ được bình tĩnh, lúng túng, sợ hãi; không biết cách xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, thậm chí còn bỏ chạy khiến đám cháy lan nhanh dẫn đến cháy lớn, gây ra những hậu quả khó lường.

Thượng tá Huỳnh Quang Tâm nhấn mạnh, những thợ sử dụng ngọn lửa có nhiệt độ cao để làm nóng chảy kim loại và cho chúng dính kết với nhau theo tiêu chuẩn gọi là hàn. Còn nếu sử dụng khí cháy có nhiệt độ cao hơn để làm nóng chảy các tấm - thanh kim loại thành các tấm - thanh có kích thước cần dùng, hoặc khi phá dỡ các kết cấu kim loại liên kết với nhau được gọi là cắt.

Ngọn lửa các khí cháy có thể sử dụng khí axêtylen, khí đốt hóa lỏng (LPG) được nạp sẵn trong các bình chứa khí cùng với các bình chứa khí ôxy. Khi muốn sử dụng chỉ cần có thêm thiết bị chuyên dùng gọi là mỏ hàn. Ngoài phương pháp hàn cắt kim loại sử dụng khí axêtylen hay khí đốt hóa lỏng, còn dùng phương pháp hàn điện.

Khi hàn cắt kim loại, nhiệt độ tâm ngọn lửa đạt tới 3.000°C, nhiệt độ mối hàn khoảng 1.700°C - 1.800°C. Trong quá trình hàn cắt kim loại sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng chảy (nhiệt độ đạt trên 1.000°C) bắn tung tóe ra xung quanh rất dễ gây cháy khi tiếp xúc với các vật liệu cháy.

Đặc biệt, quy trình cắt kim loại có quá trình dùng luồng ôxy có lưu lượng và áp lực lớn thổi bạt lớp ôxít kim loại và một phần kim loại nóng chảy ra ngoài. Khi các hạt kim loại nóng chảy với nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm mút… (nhiệt độ bắt cháy khoảng 250°C - 400°C) sẽ rất dễ gây cháy. Nếu không được phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý ban đầu, đám cháy sẽ phát triển mạnh; vận tốc cháy lan tăng dần, dẫn đến cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Do đó, khi hiểu được bản chất của việc hàn cắt kim loại với khá nhiều nguy cơ như vậy, người dân, người chủ cơ sở và các thợ hàn xì cần chú ý nêu cao trách nhiệm về PCCC, quan tâm và đầu tư cho công tác PCCC. Cần cập nhật, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, đặc tính nguy hiểm cháy, nổ của quá trình hàn cắt kim loại, kiến thức về an toàn nói chung, an toàn cháy, nổ nói riêng trong quá trình hàn cắt.

Trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ. Khi hàn cắt kim loại phải cử người trông coi. Có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt và ít nhất có mặt sau 30 phút, kiểm tra thật kỹ trước khi kết thúc việc hàn cắt.

Ngoài ra, cần trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Thợ hàn phải được tập huấn về nghiệp vụ PCCC; nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ trong hàn cắt kim loại; biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh…

Phú Lữ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/them-vu-chay-no-tu-viec-han-xi-gay-hau-qua-dac-biet-nghiem-trong-526491/