Thêm 'ông lớn' ngành Nông nghiệp lấn sân vào V-League

Ngay khi Ngân hàng Bắc Á ngừng rót tiền, lãnh đạo tỉnh và bóng đá Nghệ An đã tiếp xúc và được cho là sẽ có nhà tài trợ chính thức mới từ mùa sau.

 Phan Văn Đức hiện là ngôi sao số một của SLNA. Ảnh: VPF.

Phan Văn Đức hiện là ngôi sao số một của SLNA. Ảnh: VPF.

Dù chưa có xác nhận của người trong cuộc, Tập đoàn Tân Long, một doanh nghiệp chuyên về các sản phẩm nông nghiệp, được cho là sẽ tiếp quản vị trí tài trợ chính cho Sông Lam Nghệ An (SLNA). Theo thông tin niêm yết từ công ty, sản phẩm chủ lực của Tân Long là thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn xuất khẩu gạo với số lượng lớn.

Là một đơn vị lớn, nhưng Tân Long khá kín tiếng. Những gì mà người ta biết về tập đoàn này chỉ là vị trí chủ tịch của ông Trương Sỹ Bá, vốn điều lệ mới được nâng lên 2.200 tỷ đồng vào cuối năm 2018 và mục tiêu chiếm 10% thị trường gạo nội địa.

Điều nổi bật nhất ở Tân Long, nhà tài trợ sắp tới của SLNA, lại là mối quan hệ chằng chịt với bầu Hiển. Từ năm 2014, tập đoàn này đã ký nhiều hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ với Tập đoàn T&T của bầu Hiển trong mảng cung cấp nông sản như điều, gạo, ngô, đậu tương... Ở chiều ngược lại, Tân Long có nhiều khoản vay tại SHB. Giới thạo tin còn cho rằng, tập đoàn của ông Bá được phép khấu trừ nợ bằng... sản phẩm.

Quan hệ giữa đôi bên càng thêm "khăng khít" khi sản phẩm nổi tiếng bậc nhất của Tân Long - gạo A An - hiện diện trước áo đấu của đội Hà Nội từ mùa này. Nếu không biết nội tình bên trong, rất nhiều người sẽ nghĩ A An, hay Tập đoàn Tân Long, mới là nhà tài trợ chính cho Hà Nội, thay vì T&T của bầu Hiển.

Thực tế, Tân Long và T&T vẫn là hai nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam lớn bậc nhất tại châu Phi. Chỉ riêng chi tiết này, cũng đủ nói lên sự thân thiết giữa đôi bên. Tuy nhiên, chính điều ấy lại khiến người hâm mộ giật mình về chuyện "một ông bầu nhiều đội bóng", vốn vừa mới thuyên giảm sau khi Quảng Nam xuống hạng, còn Sài Gòn đứng ra ở riêng.

Bầu Hiển, trên danh nghĩa, chỉ đảm nhiệm công việc ở đội Hà Nội, nhưng ông vẫn rót tiền tài trợ đều cho Đà Nẵng, thậm chí Quảng Ninh. Còn nhớ ở giai đoạn hai V-League 2020, chính ông bầu họ Đỗ đã xuống sân thưởng nóng Đà Nẵng, sau khi đội bóng này hạ Hải Phòng và tiến một bước dài trên con đường trụ hạng. Hoặc như Quảng Ninh, dù phong độ tốt đến đâu, họ cũng đều thất thủ khi gặp Hà Nội.

Nếu SLNA bắt tay với Tân Long, sợi dây liên kết Hà Nội - Quảng Ninh - Đà Nẵng rất có thể sẽ có thêm một mắt xích quan trọng. Chẳng thế mà khi đội bóng xứ Nghệ chưa xác thực danh tính nhà tài trợ mới, những tin đồn liên quan tới Hà Nội đã xuất hiện: HLV Chu Đình Nghiêm rục rịch về thành Vinh, hay Ngân Văn Đại, Trần Văn Kiên xem xét chuyện hồi hương.

Cách đây hơn 10 năm, một ông bầu đã tính rằng đầu tư vào bóng đá có lãi. Ông lấy ví dụ, nếu muốn quảng cáo chừng 30 giây trên truyền hình sẽ tốn chừng 50 triệu đồng. Nhưng nếu tài trợ khoảng 10 tỷ đồng cho một đội, tên của thương hiệu sẽ gắn thường trực trên ngực áo cầu thủ, đồng thời có thể xuất hiện vài trăm phút mỗi mùa trên sóng truyền hình.

Tân Long có thể không nằm ngoài xu thế ấy, bởi tập đoàn này chưa hề lấn sân vào thể thao. SLNA cũng là một tên tuổi lớn, đủ sức mang lại lợi ích truyền thông cho doanh nghiệp quê nhà. Tuy nhiên, đằng sau cái bắt tay ấy là những gì thì phải đợi thời gian trả lời.

Phúc Nguyên

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/them-ong-lon-nganh-nong-nghiep-lan-san-vao-v-league-d291150.html