Thêm sức nóng cho cuộc đua vô địch V-League

Một trong những thay đổi lớn nhất về thể thức thi đấu của V-League mùa này, đó là nhóm A đua vô địch chỉ còn 6, thay vì 8 đội như mùa giải 2020.

 HAGL và Hà Tĩnh sớm chầu rìa cuộc đua vô địch mùa trước. Ảnh: VPF.

HAGL và Hà Tĩnh sớm chầu rìa cuộc đua vô địch mùa trước. Ảnh: VPF.

Tại một số giải VĐQG mạnh trên thế giới, vì nhiều lý do, số đội tham dự chỉ ở mức khoảng từ 10 đến 14 - gần giống V-League. Nếu chỉ đá lượt đi và lượt về, số vòng đấu chỉ vào khoảng từ 20 đến 26 trận, bằng khoảng 2/3 so với những giải VĐQG "chuẩn" châu Âu, nơi các đội thường đá từ 34 đến 38 trận mỗi mùa.

Để cân bằng số trận, và điều chỉnh thời gian diễn ra mùa giải phù hợp với lịch tập trung của các ĐTQG, cũng là để tối đa hóa tiền bản quyền truyền hình, các giải VĐQG này sử dụng thêm một hình thức, gọi là "lát cắt" (cut-off), hoặc một vòng play-off. Nội dung của hình thức này nằm ở chỗ, những đội đứng đầu sẽ đá thêm vài trận nữa, tùy thể thức thi đấu, sau đó mới xác định đội vô địch chính thức.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020, V-League buộc phải thử nghiệm hình thức lát cắt này như một cách để đối phó dịch bệnh. Mùa giải không thể kéo dài 26 vòng như thường lệ, vì thế, Ban tổ chức quyết định phân các đội thành 2 nhóm. Nhóm A gồm 8 đội xếp trên, sẽ đá vòng tròn tiếp chọn đội vô địch. Nhóm B, gồm 6 đội đứng dưới, đá tiếp để tránh xuống hạng. Thể thức mới mẻ này thổi lửa vào cả hai cuộc đua, khi đội vô địch và tấm vé xuống hạng chỉ được xác định ở đúng vòng đấu cuối cùng.

Dẫu ưu việt, nhưng "lát cắt" V-League mùa trước vẫn còn một số hạn chế, thể hiện rõ qua màn trình diễn của HAGL ở giai đoạn hai. Sau khi hoàn thành mục tiêu trụ hạng giống các mùa trước do lọt vào nhóm A, quân bầu Đức đá như thả, và thua một mạch 6 vòng đầu tiên, trước 6 đội xếp trên. Hoặc ở bên nhóm B, sau khi Đà Nẵng và Thanh Hóa sớm trụ hạng, họ cũng đá theo kiểu HAGL, khiến cơ hội đua trụ hạng của các đội nhóm dưới giảm tính công bằng. Những đồn đoán về nhóm lợi ích, một lần nữa lại nổ ra.

Tránh lặp lại sai lầm cũ, V-League 2021 sẽ có "lát cắt" khác. Cụ thể, số đội nhóm A đua vô địch giảm xuống chỉ còn 6, số đội tránh xuống hạng tăng lên thành 8. Nhìn vào bảng xếp hạng mùa trước sau giai đoạn một, có thể thấy ngay điểm lợi của thể thức mới. Cụ thể, có tới 4 đội, xếp từ thứ tư đến thứ bảy cùng có 20 điểm. Nếu chỉ chọn 6 đội đua vô địch, TP.HCM, Bình Dương và cả HAGL (các đội cùng có 20 điểm), chắc chắn sẽ phải nỗ lực đến tận cuối giai đoạn một và không được phép thả lỏng sớm.

Một yếu tố nữa ủng hộ cách phân chia mới, đó là khoảng cách về điểm giữa đội đứng đầu và cuối mỗi nhóm. Sau giai đoạn một, khoảng cách giữa đội đầu và cuối nhóm A là 6 điểm, nhưng con số này tăng lên thành 21 vào cuối mùa. Ngược lại, ở nhóm B, khoảng cách điểm số đã giảm từ 7 xuống còn 5 điểm. Ở một góc độ nào đấy, chúng ta có quyền tin là trình độ những đội nhóm B tương đồng hơn nhóm A. Số đội ở nhóm này tăng thêm chắc chắn sẽ tăng tính hấp dẫn.

Nếu ai đó còn nghi ngờ về sự hiệu quả của "lát cắt" mới, họ có thể tìm thấy niềm tin từ những hoạt động trên thị trường chuyển nhượng đầu mùa 2021. Ngoại trừ Hà Nội và Viettel chắc chắn sẽ đua vô địch, có tới 4 cái tên cũng giàu tham vọng không kém là HAGL, TP.HCM, Đà Nẵng và Bình Dương. Cộng thêm những ẩn số từ Sài Gòn và có thể là Than Quảng Ninh, khán giả có quyền tin vào một cuộc đua vô địch theo kiểu tứ mã, thay vì song mã như nhiều năm qua.

HỒNG PHÚC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/them-suc-nong-cho-cuoc-dua-vo-dich-v-league-d280882.html