Thêm thuận lợi để chuyển đổi số

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020, phê duyệt 'Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030', ngày 28-10-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt cấp phép về việc Cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số từ xa cho Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). Điều này đã tạo thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số.

VNPT - đơn vị đầu tiên được cấp phép dịch vụ chứng thực chữ ký số từ xa.

Mô hình ký số từ xa (Remote Signing) dù phát triển chưa lâu trên thế giới, nhưng đã nhang chóng được chứng minh tính hiệu quả, bảo mật trên các giao dịch điện tử, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

VNPT là đơn vị đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số từ xa. Chia sẻ về điều này ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Kinh doanh VNPT Thanh Hóa, cho biết: “Ngay sau thời điểm được cấp phép, Tập đoàn VNPT nói chung, VNPT Thanh Hóa nói riêng đã tổ chức các sự kiện truyền thông ra mắt dịch vụ; đồng thời tổ chức các hội thảo, làm việc với các doanh nghiệp để giới thiệu giải pháp, ứng dụng của giải pháp trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh”.

Đến nay, sau hơn 1 tháng kể từ khi dịch vụ ký số từ xa được triển khai sử dụng, VNPT Thanh Hóa đã chính thức cung cấp dịch vụ cho Công ty CP Cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, Công ty CP Anh Phát Petro để ký số trên các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hợp đồng điện tử, phần mềm số hóa tài liệu. Ngoài việc cung cấp dịch vụ VNPT SmartCA cho khách hàng ký số trên hệ thống quản trị nội bộ ERP, hay các hệ thống giao dịch dịch vụ công, VNPT còn là nhà cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng làm nền tảng để ký số, số hóa dữ liệu: Phần mềm Quản lý Tổng thể doanh nghiệp VNPT OneBusiness, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm Hợp đồng điện tử, Hóa đơn điện tử...

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Giám đốc VNPT Thanh Hóa, cho biết: Kể từ sau khi đại dịch COVID-19 diễn ra, chuỗi cung ứng bị đứt gãy đặt ra yêu cầu mọi công việc phải được giải quyết mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị. So với loại hình ký số trước đây, VNPT SmartCA thực hiện ký số từ xa có sự linh hoạt hơn khi có thể sử dụng trên nhiều loại thiết bị, bao gồm smartphone, tablet. Khi thực hiện ký số, VNPT SmartCA sẽ xác thực sinh trắc học của người ký (nhận dạng vân tay, khuôn mặt). Điều đó có nghĩa chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh thì ai cũng có thể sử dụng chữ ký số từ xa với chi phí rất thấp.

Đây là giải pháp mới, tiện lợi hơn cho khách hàng, nhưng việc triển khai lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như: sự quyết tâm thực hiện cải cách hành chính của cơ quan quản lý nhà nước; hay nhận thức số hóa, chuyển đổi số các hoạt động nội bộ trong doanh nghiệp để giảm thiểu sử dụng hồ sơ giấy; hoặc tâm lý ngại chuyển đổi...

Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Trong những năm gần đây, ngành ngân hàng đặc biệt chú trọng đến an ninh, an toàn bảo mật thông tin cho khách hàng. Điều này có thể thấy rõ nét nhất khi Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch lớn và nhiều ngân hàng đã triển khai trong các giao dịch chuyển tiền. Nhằm tạo sự tiện lợi cho khách hàng thì các ngân hàng sẵn sàng ứng dụng chữ ký số cho các giao dịch nhỏ lẻ, có giá trị thấp trong thời gian tới. Hiện tại, Vietinbank Thanh Hóa đang ứng dụng chữ ký số trong hoạt động nội bộ. Tuy nhiên để số hóa hoàn toàn quá trình ứng dụng chữ ký số, các ngân hàng đang rất cần giải pháp chữ ký số từ xa.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Kinh doanh VNPT Thanh Hóa, cho biết thêm: Để phát triển hình thức chữ ký số từ xa, VNPT mong muốn cung cấp giải pháp để công dân, doanh nghiệp có thể định danh, xác thực trên các hệ thống dịch vụ công quốc gia, tỉnh Thanh Hóa; phát triển xã hội số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Đồng thời, khi áp dụng chữ ký số trong các giao dịch, giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, lưu trữ, có thể ký số trên tài liệu, văn bản, giấy tờ mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.

Ngày 10-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.

Trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã đặt ra yêu cầu áp dụng chữ ký số và mô hình ký số từ xa đối với đời sống kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 06/NQ-TU đề ra, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của người dân. Bởi, việc phát triển chữ ký số từ xa chắc chắn sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho không chỉ các doanh nghiệp mà còn với cả người dân khi tiếp cận và sử dụng công nghệ số.

Bài và ảnh: Chi Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhip-song-so/them-thuan-loi-de-chuyen-doi-so/22338.htm