Thêm quyền, cần cơ chế giám sát

Chống gian lận, chống trốn thuế là việc đương nhiên phải làm, song trong bối cảnh hiện nay có nên trao thêm 'đặc quyền' khởi tố, điều tra cho cán bộ ngành thuế như đề xuất của Bộ Tài chính. Và nếu trao thì cơ chế nào để kiểm soát?

Chưa nói đến chức năng điều tra, với lực lượng thanh tra bố trí theo ngành dọc từ tổng cục đến hàng trăm cục, chi cục hiện nay, cán bộ thuế đang nắm trong tay công cụ, quyền lực khá lớn. Họ có thể kiểm tra định kỳ, thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất… với bất cứ hành vi nào có dấu hiệu sai phạm, trốn thuế. Không ít vụ việc đã bị phát hiện, phanh phui, điển hình Big C và Metro chuyển giá, trốn thuế hàng ngàn tỉ đồng; hay mới nhất vụ Nguyễn Kim lách, né thuế thu nhập cá nhân 148 tỉ đồng…

Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa hài lòng với những “thành tích” như vậy, khi mà trong hàng ngàn hồ sơ vi phạm thuế chuyển qua cơ quan công an mỗi năm, số vụ khởi tố chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại đa phần mới chỉ được xem như những thông tin thông báo, tố giác hành vi tội phạm. Vì vậy, cơ quan này muốn tham mưu cho Chính phủ sửa luật Quản lý thuế, trình dự thảo lên Quốc hội vào cuối năm 2018, bổ sung chức năng điều tra, khởi tố cho cơ quan thuế. Dự thảo nếu thuận buồm xuôi gió, dự kiến thông qua vào tháng 5.2019.

Trao thêm chức năng điều tra cho Tổng cục Thuế có thể gây xung đột thẩm quyền với các cơ quan điều tra tư pháp khác. Bởi, theo quy định hiện hành, hoạt động điều tra, gồm cả điều tra hành vi gian lận, trốn thuế nằm trong phạm vi, chức năng của cơ quan tố tụng trong lĩnh vực tư pháp như cơ quan điều tra, viện kiểm sát... Một cơ quan nhà nước như Tổng cục Thuế vừa có chức năng hành pháp lại vừa có chức năng tư pháp dễ dẫn tới lạm quyền, dẫn tới tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Do đó, đòi hỏi phải có một sự tách bạch rất rõ ràng, cụ thể.

Đó là chưa kể, nếu không có cơ chế kiểm soát dễ dẫn tới tình trạng cán bộ thuế lợi dụng đặc quyền này để đe dọa, áp đặt, vòi vĩnh người nộp thuế; gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư kinh doanh, tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trốn thuế, gian lận thuế vẫn còn phổ biến; số tiền thất thoát lớn… thống kê đến nay lên tới hơn 70.000 tỉ đồng.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trốn thuế bị khép vào tội hình sự, họ có bố trí cơ quan điều tra. Tuy nhiên, ở các quốc gia này, luật pháp, chính sách rất rõ ràng, cơ chế kiểm soát quyền lực rất chặt chẽ. Quyền tự điều tra của cơ quan thuế được kiểm soát khắt khe bởi một hệ thống đầy đủ các điều luật và sự phối hợp với các cơ quan khác. Trường hợp nào cơ quan thuế được phép điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn bộ phận điều tra của cơ quan thuế trong tương quan với nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án, viện kiểm sát, công an… tới đâu cũng được quy định rõ.

Khi chúng ta chưa có được những công cụ kiểm soát như vậy, thì việc trao thêm đặc quyền này cần phải được tính toán hết sức thận trọng.

Anh Vũ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/them-quyen-can-co-che-giam-sat-983881.html