Thêm những tiết lộ của Vũ Đình Long về vở kịch 'Chén thuốc độc'

Qua phỏng vấn của Lê Thanh, với kịch tác gia Vũ Đình Long, chúng ta biết thêm về sự ra đời của vở 'Chén thuốc độc' cũng như quan niềm về văn chương của ông.

 Ông Vũ Đình Long. Ảnh: TL.

Ông Vũ Đình Long. Ảnh: TL.

Chăm lo cho “lâu đài quốc văn”

Vũ Đình Long kể: Ông sinh 19 tháng chạp năm 1896, ở Hà Nội. Ban đầu, học ban tiểu học một trường Pháp Việt rồi vào ban Trung học một trường Pháp (College Paul Bert). Thời đi học ông “ít được luyện tập quốc văn”.

“Khi còn ở ban tiểu học, tôi rất ham đọc tiểu thuyết Tàu do người Nam kỳ dịch ra quốc văn và xuất bản ở Sài Gòn. Tôi thích nhất là bộ Tam quốcThủy hử là những bộ tiểu thuyết rất hay, từ người ít học cho đến người trí thức, ai đọc cũng phải ham. Trong thời kì dạy học, tôi rất chú ý đến việc luyện tập quốc văn cho học trò tôi mà tôi coi như những người thợ tương lai của lâu đài quốc văn sau này. Tôi soạn những sách giáo khoa bằng quốc văn, cũng trong thời kì ấy và cũng không ngoài cái mục đích đào luyện những người thợ tương lai kia”.

Như chúng ta đã biết, kể từ khi tốt nghiệp Trường trung học Paul Bert năm 1916, Vũ Đình Long làm nghề dạy học ở Hà Đông và làm ở Sở học chính Đông Pháp. Đây là thời gian ông đã tham gia soạn và dịch nhiều sách như Tục anh hùng náo, bản dịch in 1925; 200 bài tính đố, in 1925 - soạn chung Phạm Tá; Chuyện giải trí, in 1925 soạn chung với Dương Bá Trạc, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Quảng Hàm; Thế giới trẻ con, in 1927, Quốc văn độc bản (Sách đọc Quốc văn) in lần đầu năm 1924.

Những cuốn sách giáo khoa và bản dịch đó phần nào nói lên tinh thần luyện tập quốc văn cho thế hệ trẻ của Vũ Đình Long. Tiếc rằng, nhiều cuốn sách trong số đó ngày nay bạn đọc ít được tiếp cận vì chưa được tái bản.

“Hồng hoa biệt thự” - nơi “công bố” lần đầu tiên kịch bản Chén thuốc độc

Chén thuốc độc là vở kịch nói đầu tay của Vũ Đình Long, cũng được coi là vở kịch nói đầu tiên của nền kịch nói hiện đại Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn của Lê Thanh, kịch tác gia Vũ Đình Long tiết lộ thêm nhiều thông tin về sự ra đời của vở kịch này cũng như “nhà hát” đầu tiên công bố vở kịch này. Vũ Đình Long kể: “Tôi soạn vở Chén thuốc độc của tôi vào những trường hợp khác, có thể gọi là ngẫu nhiên hơn. Hồi ấy tôi dạy học ở Hà Đông. Mấy ông giáo trường tôi như ông Đốc Nguyễn Đình Thông, cụ giáo Nguyễn Văn Hùng đều là những người yêu văn chương sách vở.

Bút tích của ông Vũ Đình Long

Chúng tôi đặt cái lệ mỗi tháng hai kì, vào hai buổi tối, hội họp tại “Hồng hoa biệt thự” của ông Nguyễn Đình Thông uống trà và nói chuyện văn chương. Ngoài sự đàm luận về văn học cổ kim, về những vấn đề quan hệ đến nền quốc học, chúng tôi ai tìm được bài gì hay đều đem lại đọc cho cùng nghe.

Năm ấy là năm 1919 hay 1920, hội “Nông Công thương” được Chính phủ (Bảo hộ) cho phép xuất bản tạp chí Hữu Thanh lấy hữu ái làm chủ nghĩa, mục đích là “du lịch cái tinh thần hữu ái trong đồng bào”, và do tạp chí Hữu Thanh mà anh em đồng chí lập nên “Ích Hữu thư xã” mở tòa tu thư, lập ân quán, làm việc trước thuật, xuất bản và ấn loát, “ghé vai vào giúp một phần việc văn học trong quốc dân”. Chúng tôi hoanh nghênh hội “Ích Hữu” lắm, cụ Nguyễn Văn Hùng và tôi có vào mấy cổ phần. Hơn nữa, tuy tài còn mọn, tôi cũng muốn giúp vào sự biên tập tạp chí Hữu Thanh.

Tôi viết kịch Chén thuốc độc đem đọc ở "Hồng hoa biệt thự", được các bạn nhà giáo khen ngợi và khuyên nên gửi đăng Hữu Thanh. Sau khi gửi đi được mấy hôm, tôi được hân hạnh tiếp Tản Đà tiên sinh, hồi ấy giữ chúc chủ bút tạp chí Hữu Thanh và một ông Tú cùng đi với tiên sinh. Hai ông cất công từ Hà nội vào thăm, mục đích chỉ để cho tôi biết là nhận được vở kịch của tôi, tòa báo đã “họp và nghe đọc” và ai nấy đều hoan nghênh. Vở kịch sẽ đăng vào tạp chí. Hai ông ở lại chơi đêm chuyên trò, sang hôm sau mới ra về".

Sau khi đăng vở kịch được ít lâu, hội “Nông Công thương" diễn lần đầu tiên đêm 22 Octobre (tháng 10) 1921 tại Nhà hát tây Hà Nội, lấy tiền giúp trẻ bồ (mồ) côi.

Kịch tác gia Vũ Đình Long còn rất nhớ những người tham gia vai chính trong đêm diễn công bố lần đầu vở kịch Chén thuốc độc, đó là: Bà Thịnh đóng Cụ Thông, ông Nguyễn Đình Kao đóng thầy Thông Thu. Nguyễn Mạnh Bổng đóng giáo Xuân, Nguyễn Thống đóng Cậu ấm sứt.

Theo ông, “Trong các vai trò, có ông Nguyễn Đình Kao thủ vai thầy Thông Thu diễn hay nhất. Ông đóng rất tự nhiên, khi ông khóc trên sân khấu, nước mắt chan hòa, làm cho nhiều người đi xem cũng phải khóc theo".

Một người Pháp khi đi xem hôm ấy bình phẩm: “Tôi sang An Nam đã 20 năm, khi tôi mới sang chưa thấy gì là tiến bộ, mà nay thì hình như đã theo văn minh Âu châu nhiều lắm. Riêng vai thầy Thông Thu thì chẳng kém gì bên Tây… Tôi cứ tưởng lấy tích An Nam như tích này mà diễn còn hơn những tích Tây vừa khó diễn vừa không hợp với phong hóa An Nam”.

Kịch đọc khó hơn tiểu thuyết cho nên người mình ít đọc. Vả lai một vở kịch soạn ra là để diễn chứ không phải để đọc, mà trong kịch trường còn hiếm nhân tài thì thể văn kịch thế nào cũng tiến chậm hơn các thể văn khác. Tuy vậy ngay bây giờ ta có thể nhìn nó bằng con mắt lạc quan. Các ông Vi Huyền Đắc, Tương Huyền, Đoàn Phú Tứ là những kịch sĩ có tài. Tác phẩm của các ông ấy đáng chú ý lắm.

Thanh niên ta ưa xem chiếu bóng hơn xem kịch, một đằng thì vì nhiều vở kịch diễn dở, làm cho người xem chán, không muốn xem. Một vở kịch hay mà diễn dở cũng không xem được huống hồ những vở kịch đã dở, người đem diễn lại dở lắm; một đằng thì nghệ thuật chiếu bóng tiến nhanh quá, tất cả những mánh khóe văn minh được ứng dụng để làm tăng cái giá trị của chiếu bóng.

Vũ Đình Long

LÍ NGUYỄN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/them-nhung-tiet-lo-cua-vu-dinh-long-ve-vo-kich-chen-thuoc-doc-d276277.html