Thêm phim ra nhập 'câu lạc bộ' thua lỗ đầu năm: Đừng đổ lỗi cho mình 'Cậu Vàng'

Vậy là sau nửa tháng công chiếu, phim 'Cậu Vàng' rút khỏi hệ thống rạp chiếu của CGV và Lotte từ 25-1. Sự 'thua lỗ' của 'Cậu Vàng' đã được cảnh báo từ trước, nhưng nhà sản xuất lại cứ mải tập trung giải thích cho việc vì sao chọn 'chó Nhật' thay cho 'chó ta' khi diễn. Phim thua, cơ bản không thể để hết lỗi cho một mình 'Cậu Vàng' được.

Theo các rạp chiếu, tình trạng rạp vắng tanh, chi phí chiếu phim không đủ bù đắp chi phí vận hành là lý do khiến bộ phim lấy cảm hứng từ các tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao buộc phải ngừng chiếu.

Theo khảo sát trên Box, doanh thu của phim hiện tại chưa đến 3,5 tỷ đồng. Như vậy, so với số vốn 25 tỷ đồng đầu tư như thông tin từ nhà sản xuất, “Cậu Vàng” là phim Việt tiếp theo lỗ nặng khi ra rạp và vướng phải những lùm xùm hay đánh giá thiếu thiện cảm từ công chúng trong thời gian gần đây như “Võ sinh đại chiến, Sám hối”…

Lấy cảm hứng từ truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Phim xoay quanh cuộc đời khốn cùng của lão Hạc (nghệ sĩ Viết Liên đảm nhiệm) khi con trai đi phu cao su không biết ngày về. Do sự áp bức của giới địa chủ thời trước năm 1945, lão đành phải cắn răng bán đi chú chó cưng, rồi mua thuốc chuột về tự sát để giữ mảnh vườn lại cho con.

Với câu chuyện quen thuộc từ sách Ngữ văn của nhiều thế hệ học sinh, đạo diễn Trần Vũ Thủy đã đưa chú chó Vàng trở thành nhân vật tựa đề, đồng thời thêm thắt nhiều tuyến nhân vật để tạo sự mới lạ. Dự án được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng bối cảnh làng quê vùng Bắc Bộ những năm đầu thập niên 1940.

Tranh cãi nổ ra khi nhà sản xuất chọn một chú chó có nguồn gốc không thuần Việt lên phim, khán giả tẩy chay trước thái độ có phần bảo thủ của “ê –kíp” khi giải thích vì sao phải chọn “diễn viên ngoại”. Nhưng công bằng mà nói, doanh thu thua lỗ của “Cậu Vàng” không thể chỉ đổ lỗi hết cho diễn viên "Cậu Vàng” được.

Cả cậu Vàng lẫn lão Hạc – vốn tưởng là nhân vật chính rốt cuộc đều bị biến thành nhân vật thứ chính và xuất hiện ít ỏi

Cả cậu Vàng lẫn lão Hạc – vốn tưởng là nhân vật chính rốt cuộc đều bị biến thành nhân vật thứ chính và xuất hiện ít ỏi

Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng của “Cậu Vàng” và những đổi mới nội dung phim so với nguyên tác truyện là chưa phù hợp, thậm chí, nó tạo thành những “biến thể” khó chấp nhận với những người đã quá quen với các hình tượng nhân vật mà bao nhiêu năm qua họ đã được đọc, được hình dung, được cảm nhận theo cách mà Nam Cao xây dựng kiểu “hiện thực phê phán”. Sự sáng tạo trong phim không đem lại hiệu quả, khiến chất lượng phim chỉ ở mức trung bình, không đủ để lôi kéo khán giả đến rạp. Sẵn với việc bị chê bai, tẩy chay trước đó, doanh thu “èo uột” là điều không quá khó hiểu.

Đạo diễn Trần Vũ Thủy đưa bộ phim đi quá xa so với nguyên tác nhưng lại quên đi tính thuyết phục. Bối cảnh phim trông giả tạo, không phù hợp với thời điểm nạn đói hoành hành trước Cách mạng Tháng Tám. Từ tạo hình nhân vật cho tới hành động hội hè, trêu ghẹo nhau của các đôi nam nữ chẳng hề ra dáng nghèo khổ.

Không những thế, cả cậu Vàng lẫn lão Hạc – vốn tưởng là nhân vật chính rốt cuộc đều bị biến thành nhân vật thứ chính và xuất hiện ít ỏi. Hầu hết thời lượng phim là những màn đấu đá giữa các bà vợ trong nhà Bá Kiến hay hành trình chạy trốn với tình cũ một cách khó hiểu của bà Ba (Băng Di). Hậu quả, tác phẩm chẳng để lại chút giá trị nghệ thuật hay giải trí nào. Bởi vậy mới nói, ê – kíp thực hiện “Cậu Vàng” ngay từ đầu đã đi không đúng hướng, nên dù có nỗ lực bao nhiêu, cũng khó bù lại được con số doanh thu lỗ đến hơn 20 tỷ.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/them-phim-ra-nhap-cau-lac-bo-thua-lo-dau-nam-dung-do-loi-cho-minh-cau-vang-225776.html