Thêm tin yêu người thầy thuốc chiến sĩ

Đó là lời của bà Đoàn Thị Bé, 69 tuổi, ở xã Liên Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) dành cho các thầy thuốc Bệnh viện Quân y (BVQY) 103, Học viện Quân y. Sau gần một tháng nằm điều trị tại đây, hơn ai hết, bà cảm nhận rõ tình cảm và trách nhiệm của các chiến sĩ áo trắng. Niềm tin yêu từ ngày nào nay càng thêm đậm đà, sâu sắc…

Kể với chúng tôi, bà Bé bảo, mấy năm gần đây, bà nhận thấy sức khỏe của mình sa sút. Đặc biệt, những cơn đau đầu cứ triền miên hành hạ. Bà đã đi khám ở nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc, cả đông y và tây y nhưng sự thuyên giảm không đáng kể. Nghĩ rằng bệnh người già ai cũng vậy nên bà cứ gắng gượng, âm thầm chịu đựng. Cho đến một ngày, khi thấy người quá yếu, bà mới chịu báo cho con cháu.

Nửa đêm ngày 25-3-2019, nhận cuộc điện thoại từ quê gọi lên Hà Nội, chị Đỗ Thị Giang, con dâu của bà Bé biết chuyện chẳng lành nên lập tức gọi xe cấp cứu đưa bà lên thẳng BVQY 103. Tại Bộ môn-Khoa Thần kinh, Đại úy, Thạc sĩ, BSCK I Trần Thị Ngọc Trường chẩn đoán bà bị đau đầu cấp. Cộng thêm những di chứng từ hai lần mổ mắt (thiên đầu thống), đặc biệt, động mạch cảnh trong của bà bị phình to, hình ảnh lồi lõm, lượng máu lưu thông lên não kém. Những tác động đó khiến bà mất ngủ dài ngày, không ăn uống được gì nên sức khỏe sa sút nghiêm trọng.

 Các thầy thuốc chiến sĩ Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Quân y 103) chăm sóc bệnh nhân Đoàn Thị Bé.

Các thầy thuốc chiến sĩ Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Quân y 103) chăm sóc bệnh nhân Đoàn Thị Bé.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, Đại úy Trần Thị Ngọc Trường một mặt xây dựng phác đồ điều trị, mặt khác thường xuyên gặp gỡ động viên tinh thần người bệnh, bởi hơn ai hết, những chiến sĩ áo trắng như chị hiểu sâu sắc tình trạng bệnh tật cũng như tâm lý của người già khi có bệnh nan y. Nhờ sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các thầy thuốc, sức khỏe của bà Đoàn Thị Bé ngày một tiến triển theo chiều hướng tích cực. Bà bắt đầu ăn ngủ được, niềm tin cuộc sống trở lại khi những cơn đau đầu không còn.

Tuy nhiên, khi những cơn đau thuyên giảm thì cũng là lúc bà Bé biết kết quả bác sĩ chỉ định phải can thiệp mạch, đặt stent đảo chiều dòng chảy. Nếu không, nguy cơ vỡ động mạch cảnh trong sẽ dẫn tới nguy hiểm tính mạng hoặc tàn phế suốt đời. Nỗi lo bệnh tật lại chồng lên nỗi lo tiền bạc khi bà biết chi phí cho việc chạy chữa lên đến hơn 300 triệu đồng. Chính vì thế, bà Bé tìm mọi cách thoái thác, mặc cho số phận bởi bà hiểu nếu can thiệp mạch thì gánh nặng tài chính sẽ đè xuống đôi vai con cháu.

Là người thầy thuốc, tiên lượng được nguy cơ của bệnh nhân trong khi khả năng y học hoàn toàn có thể ngăn chặn được hậu quả xấu khiến Đại tá, PGS, TS Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, BVQY 103 rất trăn trở. Sau nhiều ngày cùng các thầy thuốc phân tích, phối hợp cùng gia đình thuyết phục, động viên, rằng chính tính mạng, sức khỏe của bà mới là điểm tựa để con cháu yên tâm phấn đấu, bà Đoàn Thị Bé mới gật đầu đồng ý làm can thiệp mạch.

Để nâng cao thể trạng, bảo đảm an toàn cho kỹ thuật can thiệp mạch, đặt stent động mạch cảnh trong, Trung tá, TS Phạm Đức Minh, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng, BVQY 103 cùng các chuyên gia tính toán kỹ, bắt tay vào chăm sóc bà như chính những người thân trong gia đình. Chính từ tình cảm chân thành nên bà Bé luôn cố gắng ăn hết những định lượng, định suất do các bác sĩ dinh dưỡng chuẩn bị. Sự ân cần, chu đáo của các bác sĩ là liều thuốc thứ hai vực lại thể chất và tinh thần cho bệnh nhân, là cơ sở để ca can thiệp mạch, đặt stent đảo chiều dòng chảy của Trung tá, Thạc sĩ, BSCK I Đỗ Đức Thuần, chuyên gia can thiệp mạch của Khoa Đột quỵ thành công tốt đẹp.

Sau khi can thiệp mạch thành công, sức khỏe bà Đoàn Thị Bé tiến triển tích cực. Giờ đây, bà không còn bị những cơn đau hành hạ, mối lo đe dọa tính mạng được gỡ bỏ, bà sống hạnh phúc vui vầy bên con cháu. Tâm sự với chúng tôi, bà bảo, dù đã đi rất nhiều nơi, ở nhiều bệnh viện, thế nhưng không ở đâu bà thấy mình được quan tâm, săn sóc như ở BVQY 103. Từ những cán bộ, lãnh đạo đến y tá, hộ lý, ai ai cũng ân cần, trách nhiệm, tất cả một lòng vì bệnh nhân.

Không chỉ có bệnh nhân Đoàn Thị Bé mà còn nhiều bệnh nhân đã được các thầy thuốc, nhân viên y tế BVQY 103 tận tình điều trị. Đúng với những gì chúng tôi chứng kiến trong hội nghị tổng kết năm của BVQY 103 cuối năm 2018 vừa qua. Hôm ấy, Thiếu tướng, PGS, TS Trần Viết Tiến, Giám đốc BVQY 103 nói rằng: Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì y đức và y thuật cũng phải song hành cùng người thầy thuốc chiến sĩ. Đảng ủy, Ban giám đốc BVQY 103 đã, đang và sẽ luôn luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển bệnh viện, chăm lo giáo dục, rèn luyện đội ngũ thầy thuốc “3 trong 1” theo đúng tinh thần đó. Và có lẽ, đây chính là nền tảng, điều kiện, là yếu tố để BVQY 103 không ngừng phát triển, xứng đáng là bệnh viện thực hành mẫu mực của Học viện Quân y.

Bài và ảnh: HUY PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/them-tin-yeu-nguoi-thay-thuoc-chien-si-572843