Thêm quốc gia 'chớp cơ hội' mua S-400 của Nga nếu Mỹ ép Ấn Độ bỏ cuộc?

Nếu Mỹ thúc ép Ấn Độ rút khỏi thương vụ S-400 của Nga, Pakistan có thể trở thành khách hàng tiềm năng.

Theo Eurasian Time, nếu Ấn Độ khuất phục trước sức ép của Mỹ và từ bỏ thỏa thuận S-400 với Nga, liệu Pakistan có thể trở thành khách hàng tiềm năng với hệ thống phòng không “tiên tiến nhất” này không ?

Ấn Độ đang vướng vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan mới đối với Nga, khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngày 8/12/2020 chỉ ra rằng ý tưởng Ấn Độ gia nhập QUAD do Mỹ dẫn đầu có khả năng phá hoại mối quan hệ của New Delhi với Moscow.

Nga biết những tác động lâu dài của việc Ấn Độ gia nhập QUAD và dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự thất vọng của Moscow trong mối quan hệ này đó là việc nước này hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Ấn-Nga vào ngày 23/12/2020, lần đầu tiên sau hai thập kỷ.

Việc cải thiện mối quan hệ này hiện nay rõ ràng phụ thuộc vào nỗ lực của Ấn Độ trong việc mua sắm hệ thống phòng thủ S-400 từ Nga tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ khiến Washington nổi giận.

Mọi thứ hiện đang đi đúng dự kiến khi vào ngày 5/1/2021, tờ The Indian Express đưa tin rằng "Thỏa thuận S-400 của Ấn Độ với Nga có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ". Năm 2018, Ấn Độ đã phớt lờ Mỹ, ký thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD với Nga.

Theo báo cáo của một nhóm nghiên cứu độc lập của Mỹ, Ấn Độ háo hức với nhiều sáng kiến chia sẻ công nghệ và hợp tác sản xuất với Mỹ, trong khi đó Mỹ thúc giục Ấn Độ cần cải cách nhiều hơn trong chính sách quốc phòng của nước này.

Báo cáo cảnh báo “Thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD của Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Ấn Độ theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt”.

Vì sao S-400 lại được quan tâm nhiều?

“S-400 là một hệ thống phòng không tích hợp bao gồm các radar, thiết bị chỉ huy và điều khiển, cùng 4 loại tên lửa đất đối không. Bốn loại tên lửa mà S-400 sử dụng có tầm bắn từ 40-400km và có thể bắn hạ máy bay, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Không quân Ấn Độ đã nhiều lần coi S-400 là kẻ thay đổi cuộc chơi, tờ The Week đưa tin vào ngày 13/6/2020.

Không rõ thỏa thuận mua S-400 sẽ mang lại những khó khăn gì cho Ấn Độ khi đất nước này đang đứng giữa sự lựa chọn khó khăn giữa hệ thống phòng không tốt nhất thế giới, S-400 và đối tác quân sự quan trọng của mình, Mỹ.

Nga nhiều lần ám chỉ rằng việc Ấn Độ trở thành một thành phần trong chiến lược QUAD là không thể chấp nhận được đối với Nga. Ấn Độ đã tìm cách chuyển giao sớm hệ thống phòng không của Nga với dự kiến vào tháng 12/2021 nhưng do khoảng cách ngày càng lớn giữa hai nước, việc giao hàng có thể bị trì hoãn hơn nữa.

Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Nga

Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Nga

Ấn Độ hoàn toàn có thể phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ nếu hoàn tất việc mua S-400, bởi lẽ Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO cũng đã bị áp đặt các lệnh trừng phạt do nước này sử dụng S-400 sau khi bị Mỹ từ chối bán máy bay chiến đấu tàng hình. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cam chịu nếu Ấn Độ không bị Mỹ xử lý theo thước đo tương tự.

Không loại trừ khả năng Mỹ buộc Ấn Độ từ bỏ thương vụ S-400 và mua hệ thống tên lửa Patriot của mình. Nhưng nhiều chuyên gia quốc phòng cho rằng S-400 hiện không có đối thủ trên thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chúc mừng năm mới 2021 tới Tổng thống Ấn Độ RN Kovind mà không đề cập đến người bạn mới Pakistan nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Ấn Độ quyết nói “Không” với thỏa thuận S-400 với Nga trong khi Pakistan lại mở lòng với thứ vũ khí này?

Chắc chắn Mỹ sẽ trừng phạt Pakistan nhưng Pakistan dường như không mấy nặng lòng trước vấn đề này vì sau thương vụ mua F-16 từ Mỹ, Pakistan dường như đã hài lòng với những gì mình có. Ngày 21/ 12/2020, Đại sứ Nga tại New Delhi NR Kudashev cho biết Nga cam kết phát triển quan hệ với Pakistan.

Đây thực sự là thách thức lớn với Ấn Độ. Khoảng 70% vũ khí của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Việc buộc phải lựa chọn bên Mỹ hay Nga luôn là điều không đơn giản với Ấn Độ.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/them-quoc-gia-chop-co-hoi-mua-s-400-cua-nga-neu-my-ep-an-do-bo-cuoc-a502381.html