Thêm phương án thu đủ 300 tỷ đồng đầu tư QL1 Cai Lậy

Tổng cục Đường bộ VN đang nghiên cứu thêm phương án giữ nguyên trạm thu phí BOT Cai Lậy và thu đủ 300 tỷ đồng chủ đầu tư bỏ ra nâng cấp, mở rộng QL1, sau đó sẽ chuyển trạm về tuyến tránh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, Bộ GTVT vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Vụ Đối tác công - tư (PPP), Tổng cục Đường bộ Việt Nam, công ty TNHH QL1 Tiền Giang, Ban quản lý dự án 8, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT khẩn trương phối hợp triển khai kết luận chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/12/2017.

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN chủ trì, phối hợp với công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang, Sở GTVT Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị khẩn trương nghiên cứu các phương án xử lý, đề xuất giải pháp, phân tích ưu, nhược điểm cụ thể đối với mỗi phương án.

Nhiều phương án đang được đưa ra nghiên cứu để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy

Nhiều phương án đang được đưa ra nghiên cứu để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy

Cụ thể, phương án 1: Giữ nguyên trạm như hiện nay, có biện pháp bổ sung (nếu cần thiết) để đảm bảo việc thu giá dịch vụ.

Phương án 2: Xây dựng thêm trạm trên tuyến tránh, thu giá dịch vụ hoàn vốn đầu tư cho cả tuyến tránh và phần đầu tư trên QL1 hiện hữu.

Phương án 3: Di dời trạm về tuyến tránh, Nhà nước hoàn trả phần kinh phí đầu tư trên QL1 hiện hữu, có thực hiện điều tiết phân luồng giao thông. Trường hợp phương án tài chính không hiệu quả, tính toán kinh phí cần thiết Nhà nước hỗ trợ để đảm bảo khả thi về tài chính.

Ngoài 3 phương án trên, phương án vẫn đặt trạm ở vị trí hiện tại và thực hiện thu phí đủ số vốn 300 tỷ đồng mà nhà đầu tư bỏ ra để nâng cấp cải tạo QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, sau đó thực hiện di dời trạm về tuyến tránh cũng đang được Tổng cục Đường bộ nghiên cứu, đánh giá và tính toán ưu và nhược điểm.

Ông Huyện cho biết, theo yêu cầu của Bộ GTVT, các phương án báo cáo cần thu thập đủ số liệu phương tiện các loại (xe tải, xe khách) dự kiến phân luồng xe đi trên tuyến tránh và xe đi trên QL1 qua trung tâm thị xã Cai Lậy, có ý kiến thống nhất của địa phương; thực hiện đàm phán, thống nhất sơ bộ với nhà đầu tư.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp xuất hiện phương án khác, chủ động nghiên cứu báo cáo Bộ GTVT.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang và Ban Quản lý dự án 8 báo cáo Tổng cục Đường bộ VN trước ngày 12/12.

Tổng cục Đường bộ báo cáo, đề xuất Bộ GTVT phương án xử lý trước ngày 17/12. Vụ PPP báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT trước ngày 22/12.

Về thông tin Nhà nước sẽ mua lại trạm BOT Cai Lậy, trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng các phương án, còn bây giờ chưa thể khẳng định là mua lại hay tiếp tục thu phí tại trạm này.

Ông Nguyễn Phú Hiệp, GĐ công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang - chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy cho rằng, với phương án mua lại trạm thu phí, Nhà nước phải bỏ ra một số tiền lớn. Là nhà đầu tư, DN mong muốn xây dựng một dự án vừa mang ý nghĩa về mặt xã hội, vừa mang lại lợi ích kinh tế, không muốn trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng cho biết DN sẵn sàng trả lại trạm nếu Nhà nước trả đủ tiền.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/bot-cai-lay-them-phuong-an-thu-du-300-ty-dong-dau-tu-ql1-415839.html