Thêm tin yêu vào cuộc sống

Lễ trao học bổng Vượt khó vì tương lai lần thứ XVIII-2020 do Báo Đồng Nai phối hợp với đơn vị tài trợ là Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) sẽ được tổ chức vào ngày 2-12 tới đây tại Văn miếu Trấn Biên.

Em Trần Thị Trang, lớp 8A Trường THCS Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) với bà cố. Ảnh: Hải Yến

Em Trần Thị Trang, lớp 8A Trường THCS Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) với bà cố. Ảnh: Hải Yến

Mỗi suất học bổng Vượt khó vì tương lai trị giá 2 triệu đồng, tuy không nhiều nhưng cũng giúp các học trò nghèo trang trải được ít nhiều cho cuộc sống. Điều quan trọng là suất học bổng này đã góp phần giúp các em cảm thấy mình được quan tâm, yêu thương, trở thành động lực tinh thần để các em vững tin bước tiếp chặng đường tương lai, dù biết rằng phía trước còn nhiều gian nan…

* Cô học trò chuyên đi nhờ xe

Em Lê Thị Huyền Trang, lớp 9/2 Trường TH-THCS Mã Đà (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Mẹ của em là giáo viên dạy tiểu học tại phân hiệu C3 của Trường TH-THCS Mã Đà. Đồng lương giáo viên của mẹ cộng với sự chịu thương, chịu khó làm nông của cha lẽ ra sẽ giúp cho gia đình nhỏ của Huyền Trang yên ấm.

Nhưng 2 năm trước, khi mẹ mang thai người em út thì cha không may bị tai nạn làm giảm sức lao động. Người em út sinh ra lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Suốt nửa năm trời, mẹ và em nằm bệnh viện, Huyền Trang hầu như phải tự lo liệu mọi việc trong nhà. Hiện nay, dù em trai út đã phẫu thuật thay van tim nhưng bệnh tình vẫn chưa khỏi hẳn. Bé còn bị tăng áp phổi, cứ 45 ngày gia đình lại phải đưa em đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tái khám một lần. Ngoài ra, chi phí thuốc men cho em cũng hết hơn 1 triệu đồng/tháng. Gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng túng quẫn hơn.

Dù vậy, Huyền Trang vẫn rất siêng năng học tập. Hằng ngày, em thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để đón xe buýt lên trung tâm xã học. Xe đưa rước sẽ chở học sinh về nhà vào giờ trưa nhưng vì Huyền Trang phải ở lại để học bồi dưỡng học sinh giỏi nên buổi chiều em phải tự “quá giang” để về nhà.

Em Lê Thị Huyền Trang, lớp 9/2 Trường TH-THCS Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) đang đọc sách tại Thư viện trường.

Đối với Huyền Trang, việc “quá giang” xe đã trở nên quá bình thường nhưng mẹ của em - cô Lê Thị Lài thì không thôi lo lắng. Cô Lài kể: “Bình thường, bé sẽ về đến nhà vào khoảng 17 giờ 30. Nhưng có hôm tôi đi dạy lớp học tình thương về nhà đã hơn 18 giờ mà chẳng thấy con đâu nên vội vàng đi tìm. Một lúc sau thì gặp bé đang đi bộ về vì xe của người cho đi quá giang bị hư. Để con phải đi nhờ xe như vậy tôi không thể yên tâm song không còn cách nào khác ngoài dặn con là nhìn thấy người quen thì hẵng đi nhờ”- cô Lài lo lắng nói.

Hiện nay, Huyền Trang đang tích cực ôn luyện để tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Chia sẻ về ước mơ của riêng mình, Huyền Trang cho biết: “Trước đây, con từng mơ ước làm bác sĩ. Ước mơ đó giờ vẫn còn nhưng con tạm gác lại, lo học cho thật tốt trước đã”.

Cô Lài cho biết thêm, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô có ý định để con học hết lớp 9 rồi đi học nghề. Nhưng khi nghe điều này bé có vẻ buồn. Bản thân cô cũng chưa biết tiếp theo sẽ lo cho con ăn học thế nào.

Gia đình khó khăn là vậy nhưng cô Lài vẫn quên mình để giúp đỡ người khác. Hiện nay, cô đang dạy 2 lớp học tình thương xóa mù chữ ở phân hiệu C3 và phân hiệu Suối Tượng, mỗi lớp dạy 2 buổi/tuần. Cô còn thường xuyên kết nối với các mạnh thường quân để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương hoặc những người mà cô quen biết.

Điều đặc biệt là cô chỉ xin cho người mà không nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của mình. Tâm niệm của cô là có thể giúp được nhiều người để tạo phước cho các con, cầu mong con được bình an, khỏi bệnh. Hiểu được vất vả của mẹ, Huyền Trang không dám đòi hỏi gì mà chỉ lặng lẽ cố gắng học thật tốt.

* Cuộc đời bù đắp nhiều niềm vui

Từ khi sinh ra đến nay, em Trần Thị Trang, lớp 8A Trường THCS Thiện Tân (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) chưa một lần được gặp cha. Khi mới tròn 1 tháng tuổi, mẹ không nuôi nổi nên có ý định gửi em cho người khác nuôi. Bà cố ngoại không đành lòng mất đi người cháu nên nhận em về nuôi. Mười mấy năm nay, 2 bà cháu nương tựa nhau mà sống. Bà cố đã già không còn khả năng lao động nên mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình đều phải trông cậy vào các con của bà, những người mà Trang gọi là ông, bà ngoại.

Quê gốc của Trang vốn ở tỉnh Tiền Giang, các ông bà của Trang đi làm ăn ở khắp nơi. Đi đến đâu thì đưa em theo đến đó. Cách đây 6 năm, họ đến sinh sống tại ấp Vàm, xã Thiện Tân.

Hiện nay, Trang cùng bà cố đang ở trọ tại ấp Vàm. Căn phòng trọ cũ kỹ có giá thuê 500 ngàn đồng/tháng, đủ cho bà cháu có chỗ “chui ra chui vào”. Tài sản đáng giá nhất trong căn phòng là một chiếc xe máy điện. Đây là chiếc xe cũ mà Trang được cho. Nhưng đã lâu rồi, chiếc xe nằm im trong góc phòng vì bị hư mà Trang thì không có tiền để sửa. Vậy là mỗi ngày, Trang đi bộ hơn 1km để đến trường.

Cố ngoại của Trang, bà Nguyễn Thị Mừng (83 tuổi), dự tính: “Tiền sửa chiếc xe này hết khoảng 2 triệu đồng. Đợi khi nào Út nó lên cho tiền rồi sửa”. Út là con gái út của bà Mừng, trước đây sống cùng bà và Trang. Từ ngày Út theo chồng về miền Tây Nam bộ, lâu lâu mới lên thăm mẹ, thăm cháu và cho ít tiền để cho Trang đóng học phí. Đồ ăn thức uống hằng ngày thì có “bà Ba, ông Ba” cho. Vợ chồng ông bà Ba là con thứ 3 của bà Mừng.

Đồng phục đi học thì 3 năm Trang mới mua 1 lần. Lúc mới mua, em chọn đồ thật rộng để trừ hao khi lớn lên. Khi nào đồ quá chật và cũ thì em mới mua bộ mới. “Con không muốn làm phiền ông bà nên mua đồ rộng để mặc được lâu” - Trang kể.

Nói về cháu cố của mình, bà Mừng rưng rưng nước mắt: “Cháu lo học như vậy, tui mừng lắm, có điều không nói ra. Các con có cho tiền tui cũng không dám xài, để tiền đó cho cháu cố đi học. Chừng nào hết thì nói với bà Ba cho chút đỉnh tiền để đi học”.

Dù sống trong sự thiếu thốn tình cảm của cả cha lẫn mẹ từ khi mới lọt lòng nhưng Trang vẫn giữ được cho mình tinh thần lạc quan, yêu đời. Trang nói rằng, tuy em thiếu thốn tình thương của cha mẹ nhưng bù lại, em được sống trong tình thương yêu, sự đùm bọc của các ông bà và bà cố. Dù kinh tế của các ông bà cũng khó khăn nhưng họ luôn đùm bọc, hỗ trợ mọi mặt để em theo đuổi việc học, chỉ mong em sau này có thể tự lo cho tương lai.

Đây là lần đầu tiên Trang được nhận học bổng nên em rất vui. Trang dự tính: “Con dùng tiền đó để đóng học phí học kỳ 2 và gửi cho bà Ba để phụ bà trang trải sinh hoạt”. Trong tương lai xa, Trang dự định sẽ đi học nghề để có việc làm, kiếm tiền nuôi bà cố...

100 học sinh sẽ được tiếp sức với trị giá mỗi suất học bổng là 2 triệu đồng. Danh sách học sinh nhận học bổng được các đơn vị phòng GD-ĐT chọn lựa là những học sinh đặc biệt khó khăn.

Trong đó, rất nhiều học sinh bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ, phải sống với ông bà đã già yếu. Nhiều trường hợp tuy cha mẹ còn sống nhưng vì hoàn cảnh riêng nên không ở bên cạnh để chăm sóc, dạy dỗ các em. Tuy thiếu vắng tình thương của cha mẹ nhưng bù lại, các em được ông bà, họ hàng, làng xóm cưu mang, đùm bọc. Vì vậy, các em luôn nỗ lực học tập tốt, rèn luyện đạo đức để trở thành “con ngoan, trò giỏi”.

Mỗi suất học bổng được trao không chỉ san sẻ bớt một phần khó khăn mà còn là lời động viên thiết thực để các em có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, có thêm nghị lực để bước tiếp chặng đường phía trước.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202011/hoc-bong-vuot-kho-vi-tuong-lai-lan-thu-xviii-2020-them-tin-yeu-vao-cuoc-song-3032760/