Thêm S-400 tăng sức siết vòng cung Crimea-Kaliningrad

Từ những chuyển động quân sự tại Biển Đen và biên giới Ukraine-Crimea, Nga không thể không tăng cường cho vòng cung Crimea-Kaliningrad...

Nga triển khai thêm hệ thống phòng không S-400 đến Crimea

Thông báo của Hạm đội Biển Đen ngày 21/9 cho biết, Nga đã đưa tiểu đoàn S-400 thứ 3, bao gồm 8 bệ phóng, 112 tên lửa cùng với các phương tiện hỗ trợ và thiết bị chỉ huy, tới triển khai ở Evpatoria, phía tây Crimea.

“Chúng tôi đang kiểm soát toàn bộ vùng trời Crimea, từ tầm thấp tới tầm cao. Việc triển khai cho phép chúng tôi có thể phát hiện 100 mục tiêu và tiêu diệt ít nhất 12 mục tiêu trong số đó”, ông Alexander Taranov, sĩ quan Hạm đội Biển Đen cho biết.

Theo nguồn tin mà Sputnik có được thì Nga được cho là sẽ sớm triển khai thêm tiểu đoàn S-400 thứ 4 tới Crimea và được đặt ở thị trấn Dzhankoy, nằm ở phía bắc bán đảo chiến lược này.

Nga tăng cường thêm S-400 đến Crimea

Trước đó, các tổ hợp S-400 đã được triển khai tại Feodosiya và Sevastopol lần lượt vào tháng 1/2017 và 2018. Bán đảo Crimea là khu vực chiến lược của Nga, nơi đồn trú của Hạm đội Biển Đen.

S-400 hiện được coi là hệ thống phòng thủ tầm xa tiên tiến nhất, có thể tiêu diệt các vật thể xuất hiện trong phạm vi > 400 km, như máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái và tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km, tốc độ tối đa 4,8km/s.

Nga đã gia cố mạng lưới phòng vệ cho Crimea từ khi bán đảo được tái sát nhập vào nước Nga. Giới chuyên gia quân sự đánh giá hệ thống phòng không và chống hạm của Nga ở Crimea là rất hiện đại và vững chắc.

“Khi lực lượng vũ trang Nga chuyển đến bán đảo Crimea, giúp cho sức mạnh quân sự tại bán đảo chiến lược này vượt xa thời kỳ nó được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền Ukraine.

Crimea là điểm cực nam của một hệ thống các cơ sở quân sự mới của Nga, trải dài về phía bắc trong một vòng cung qua phía tây nước Nga và kết thúc ở Kaliningrad - tiền đồn của Nga tại vùng Baltic”, theo Reuters.

Khi trở thành "ao nhà", Crimea đã giúp cho vòng cung Crimea-Kaliningrad trở nên vô cùng lợi hại và khi quân đội Nga trang bị những loại vũ khí tiên tiến nhất cho cứ điểm Crimea, khiến vòng cung Crimea-Kaliningrad như "vòng cung bất tử".

Khi cầu Kerch bị đe dọa cho nổ tung, Nga đã thắt chặt kiểm soát eo biển Kerch, biển Azov và cả Biển Đen để đảm bảo an toàn cho cây cầu này, từ đó khiến "dây cung" Crimea-Kaliningrad đạt tới cung bậc cao nhất về công - thủ.

Hiện nay hệ thống phòng thủ tại Crimea cho phép quân đội Nga kiểm soát cả không phận và hải phận ở khu vực Biển Đen. Ngoài S-400, Crimea còn được trang bị thêm các tổ hợp tên lửa uy lực khác như S-300P, Buk-M2 và Osa.

Như vậy, việc quân đội Nga việc triển khai thêm S-400 đến Crimea đã tăng thêm công lực cho mọi mũi tên trên dây cung Crimea-Kaliningrad, trong bối cảnh an ninh nước Nga đang có những mối đe dọa nghiêm trọng.

Pantsir-S1 cũng được triển khai tại bán đảo chiến lược

Nga quyết hóa giải mọi mối đe dọa từ Biển Đen

Còn nhớ ngày 12/8, tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển lớp Arleigh Burke USS Carney (DDG-64) của Hải quân Mỹ đã tiến vào Biển Đen nhằm thực hiện nhiệm vụ triển khai các chiến dịch an ninh hàng hải.

Tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết nhiệm vụ của USS Carney vào Biển Đen lần này còn nhằm "tăng cường khả năng tác chiến hải quân Mỹ tại đây cũng như phối hợp với các đồng minh trong khu vực", Sputnik tường thuật.

Trung tá Tyson Young, chỉ huy chiến hạm USS Carney cho hay, động thái này của Hải quân Mỹ là để thực hiện cam kết của Washington đối với việc duy trì an ninh trong khu vực Biển Đen.

Trước đó, trong tháng 1/2018, chiến hạm USS Carney cũng đã được điều đến Biển Đen để tham gia tập trận cùng Hải quân Ukraine, gây sức ép rất lớn đối với Hải quân Nga đồn trú tại đây.

Chính vì vậy, lần này khi Mỹ đưa chiến hạm USS Carney tới Biển Đen thực hiện các nhiệm vụ nhạy cảm được xem như là sự thách thức với Nga, Moscow đã tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng.

Ngày 13/8, ông Frants Klintsevich - ủy viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Nga, cho hay : “Chúng tôi chắc chắn sẽ đáp trả. Đây không phải là hành động tự phát, mà nó nằm trong khuôn khổ chương trình kiểm soát an ninh của Nga trên Biển Đen”.

Nhà chính trị Nga tuyên bố, hành động của Mỹ là muốn “đưa Nga tới bờ vực”, tuy nhiên, "các nỗ lực này đều là vô ích". Thượng nghị sĩ Klintsevich khẳng định hành động khiêu khích chắc chắn không thành công.

Washington cáo buộc Moscow đang tạo ra những mối đe dọa tới các nước khác từ Biển Đen, song theo ủy viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Nga Klintsevich, những cáo buộc đó là hết sức “vô lý”.

Như vậy, chiến hạm USS Carney của Hải quân Mỹ được điều tới Biển Đen đã gây ra căng thẳng giữa Washington với Moscow, đe dọa an ninh nước Nga, vì nó còn được xem là sự khích lệ với những "thế lực thù địch Nga".

Chiến hạm USS Carney của Hải quân Mỹ tiến vào Biển Đen

Bởi ngay sau khi chiến hạm USS Carney đến làm nhiệm vụ tải Biển Đen thì Ukraine tuyên bố sẽ thiết lập một căn cứ quân sự mới trên Biển Azov - vùng biển nằm giữa Rostov, Krasnodar và Crimea của Nga, song bờ biển phía bắc thuộc Ukraine.

Tiếp theo là các cuộc tập trận chung giữa quân đội Ukraine và quân đội Mỹ-NATO liên tiếp được tổ chức, trong đó đặc biệt là tập trận lớn nhất lịch sử của Không quân Ukraine mang tên Clear Sky diễn ra vào tháng 10 tới đây.

Với những chuyển động quân sự như vậy tại Biển Đen và biên giới Ukraine-Crimea, rõ ràng Nga không thể không tăng cường cho vòng cung Crimea-Kaliningrad và làm căng dây cung Crimea-Kaliningrad trong khả năng công - thủ.

Điều này có thể ngăn chặn mưu đồ muốn làm giãn dây cung Crimea-Kaliningrad qua những hành động, hoạt động quân sự mang tính đe dọa với nước Nga trong bối cảnh "Kế hoạch Đông tiến" của NATO đang bắt đầu được tái triển khai rầm rộ.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/them-s-400-tang-suc-siet-vong-cung-crimea-kaliningrad-3365970/